Đoàn giám sát của Quốc hội vừa giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị tại TP Cần Thơ. Qua giám sát cho thấy, công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất trên địa bàn thành phố đã có sự chuyển biến tích cực, bộ mặt đô thị từng bước thay đổi,... Tuy nhiên, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố còn nhỏ, chưa xứng tầm với trung tâm vùng ĐBSCL, đất đai ở các dự án còn bỏ hoang nhiều, gây lãng phí...

Đoàn giám sát của Quốc hội khảo sát, đi thực tế tại dự án khu tái định cư Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Theo báo cáo của UBND thành phố, tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố là 143.896,2ha. Đến nay, thành phố đã hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy 61.974,5ha. Thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND TP Cần Thơ đã ban hành 12 văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất thuộc thẩm quyền, như: Quyết định quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định hạn mức giao đất ở và hạn mức công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; Quyết định quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở; quy định về mức giá các loại đất định kỳ 5 năm (2015 - 2019)...
Ông Nguyễn Sĩ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nhận định: “Nhìn chung, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai đã được triển khai kịp thời, đúng thẩm quyền, chất lượng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, đảm bảo các quy định của Luật Đất đai, cơ bản đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương. Qua đó, diện mạo thành phố từng bước được thay đổi, phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị của cả nước”.
Từ năm 2014 đến năm 2018, thành phố có 13 dự án được triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất với diện tích 304ha. Hiện đã có quyết định thu hồi với diện tích khoảng 176,3ha và đã giải phóng mặt bằng 117,4ha với 1.320 trường hợp bị thu hồi đất và số tiền chi trả trên 1.554 tỉ đồng. Đoàn giám sát đánh giá cao thành phố trong công tác quy hoạch, thu hồi và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án; không để xảy ra điểm nóng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.
Tuy nhiên, ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, góp ý: “Qua giám sát và đi thực tế tại các dự án trên địa bàn quận Ninh Kiều, quận Cái Răng cho thấy nhiều dự án chưa quan tâm đến việc xây dựng những công trình công cộng phục vụ cho người dân. Tôi đề nghị UBND thành phố cần quan tâm, đôn đốc các chủ đầu tư dự án phải thực hiện đúng cam kết về việc đầu tư công viên, trường học, khu vui chơi giải trí… để đáp ứng nhu cầu người dân tại các khu dân cư, tái định cư”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại. Cụ thể, trên địa bàn thành phố còn tình trạng các khu dân cư tự phát; nhiều dự án bị bỏ hoang gây lãng phí đất đai; kiến trúc đô thị chưa được quản lý tốt; nhiều dự án thực hiện kéo dài gây hưởng đến quyền và lợi ích người dân... Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: “UBND thành phố đã có những giải pháp căn cơ trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Những trường hợp sai phạm trong lĩnh vực đất đai đều bị xử lý đúng theo quy định pháp luật. Vừa qua, thành phố đã kỷ luật 18 cán bộ có liên quan trong việc buông lỏng quản lý đất tại quận Bình Thủy”. UBND thành phố kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho thành phố phát triển để tạo động lực cho cả vùng ĐBSCL phát triển; chú trọng các dự án, công trình có tính kết nối vùng ĐBSCL với cả nước và khu vực; hoàn thiện khung pháp lý về quy hoạch, đầu tư và quản lý phát triển đô thị và nông thôn để địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, ổn định…
Tại buổi giám sát, ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đánh giá cao nỗ lực của thành phố trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua, đặc biệt không để xảy ra điểm nóng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Ông Dũng cũng đề nghị UBND thành phố cố gắng bám sát hệ thống pháp luật của Nhà nước để ban hành áp dụng cho địa phương một cách kịp thời các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai thuộc thẩm quyền trên địa bàn thành phố; thành phố cần có tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch, phát triển đô thị và trở thành điểm nhấn của khu vực ĐBSCL…
Bài, ảnh: Thanh Thư