21/07/2014 - 22:12

Cần có chính sách phù hợp nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư

Những năm qua, TP Cần Thơ đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) từ qui mô đến chất lượng, và bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, đánh giá sau 5 năm (từ 2009 – 2014) nâng cao hoạt động XTĐT, TP Cần Thơ cần phải xây dựng chính sách XTĐT phù hợp để xứng tầm của một thành phố động lực ĐBSCL.

* Thành tựu

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, thời gian qua hoạt động XTĐT tại TP Cần Thơ có nhiều đổi mới, tạo chuyển biến về tư duy, hành động của các cấp, các ngành; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng tâm hiệp lực để đẩy mạnh, thu hút mọi nguồn lực đầu tư, qua 5 năm hoạt động XTĐT (từ 2009 – 2014), thu hút vốn đầu tư tại TP Cần Thơ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các chương trình xúc tiến đầu tư bám sát mục tiêu, chủ trương của thành phố. Nhiều đoàn đầu tư trong và ngoài nước biết và đến TP Cần Thơ tìm hiểu môi trường đầu tư, đặc biệt bộ phận liên thông "một cửa" ra đời giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp giảm bớt chi phí, thời gian làm thủ tục đầu tư, tại thành phố… 5 năm qua, thành phố cấp mới 35 dự án thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), gần 245 triệu USD với các lĩnh vực, ngành nghề: cơ sở lưu trú, kinh doanh thức ăn nhanh, sản xuất chế biến gạo, sản xuất gia công may mặc, chế biến thủy sản, sản xuất bao bì…; có 5.733 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, với tổng vốn đầu tư 26.412 tỉ đồng.

Hằng năm, UBND thành phố chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch (XTĐT- TM -DL) TP Cần Thơ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan tổ chức các chuyến khảo sát thị trường nước ngoài để quảng bá, xúc tiến đầu tư vào các dự án mà thành phố đang mời gọi như: tham dự sự kiện "Gặp gỡ Việt Nam" tại California - Hoa Kỳ (năm 2009); tham gia chương trình xúc tiến đầu tư Quốc gia 2010 tại thị trường Úc (năm 2010); tham dự Hội nghị XT- ĐT -TM Đài Bắc (năm 2011); tổ chức đoàn cán bộ Nhà nước và doanh nghiệp đi XTĐT tại TP Nice và Paris – Pháp (năm 2011); tham dự Diễn đàn "Việt Nam- Hàn Quốc về XTĐT và các khu công nghiệp, khu kinh tế với trọng tâm là công nghiệp phụ trợ" (năm 2013)… Tại các hội nghị, hội thảo XTĐT trong nước cũng ghi nhận được những thành công, như: Hội nghị XTĐT - TM-DL năm 2009, có 8 bản ghi nhớ được ký kết, 2 bản thỏa thuận hợp tác và 3 thư quan tâm với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỉ USD; năm 2010 TP Cần Thơ phối hợp tổ chức Hội nghị Đầu tư và Phát triển ĐBSCL đã thu hút trên 1.000 đại biểu tham dự, trong đó có các nhà đầu tư trong và ngoài nước; năm 2012 tổ chức hội thảo "XT ĐT - TM với các doanh nghiệp Hồng Kông - TP Cần Thơ và ĐBSCL" với sự tham dự của 40 doanh nghiệp Hồng Kông; tổ chức Hội thảo XTĐT vào TP Cần Thơ và Vườn Ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc với sự tham dự của Hiệp hội Lương thực Hàn Quốc và hơn 100 doanh nghiệp Hàn Quốc… Xúc tiến mở các tuyến bay đến Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ là một thành công với các đường bay: Cần Thơ - Hà Nội, Cần Thơ - Phú Quốc, Cần Thơ - Côn Đảo và ngày 22-7-2014, hãng hàng không Vietjet sẽ chính thức khai thác đường bay Cần Thơ - Đà Nẵng.

Dự án khách sạn 5 sao Mường Thanh (Khu vực Cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều) là một trong những thành công của hoạt động XTĐT trong 5 năm qua của TP Cần Thơ.

Cùng với công tác xúc tiến, TP Cần Thơ cũng thường xuyên phối hợp với các sở, ngành như Cục Hải quan, Cục Thuế tổ chức các buổi tọa đàm với doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) để lắng nghe và kịp thời giải quyết những khó khăn cho các đơn vị. Tổ chức hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm phân tích rõ những ưu điểm, hạn chế yếu kém, từ đó có những giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ tích cực tiếp đón những đoàn đầu tư trong và ngoài nước, cơ quan ngoại giao đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại thành phố, các ngành nghề được đầu tư mạnh trên địa bàn như: cơ sở lưu trú, kinh doanh thức ăn nhanh, sản xuất chế biến gạo, sản xuất lắp đặt các loại tôn, sản xuất gia công may mặc, chế biến nông sản, chế biến thủy hải sản, kinh doanh siêu thị, phần mềm máy tính, sản xuất bao bì…

* Tháo gỡ khó khăn để phát triển

Tuy nhiên, hoạt động XTĐT những năm qua vẫn còn gặp nhiều hạn chế cần khắc phục. Đó là, hạ tầng giao thông của thành phố tuy được tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo nhưng vẫn chậm phát triển, hệ thống cảng chưa đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu; thiếu quỹ đất sạch để bố trí cho các dự án; danh mục dự án mời gọi đầu tư đa phần mới chỉ dừng lại ở các ý tưởng; các chi phí đầu tư như phí thuê đất, giải tỏa, bồi hoàn mặt bằng còn cao; số lượng dự án đầu tư trên địa bàn và vốn đầu tư thực hiện còn thấp so với vốn đăng ký, tỷ lệ giải ngân thấp; nguồn nhân lực hạn chế, chi phí bồi hoàn, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và khu tái định cư ngày càng tăng đưa giá thuê mặt bằng cao so với nhiều địa phương; chưa có chiến lược qui hoạch thu hút đầu tư, thương mại theo ngành nghề, lĩnh vực cụ thể mang tầm nhìn dài hạn; kinh tế thế giới vẫn còn suy thoái kéo dài; kinh phí cho hoạt động xúc tiến của địa phương khiêm tốn nên hoạt động xúc tiến đầu tư chưa phong phú và chuyên sâu… 5 năm qua, các dự án đầu tư vào thành phố chủ yếu tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các dự án công nghiệp còn rất hạn chế. Tỷ lệ thu hút vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 30% so với kế hoạch, các dự án đầu tư trong nước cũng đạt hiệu quả thấp, trong 5 năm qua chỉ duy nhất năm 2011 thu hút FDI đạt kế hoạch.

Ông Lê Mạnh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho rằng: Để nâng cao hiệu quả XTĐT, cần phải có định hướng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đầu tiên là việc tự đánh giá năng lực của bộ máy hành chính và công chức; quan tâm đến đánh giá môi trường đầu tư của các tổ chức quốc tế, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, nhất là thủ tục cải cách hành chính. Tiếp đến là thiết lập mối quan hệ giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để hướng các doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Coi trọng các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thu hút các tập đoàn đa quốc gia.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP Cần Thơ (KCX & CN), cho biết: 2 năm trở lại đây vốn đầu tư vào các khu công nghiệp chững lại mặc dù KCX & CN đã hạ giá thuê mặt bằng, chẳng hạn tại KCN Trà Nóc 2 xuống mức 30-40 USD/m2 nhưng vẫn không thể thu hút nhà đầu tư. Thiết nghĩ, công tác XTĐT cần phải xem xét lại hình thức XTĐT nào được, chưa được để từ đó chọn ra giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, cũng nên tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình xúc tiến. Trong hoạt động XTĐT sức hút của ngành nông nghiệp không mạnh như các ngành nghề khác do việc thu hồi vốn chậm. Ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: "So với các tỉnh lân cận, ngành nông nghiệp của TP Cần Thơ phát triển thấp hơn, kể cả diện tích gieo trồng và sản lượng hàng hóa. Do vậy, để phát triển và tạo vị thế dẫn dắt vùng, cần đi vào chiều sâu. Để làm được như vậy cần phải xây dựng cơ chế chính sách thu hút chuyên biệt cho các nhà đầu tư khi tham gia lĩnh vực này". Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, khẳng định: "Việc tạo đất sạch không khó, chỉ khó về nguồn tài chính. Để việc xúc tiến có hiệu quả cần phải chọn nhà đầu tư thật sự có năng lực, đồng thời thành phố cũng cần phải xem xét tình hình thực tế để tìm ra thế mạnh của mình. Tránh trường hợp đưa ra ý tưởng thực hiện quá cao, bởi điều đó đôi khi khiến các nhà đầu tư "chùn bước"".

Đồng chí Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Thành phố cần rà soát và chắt lọc các dự án đầu tư nhằm loại bỏ các dự án không khả thi, với các dự án được lựa chọn phải đánh giá kỹ các phương án thực hiện. Phải bàn bạc, xem xét và làm rõ vấn đề ưu đãi cho các nhà đầu tư, linh hoạt trong công tác thực hiện. Cần phân loại và quan tâm đến các dự án có tác động mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố...

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết