04/03/2010 - 08:38

California chờ làn gió mới

Jerry Brown liệu có đủ sức trở lại ghế thống đốc bang California? Ảnh: Reuters

Tổng chưởng lý California Jerry Brown ngày 2-3 đã chính thức thông báo ứng cử ghế thống đốc của bang đông dân nhất nước Mỹ này vào tháng 11 năm nay nhằm thay thế cựu diễn viên điện ảnh sắp mãn nhiệm Arnold Schwarzenegger. Hãng tin Anh Reuters nhận định ông Brown sẽ không có đối thủ trong cuộc đua sơ khởi giành tấm vé ứng cử duy nhất của đảng Dân chủ, trong khi đảng Cộng hòa phải lựa chọn một trong hai người là bà Meg Whitman và ông Steve Poizner vào đầu tháng 6. Dù ứng cử viên của đảng Cộng hòa là ai, cuộc bầu cử tìm nhà lãnh đạo cao cấp nhất của bang này sẽ diễn ra theo hai xu hướng khác biệt thể hiện qua chân dung của các ứng cử viên.

Ông Brown là một chính trị gia lão luyện và quá đỗi quen thuộc đối với người dân California sau hai nhiệm kỳ làm thống đốc hồi thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Người dân California biết nhiều tới ông còn bởi vì ông là con ruột của cựu Thống đốc Edmund G. Brown, người cũng có hai nhiệm kỳ liên tiếp lãnh đạo California hồi những năm 1950-1960. Brown cũng nổi tiếng khắp nước Mỹ với “thành tích” 3 lần tham gia chiến dịch tranh vé ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ nhưng bất thành vào các năm 1976, 1980 và 1992. Tính ra, với 40 năm lăn lộn trên chính trường, Brown tỏ ra là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và nếu tái đắc cử ở tuổi 72, ông sẽ trở thành vị thống đốc cao tuổi nhất trong lịch sử bang California.

Ông Brown cho rằng là nền kinh tế lớn nhất so với các bang khác ở nước Mỹ và đứng thứ 6 thế giới nếu tính theo cấp độ quốc gia nhưng do phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như thâm hụt ngân sách hàng chục tỉ USD và thất nghiệp ở mức 2 con số, nên California cần có một nhà lãnh đạo mới dày dạn kinh nghiệm và biết cách giúp bang này “hồi sinh”. Ngân sách của California trong tài khóa 2011 bắt đầu từ tháng 10-2010 dự kiến sẽ thâm hụt 20 tỉ USD, cho dù đã được bù đắp một khoản thiếu hụt lên tới 156 tỉ USD trong tài khóa 2010, trong đó có 68 tỉ USD từ nguồn ngân sách kích thích kinh tế của chính quyền liên bang, 1 tỉ USD từ quỹ dự phòng và 87 tỉ USD nhờ cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay đã lên tới hơn 12%, nghĩa là có hơn 2 triệu lao động không có việc làm, trong đó có 500.000 người bị mất việc chỉ tính riêng trong năm 2009.

Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với California được các chuyên gia nhận xét là tồi tệ hơn so với cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Thế nên, nếu đắc cử thống đốc, ông Brown sẽ đối mặt với một bối cảnh hoàn toàn khác so với thời kỳ ông lãnh đạo California trước đây. Theo các nhà phân tích, ông Brown sẽ không có cách nào khác hơn ngoài việc phải đẩy mạnh việc bơm tiền, tăng cường chi tiêu công, và tăng thuế để vực dậy nền kinh tế. Nhưng đây là giải pháp không được đối thủ đảng Cộng hòa ủng hộ. Bà Meg Whitman cho rằng kinh nghiệm chính trị 40 năm của ông Brown là biểu tượng của sự thất bại đối với chính sách tăng thuế và chi tiêu lớn của chính phủ.

Whitman rất được giới doanh nghiệp giàu có ở California ủng hộ. Bà là cựu giám đốc điều hành của mạng lưới đấu giá trực tuyến eBay rất thành công. Đối thủ cùng đảng của bà là ông Steve Poizner, một quan chức ngành bảo hiểm ở California. Ông Poizner dù cũng có tiềm lực tài chính lớn, nhưng theo nhận định của các nhà phân tích, khó có khả năng đánh bại nữ tỉ phú Whitman.

PHÚC NGUYÊN
(Theo reuters, Nytimes, SWJ, Socialistworker)

Jerry Brown liệu có đủ sức trở lại ghế thống đốc bang California? Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết