Do cơ cấu mùa vụ và diện tích nuôi trồng không ổn định, nên mặc dù nằm ngay trên vựa nông sản lớn nhất nước nhưng các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường xuyên lâm vào cảnh “dở sống dở chết” vì thiếu nguyên liệu.
* KHI THỪA, LÚC THIẾU
Trong những ngày này, các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm xuất khẩu tại ĐBSCL đang lo “sốt vó” vì không lo đủ nguyên liệu cho nhà máy. Ông Phạm Ngọc Truyền, Phó giám đốc Công ty TNHH thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (Viet Foods) ở KCN Trà Nóc 1, TP Cần Thơ, lo lắng: Do thiếu nguyên liệu nên gần một tháng nay nhà máy chỉ hoạt động 70% công suất, 1/3 công nhân phải nghỉ luân phiên. Hiện nay, nguyên liệu dự trữ trong kho chỉ đủ sản xuất khoảng 30 ngày nữa, trong khi chưa tìm mua được nguồn nguyên liệu bổ sung vào. Các DN chế biến tôm xuất khẩu cho biết do khan hiếm nên giá tôm nguyên liệu đã tăng khoảng 20% so với những tháng cuối năm 2008, nhưng doanh nghiệp không tìm được hàng để mua vì đang vào cuối vụ. Chính vì vậy mà hiện nay, gần như tất cả các nhà máy chế biến tôm đều phải hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, vấn đề mà các DN chế biến tôm lo lắng hơn là do nông dân bị lỗ lã mấy vụ liền nên thiếu vốn để tái sản xuất. Dự báo diện tích nuôi tôm sẽ giảm mạnh trong năm nay và như thế là DN phải đối mặt với thiếu nguyên liệu trong cả năm 2009.
 |
Bốc xếp tại kho gạo của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam tại Khu CN Trà Nóc - TP Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN |
Trái ngược với tình trạng dư thừa khó tiêu thụ trong năm 2008, ở thời điểm hiện nay, tình trạng thiếu nguyên liệu cũng đang là nỗi “ám ảnh” đối với DN chế biến cá tra xuất khẩu. Ông Nguyễn Hoàng Nhơn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Mekong (Mekong Fish) ở KCN Trà Nóc 1, TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu đã đạt 15.500đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với đầu năm nhưng rất khó mua được. Nhờ xây dựng được vùng nuôi 15ha nên nhà máy mới duy trì được hoạt động sản xuất.
Theo thống kê sơ bộ của các địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn ở ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long..., diện tích thả nuôi cá tra công nghiệp năm nay đang sụt giảm. Nhiều nông hộ do thiếu vốn và chờ giá nên giãn tiến độ thả nuôi, do đó sản lượng cá tra nguyên liệu sẽ sụt giảm mạnh, nguy cơ thiếu nguyên liệu sẽ còn tiếp diễn. Trong thời điểm khó khăn này, DN nào chủ động dự trữ được nguyên liệu thì mới duy trì được sản xuất, đảm bảo doanh thu và việc làm cho người lao động.
* THIẾU VỐN ĐẦU TƯ KHO TÀNG
Theo ông Nguyễn Hoàng Nhơn, Phó giám đốc Mekong Fish, để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất với giá cả hợp lý thì các DN chế biến thủy sản phải xây dựng được vùng nguyên liệu, kho dự trữ và vốn đủ mạnh để mua nguyên liệu dự trữ. Có chủ động được nguyên liệu với giá cả biết trước thì DN mới mạnh dạn ký kết hợp đồng xuất khẩu với đối tác. Hiện nay, các DN chế biến đang tập trung để thực hiện công việc này, tuy nhiên vẫn còn vấp phải một số khó khăn như thiếu vốn, thiếu mặt bằng để thực hiện. Vì để có kho lạnh trữ 1.000 tấn thì cần phải đầu tư hàng chục tỉ đồng, đó là chưa kể chi phí đất đai và các chi phí phát sinh khác. Ông Ngô Phước Hậu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận: Các DN chế biến thủy sản ở ĐBSCL hiện nay chỉ mới xây dựng được kho lạnh công suất một vài ngàn tấn, chưa đáp ứng yêu cầu trữ hàng khi cần thiết. Vào lúc cần dự trữ số lượng lớn thì các DN phải “chạy” lên TP Hồ Chí Minh, hay Bình Dương để thuê kho. Đây cũng là điểm yếu của ngành thủy sản ĐBSCL hiện nay. Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ: Chi phí đầu tư xây dựng kho lạnh trữ hàng chiếm một phần vốn khá lớn của DN, trong khi thời gian thu hồi thì rất chậm, nên nhiều DN không dám mạo hiểm đầu tư. Để khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, thiết nghĩ, Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi đặc biệt chẳng hạn như: cho vay vốn dài hạn với lãi suất thấp, giảm tiền thuê đất... DN có ổn định sản xuất, đảm bảo lợi nhuận thì mới có thể góp phần vào tăng trưởng chung và đảm bảo việc làm cho người lao động.
Nỗi lo thiếu kho tàng dự trữ cũng là vấn đề trăn trở của ngành chế biến xuất khẩu gạo. Mỗi năm ĐBSCL sản xuất ra hơn 22 triệu tấn lúa, nhưng mới chỉ có kho tàng đủ để tàng trữ hơn 800.000 tấn. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, đến cuối năm 2011, hệ thống kho tàng của DN mới đạt 1,5 triệu tấn. Thiếu kho tàng dự trữ, DN xuất khẩu không thể mua lúa số lượng lớn để dự trữ và thực hiện tốt chức năng đảm bảo an ninh lương thực được Chính phủ giao cho. Minh chứng rõ nhất cho vấn đề này chính là “cơn sốt ảo” lúa gạo trong năm 2008. Để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh, đảm bảo khả năng dự trữ phục vụ xuất khẩu, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo đề án xây dựng hệ thống kho dự trữ lúa gạo hiện đại, tập trung chủ yếu ở khu vực ĐBSCL với tổng công suất 4 triệu tấn, để trình Thủ tướng phê duyệt.
Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn thì yếu tố ổn định sản lượng, giá cả, chất lượng đóng vai trò quyết định, trong đó yếu tố kho tàng đủ mạnh chính là một trong những khâu then chốt và bức thiết nhất hiện nay.
PHƯỚC THỚI