03/10/2010 - 08:37

Nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo ở ĐBSCL

Cần chính sách "đòn bẩy"

“Sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu cần có mức đầu tư đúng và phù hợp với giai đoạn mới, chứ không thể để nông dân tự bơi. Nông dân liên kết theo “cụm sản xuất” hoặc mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, áp dụng kỹ thuật cao, nhằm tạo ra những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế”. Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc phát huy hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo.

* Sản lượng lớn, nhưng giá trị thấp

Phơi lúa trên đường không chỉ vi phạm luật giao thông, mà còn làm giảm phẩm chất gạo, tăng tỷ lệ hạt gãy. 

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, nền nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp tiên tiến. Hầu hết nông dân ở ĐBSCL đều sử dụng giống lúa dưới 90 ngày, cho năng suất 5 tấn/ha trở lên. Thời gian qua, sản xuất lúa tập trung theo hướng mở rộng diện tích và gia tăng năng suất. Đến nay, diện tích sản xuất lúa khu vực đạt gần 4 triệu ha/năm với năng suất bình quân 5,38 tấn/ha, sản lượng trên 20 triệu tấn/năm. Năng suất lúa ở ĐBSCL hiện đứng cao nhất nước và ở mức cao so với nhiều quốc gia sản xuất lúa nước trên thế giới. Chương trình “3 giảm, 3 tăng” đã được triển khai và thực hiện hiệu quả tại ĐBSCL. Tại An Giang, chương trình này đã đưa vào ứng dụng từ năm 2001; đến nay, 84% diện tích trồng lúa đã áp dụng chương trình, tổ chức được 1.000 lớp tập huấn và 6.000 điểm trình diễn trên toàn tỉnh. Từ hiệu quả này, ngành nông nghiệp An Giang được sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) xây dựng và phát triển chương trình “1 phải, 5 giảm” (phải dùng giống xác nhận và 5 giảm là giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, thất thoát sau thu hoạch). Chương trình này tiếp tục triển khai hiệu quả tại địa phương và mở rộng trên toàn vùng.

Mặc dù vậy, nền nông nghiệp ĐBSCL vẫn bấp bênh và khó thực hiện các biện pháp giảm thất thoát sau thu hoạch, quản lý chất lượng hạt gạo. GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, nhà khoa học luôn chọn tạo giống lúa mới theo tiêu chí ngắn ngày, năng suất cao. Đồng thời, đưa quy trình sản xuất GAP và cách bón phân cân đối. Nông dân chịu trồng giống lúa mới, nhưng lại làm theo kinh nghiệm, sử dụng nhiều đạm vô tình tạo môi trường cho sâu bệnh phát triển, làm giảm chất lượng gạo do tăng “bạc bụng” và biến đổi mùi. Cụ thể là Nhật Bản đã ngưng hợp tác trồng lúa Nhật tại ĐBSCL ở một số nơi, do gạo Nhật bị mất đi vị thơm truyền thống. Việc sử dụng dư thừa phân bón gây tích tụ trong đất làm suy thoái đất nông nghiệp, tăng khí thải N2O và làm tăng chi phí đầu vào cho hạt gạo. Theo nhận định chung, các yếu tố góp phần cho sự gia tăng năng suất lúa ở ĐBSCL hiện chỉ mới dừng lại ở khâu chọn giống lúa và bố trí thời vụ. Còn kỹ thuật canh tác (làm đất, bón phân, quản lý nước, bảo vệ thực vật) và các biện pháp giảm thất thoát sau thu hoạch chưa đóng góp nhiều trong việc gia tăng này. Gạo xuất khẩu ở ĐBSCL có nhiều giống trộn lẫn, gạo 15-25% tấm chiếm tỷ lệ cao nhất trong khi gạo 5% tấm lại rất ít. Tỷ lệ gạo nguyên sau khi xay xát chỉ đạt 30-40% so với các nước tiên tiến là 50%. Đó là do kỹ thuật canh tác và cơ cấu giống lúa chưa hợp lý; chưa ứng dụng quy trình kỹ thuật chung và thiếu hệ thống tồn trữ, bảo quản sau thu hoạch. Lúa gạo Việt Nam đã đạt đỉnh cao khẳng định thế mạnh về năng suất nhưng lại yếu về chất lượng nên chưa có tính cạnh tranh cao. Đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững nền sản xuất lúa hàng hóa ở ĐBSCL đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, cần có một chính sách “Nông nghiệp thời WTO”.

* Liên kết để gia tăng chuỗi giá trị lúa gạo

PGS.TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT, cho rằng: “Sản xuất lúa bền vững đòi hỏi năng suất, chất lượng lúa ổn định cho từng vụ, từng năm và trong nhiều năm tới. Thu nhập, lợi nhuận và đời sống nông dân được nâng cao; giảm thiểu sự suy thoái về đất đai canh tác, nguồn nước phục vụ sản xuất và tiêu dùng, sức khỏe người trồng lúa được bảo vệ. Đời sống văn hóa-xã hội nông thôn được cải tiến. Sự bền vững này đòi hỏi nhiều chương trình, giải pháp, chính sách hỗ trợ; sự đồng bộ trong sản xuất, tiêu thụ, bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường. Điều đó liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và phải thực hiện các bước đi, giai đoạn thích ứng với trình độ và sự phát triển của người dân trong vùng”. Nông dân phải được đào tạo về chuyên môn, kết hợp với các kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, kiến thức về y tế và sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL phải hướng đến sản xuất tập trung, có sự liên kết giữa nông dân - nông dân và nông dân - doanh nghiệp.

Đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững nền nông nghiệp ở ĐBSCL nói riêng, Việt Nam nói chung, cần có lực lượng nông dân kiểu mới và phương pháp liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Đó là lực lượng nông dân có trình độ kỹ thuật, làm việc khoa học, hiệu suất cao. Sản phẩm làm ra phải đáp ứng nhu cầu thị trường về khối lượng và chất lượng. GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất cần có chính sách “Nông nghiệp thời WTO” nhằm có mức đầu tư đúng và phù hợp với giai đoạn hiện nay, chứ không thể để nông dân tự bơi. Nông dân phải tham gia vào cụm liên kết và được đào tạo kỹ năng sản xuất theo các quy trình cần thiết. Phải sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường khó tính, bán được hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Nhà nước cần có một hệ thống chính sách khuyến khích liên kết trong suốt chuỗi giá trị lúa gạo, từ sản xuất, chế biến đến phân phối ra thị trường.

Tìm hướng đi mới cho ngành sản xuất lúa nước ở khu vực Đông Nam Á, Dự án “Hướng tới sản xuất lúa bền vững ở Châu Á thông qua giảm tổn thất trước và sau thu hoạch” do Ngân hàng Châu Á tài trợ (viết tắt là ADB-RETA No.6489) và Viện Nghiên cứu lúa quốc tế đã phối hợp với các viện, trường thực hiện tại ba quốc gia Việt Nam, Campuchia và Philippines nhằm ứng dụng các giải pháp phù hợp với sản xuất lúa của từng vùng, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững... Theo Tiến sĩ Lê Minh Hưng, Ban điều phối dự án tại Việt Nam, để đạt được mục tiêu này, cả khu vực nhà nước, tư nhân phải đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông và khuyến công, tạo ra được liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nhau, nông dân với doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư tín dụng và tiếp cận thị trường... Lúa gạo Việt Nam cần phải được xây dựng thương hiệu trước khi xuất khẩu, chuyển đổi hình thức bán hàng chợ sang hàng hiệu, nhằm tăng giá trị sản phẩm của nhà nông.

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết