Cuối tháng 5-2009, Thường trực HĐND thành phố đã giám sát tiến độ thực hiện các dự án (DA) giao thông và công tác tái định cư (TĐC) cho người dân bị ảnh hưởng bởi các DA này, tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDAĐTXD) thành phố. Qua giám sát cho thấy, tiến độ thực hiện các DA và công tác TĐC các DA đã có bước chuyển biến mới, nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu. Thường trực HĐND thành phố đã ghi nhận được những đề xuất mới về công tác TĐC, như: tăng mức TĐC phân tán, mua nền dân cư để làm nơi TĐC,
Nguyên nhân cũ...
Qua giám sát, Thường trực HĐND thành phố ghi nhận, các đơn vị quản lý DA đã có nhiều cố gắng trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA. Vì vậy, khối lượng vốn giải ngân cao. Tính đến cuối tháng 5-2009, Sở GTVT đã giải ngân được 171 tỉ đồng vốn xây dựng cơ bản năm 2009, đạt 36,6% kế hoạch vốn; còn Ban QLDAĐTXD thành phố giải ngân được 120 tỉ đồng, đạt 43% kế hoạch vốn và tăng hơn 13 lần so với cùng kỳ của năm 2008. Ông Nguyễn Hữu Lộc, Giám đốc Ban QLDAĐTXD thành phố, cho biết: “Thông thường, những tháng đầu năm do nghỉ Tết Nguyên đán, tập kết vật liệu, lập thủ tục,... nên khối lượng chưa cao. Hiện nay, nhiều khó khăn đã được tháo gỡ, tiến độ giải ngân những tháng còn lại dự báo sẽ còn cao hơn”. Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Phạm Văn Hiểu, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, mặc dù tiến độ các DA đạt khá, nhưng so với kế hoạch chung thì hầu hết các DA đều chậm tiến độ. Có những DA kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân.
 |
Do điều kiện sinh sống khó khăn, mặc dù đã đưa vào sử dụng gần 5 năm nhưng khu tái định cư
dự án cầu Cần Thơ (phường Hưng Phú, quận Cái Răng) vẫn còn vắng vẻ. |
Ban QLDAĐTXD thành phố được giao quản lý 7 DA giao thông với các DA trọng điểm, như: Quốc lộ 91B, tuyến đường Bốn Tổng Một Ngàn, tuyến đường Thới Lai- Đông Bình, đường Nguyễn Văn Cừ nối dài,... Ngoài 2 DA đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư là DA cầu chữ Y nối liền cồn Cái Khế cồn Ấu -Xóm Chài và DA Nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 922, hầu hết các DA giao thông do Ban QLDAĐTXD quản lý đều chậm tiến độ.
Theo thống kê, Sở GTVT được giao quản lý 24 DA; trong đó có 16 DA đang triển khai và 8 DA đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư. Ngoài 2 DA là cầu Ninh Kiều và cầu Nhiếm đã hoàn thành; phần lớn DA trọng điểm, như: DA đường Mậu Thân - Sân bay Trà Nóc, tuyến đường Ô Môn -Thới An, tuyến đường nối Cần Thơ- Hậu Giang,... mới đạt từ 20%-40% khối lượng. Chưa kể những DA “xuyên thế kỷ”, như: tỉnh lộ 921, tỉnh lộ 923 đến nay vẫn chưa hoàn thành...
Theo các chủ đầu tư, nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ này vẫn là công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, mặt bằng bàn giao cho nhà thầu không kịp thời, tình hình giải quyết khiếu kiện của người dân kéo dài, một số nhà thầu chưa tập trung phương tiện, vốn, vật tư để thi công,... Trong đó, khó khăn nhất là công tác bố trí TĐC cho người dân bị ảnh hưởng bởi DA. Tổng hợp 10 DA có bố trí TĐC của Sở GTVT quản lý, có nhu cầu 1.158 lô nền TĐC, nhưng thực tế chủ đầu tư mới bố trí và xét bố trí TĐC được 208 lô nền. Số nền còn lại đang được quy hoạch bố trí vào các khu TĐC đang được xây dựng nên chưa thể bố trí cho người dân vào ở; còn nếu tổ chức tạm cư chờ các khu TĐC này hoàn thành thì người dân không đồng thuận, nên công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố, nói: “Phải thừa nhận rằng, so với những lần giám sát trước của Thường trực HĐND và Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố, khối lượng và giá trị giải ngân của các DA đạt khá. Các giải pháp mà chủ đầu tư đề ra để đẩy nhanh tiến độ, như kiên quyết xử lý nhà thầu trì trệ đã góp phần tích cực đưa tiến độ hoàn thành DA nhanh hơn. Tuy nhiên, khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn đó, đòi hỏi các chủ đầu tư phải tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt hơn”.
... Đề xuất mới!
Qua đợt giám sát, Thường trực HĐND thành phố đã ghi nhận nhiều đề xuất mới của các chủ đầu tư để đẩy nhanh quá trình thực hiện DA. Theo đó, bên cạnh việc tập trung quy hoạch, xây dựng các khu TĐC theo kế hoạch, các chủ đầu tư mạnh dạn đề xuất phương án nâng giá trị tiền mặt hỗ trợ cho người dân chấp nhận phương án TĐC phân tán. Ông Đinh Văn Thảo, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố, phân tích: “TĐC phân tán có nhiều cái lợi như người dân được lựa chọn nơi sinh sống phù hợp. Nếu chính sách hỗ trợ tiền TĐC phân tán cao, người dân sẽ lựa chọn phương án này để tìm địa điểm định cư, mua đất sản xuất, hoặc tìm nơi ở phù hợp với nghề nghiệp,...”. Hiện nay, do công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở các khu TĐC còn hạn chế, nên đời sống của người dân sinh sống tại các khu TĐC gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, khả năng tự chuyển đổi nghề nghiệp của họ thấp, nên rất nhiều hộ nhận nền TĐC rồi bán đi nơi khác sinh sống. Ông Đinh Văn Thảo đề xuất: “Trong khi Nhà nước bị nhiều áp lực xây dựng các khu TĐC, nhưng chưa chắc đã đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhà nước nên xem xét “gộp” các chi phí về hỗ trợ (như kinh phí đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ di dời,...) và nền TĐC để nâng giá trị của TĐC phân tán, để người dân lựa chọn”. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Lộc, Giám đốc Ban QLDAĐTXD thành phố, nói: “Chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có quá nửa người dân nhận nền TĐC rồi bán, lấy tiền mua đất, hoặc tìm nơi khác phù hợp để sinh sống lâu dài. Nguyên nhân là cuộc sống ở các khu TĐC không phù hợp với người dân, nhưng do chính sách TĐC phân tán quá thấp nên họ chọn phương án nhận nền TĐC rồi bán để có thêm một khoản tiền chênh lệch. Do đó, theo tôi chính sách TĐC phân tán cần được cải thiện để người dân có nhiều lựa chọn hơn”.
Bà Trần Thị Kim Một, đại biểu HĐND thành phố nói: “Người dân bị ảnh hưởng, phải di dời nơi ở để tạo điều kiện cho DA được triển khai thuận lợi là nghĩa cử hy sinh cao đẹp. Do đó, nguyện vọng sớm có nơi ở mới đàng hoàng là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với pháp luật. Các nhà quản lý hãy thử đặt mình vào vị trí của người dân bị ảnh hưởng bởi DA, phải di chuyển nơi ở mà mình gắn bó lâu nay đến tạm cư ở những căn nhà trọ ọp ẹp để chờ TĐC mới thấu hiểu nỗi khổ của người dân. Tôi đề nghị Thường trực HĐND, UBND thành phố cần xem lại các quy định về bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, TĐC để thực hiện cho đúng. Tôi đề nghị, các chủ đầu tư không nên tiếp tục thực hiện “quy trình ngược trong TĐC”, tức là khởi công rồi mới lo TĐC; mà lo cho dân chỗ ở ổn định rồi mới giải phóng mặt bằng”.
|
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, khu TĐC là DA thành phần của DA đầu tư, mà thời gian, trình tự thủ tục xây dựng khu TĐC không khác gì DA đầu tư xây dựng. Do đó, nhiều DA được bố trí vốn, khởi công rồi mới quay trở lại xây dựng khu TĐC. Cụ thể, như: DA đường Mậu Thân- Sân bay Trà Nóc, DA đường nối Cần Thơ - Vị Thanh,... Xuất phát từ thực tế này, có ý kiến đề nghị các Bộ, ngành cho cơ chế mua nền ở các khu dân cư đô thị để bố trí TĐC cho các DA. Phương án này chắc chắn sẽ được người dân chấp nhận, giảm áp lực lớn cho các chủ đầu tư trong việc xây dựng các khu TĐC. Ý kiến này cho rằng, giá thành xây dựng một lô nền TĐC của nhà nước sẽ không thấp hơn giá thành lô nền các khu dân cư. Nhưng, nếu thực hiện phương án này, chủ đầu tư không bị nhiều áp lực xây dựng các khu TĐC, sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ DA. Còn phương thức mua nền, có thể theo hình thức đấu giá của các chủ đầu tư khu dân cư đô thị.
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn giám sát, nói: “Những đề xuất mới của các chủ đầu tư sẽ được Thường trực HĐND thành phố ghi nhận, chuyển đến cơ quan thẩm quyền. Theo tôi, đây là giải pháp hay, nhưng cần tiếp tục được nghiên cứu để đánh giá toàn diện trước khi thực hiện. Trước mắt các sở, ngành, đơn vị cần thực hiện đúng, đủ các chính sách về bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, TĐC. Song song với việc đẩy nhanh tiến độ DA góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng của thành phố, phải thực hiện tốt quy chế dân chủ trong quá trình thực hiện DA, đảm bảo quyền lợi của người dân”.
Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG