29/09/2023 - 09:02

Xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước

Cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa 

Bài 3: Còn nhiều trăn trở

Hiện nay, TP Cần Thơ có 38 tổ chức đảng (TCÐ) và 1.293 đảng viên (ÐV) trong các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước (sau đây gọi chung là DN). Nếu so sánh với hơn 14.000 DN đang hoạt động, với hơn 100.000 người lao động (NLÐ) trong các DN trên địa bàn thành phố thì con số này còn rất khiêm tốn. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

TP Cần Thơ hiện có 5 Khu chế xuất và Công nghiệp với 230 DN, 42.000 NLÐ đang làm việc, nhưng tỷ lệ ÐV trong các DN ngoài nhà nước chiếm rất thấp. Trong ảnh: Khu công nghiệp Trà Nóc (quận Bình Thủy).

Chủ DN chưa mặn mà

Nhiều năm qua, các cấp ủy đảng TP Cần Thơ tìm cách tiếp cận để tuyên truyền, vận động chủ DN tạo điều kiện thành lập TCÐ và phát triển ÐV. Tuy nhiên, nhiều chủ DN từ chối thực hiện hoặc chỉ hứa sẽ tìm hiểu, nghiên cứu. Theo ông Trần Văn Tính, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, trên địa bàn xã có một số DN đang hoạt động, trong đó có công ty chế biến lương thực đông NLÐ, bản thân giám đốc công ty và 1 NLÐ của công ty này là ÐV đang sinh hoạt Ðảng nơi cư trú. Thường trực Ðảng ủy xã đã đến tuyên truyền, vận động tạo điều kiện cho NLÐ phấn đấu vào Ðảng và khi đủ số lượng 3 ÐV thì thành lập TCÐ. “Chúng tôi đã vận động nhiều năm nay, nhưng giám đốc công ty này bày tỏ quan điểm là thành lập TCÐ sẽ mất thời gian cho công tác Ðảng và “ngại”, bởi sự bó buộc các quy định của Ðảng nên đến nay chưa thực hiện” - ông Tính chia sẻ.

“Ngại” thành lập TCÐ và phấn đấu để vào Ðảng cũng là ý kiến nhiều chủ DN và NLÐ bày tỏ khi tiếp xúc với phóng viên. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng công trình giao thông, trụ sở tại đường 3 tháng 2 (quận Ninh Kiều), chia sẻ: “Công ty của chúng tôi làm trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, có 20 cán bộ khung và có hàng chục NLÐ làm việc thời vụ. Chúng tôi chưa nghĩ đến việc thành lập TCÐ và phấn đấu trở thành ÐV bởi vì lực lượng lao động của Công ty làm việc phân tán trên các công trình ở nhiều địa phương trong vùng ÐBSCL. Mặt khác, nếu công ty có TCÐ thì ÐV phải mất thời gian học tập nghị quyết, họp lệ chi bộ”. Còn anh Huỳnh Văn Thanh, công nhân Công ty TNHH Ðại Tây Dương (Khu công nghiệp Thốt Nốt), chia sẻ: “Chúng tôi làm việc theo dây chuyền, ca kíp, phải chịu nhiều áp lực về thời gian, năng suất, định mức lao động và chỉ quan tâm hằng tháng có thu nhập bảo đảm cuộc sống. Việc phấn đấu vào Ðảng chưa nghĩ tới”.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, không ít chủ DN còn e ngại, chưa thống nhất với việc thành lập TCÐ và kết nạp ÐV tại DN của mình. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ DN chỉ quan tâm lợi nhuận, doanh thu; e ngại việc thành lập TCÐ, thậm chí không muốn NLÐ vào Ðảng sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm việc, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, NLÐ trong DN chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, không quan tâm đến các vấn đề về chính trị. Một yếu tố nữa là đa phần DN trên địa bàn thành phố có quy mô vừa và nhỏ, ban lãnh đạo và NLÐ chủ yếu là các thành viên trong gia đình, họ hàng, người thân… dẫn đến việc cho rằng không cần thiết thành lập TCÐ và kết nạp ÐV.

Nhiều TCÐ giải thể

Chi bộ DN tư nhân xây dựng Hoàng Long tại xã Tân Thạnh (huyện Thới Lai) thành lập ngày 25-1-2019. Ban đầu, Chi bộ có 3 ÐV, trong quá trình hoạt động đã tiếp nhận 1 ÐV từ nơi khác chuyển đến và chăm bồi kết nạp được 3 ÐV, nâng tổng số ÐV của Chi bộ lên 7 ÐV vào năm 2022. Do làm ăn thua lỗ, đến tháng 6-2022, DN phải giải thể, Chi bộ cũng giải thể và kết thúc hoạt động. Khi giải thể Chi bộ, 6 ÐV đã chuyển sinh hoạt Ðảng về nơi cư trú, 1 ÐV không chuyển sinh hoạt Ðảng về nơi cư trú theo quy định nên Ban Thường vụ  (BTV) Huyện ủy Thới Lai quyết định xóa tên khỏi danh sách ÐV.

Chi bộ Công ty TNHH Một thành viên XD-TM-VT Phạm Thông ở xã Trường Long (huyện Phong Ðiền) cũng phải sáp nhập sau nhiều năm thành lập và hoạt động. Ông Nguyễn Văn Sáu, Bí thư Ðảng ủy xã Trường Long, cho biết: Chi bộ Công ty TNHH Một thành viên XD-TM-VT Phạm Thông có 7 ÐV. Lý do Chi bộ này xin sáp nhập vào Chi bộ ấp là do Chi bộ có một số ÐV của DN khác sinh hoạt ghép, làm việc phân tán ở nhiều địa bàn nên gặp khó khăn trong họp lệ chi bộ hằng tháng. Trước đề nghị của Chi bộ, tháng 6-2023, BTV Ðảng ủy xã ra Quyết định sáp nhập Chi bộ này vào Chi bộ ấp Trường Thuận. Theo đó, có 3 ÐV tại chỗ chuyển về sinh hoạt tại Chi bộ ấp Trường Thuận, 4 ÐV đang công tác tại cơ quan khác chuyển sinh hoạt Ðảng về nơi cư trú theo quy định.

Ngoài 2 TCÐ nêu trên, qua tìm hiểu của phóng viên, TP Cần Thơ có 49 TCÐ khác do DN tái cơ cấu, thoái vốn, làm ăn thua lỗ, NLÐ là ÐV làm việc phân tán ở nhiều địa bàn khác nhau, rất khó có điều kiện để tham gia họp lệ chi bộ theo quy định của Ðiều lệ Ðảng… nên đã giải thể trong giai đoạn 2019-2023. 

Cấp ủy địa phương chưa kiên trì vận động

Ngày 12-6-2019, BTV Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 144-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 33/CT/TW ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư “Về tăng cường xây dựng TCÐ, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân”. Theo đó, BTV Thành ủy chỉ đạo các quận ủy, huyện ủy, cấp ủy cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các DN trên địa bàn quản lý thành lập TCÐ và phát triển ÐV. Tuy nhiên, từ giữa năm 2019 đến nay, chỉ có Ðảng ủy phường Long Tuyền (quận Bình Thủy) vận động thành lập được 1 TCÐ là Chi bộ Công ty Cổ phần BJ&T.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến hạn chế một phần là do chủ DN và NLÐ chưa mặn mà việc thành lập TCÐ và phấn đấu trở thành ÐV. Nguyên nhân chủ quan là do cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quận, huyện và cơ sở chưa thật sự kiên trì trong công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ các chủ DN và NLÐ. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội ở quận, huyện và cơ sở lâu nay gặp gỡ, tiếp xúc với chủ DN chủ yếu là nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, vận động đóng góp chăm lo công tác an sinh xã hội, chưa đề cập đến việc thành lập, vận động thành lập TCÐ và phát triển ÐV…

Theo ông Ðoàn Hoài Hạ, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND phường Ba Láng (quận Cái Răng), trên địa bàn phường quản lý có 7 DN lớn với quy mô 80-100 NLÐ, có 4 DN vừa quy mô 20-30 NLÐ. Những lần đến các DN vận động đóng góp chăm lo công tác an sinh xã hội, Thường trực Ðảng ủy và UBND phường có tuyên truyền về Ðảng và mong muốn các chủ DN phấn đấu vào Ðảng, tạo điều kiện cho NLÐ phấn đấu vào Ðảng và thành lập TCÐ. Khi được tuyên truyền, vận động, các chủ DN có hứa sẽ nghiên cứu, nhưng vẫn chưa thực hiện. “Tôi thừa nhận rằng, việc vận động các DN thành lập TCÐ và phát triển ÐV của phường chưa thật sự quyết liệt, kiên trì nên cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong thời gian tới” - ông Ðoàn Hoài Hạ nói. Bà Hứa Hồng Tươi, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thới Lai, cũng thừa nhận: “Chưa có cách làm hiệu quả và kiên trì trong công tác khảo sát, tuyên truyền, vận động DN thành lập TCÐ và phát triển ÐV. Chính vì thế, Ban Tổ chức Huyện ủy sẽ tham mưu BTV Huyện ủy chỉ đạo cả hệ thống chính trị huyện phải có sự quyết tâm hơn và cách tuyên truyền, vận động thuyết phục, hiệu quả hơn”.

***

Việc thành lập TCÐ và phát triển ÐV trong các DN là “bài toán khó”. Tuy nhiên, khó nhưng không phải là không có lời giải. Ðể giải được vấn đề này, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị của các địa phương; cần tìm được giải pháp sáng tạo, hướng đi thích hợp, có sự kiên trì và thuyết phục trong công tác tuyên truyền, vận động.

Bài cuối: Tiếp tục đổi mới, có những cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả

Bài, ảnh: ANH DŨNG

 

Chia sẻ bài viết