16/06/2014 - 09:06

CẢI THIỆN HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH, NÂNG CAO HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG

Hoạt động khuyến nông là một trong những giải pháp nhằm cải thiện sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho hoạt động khuyến nông, đặc biệt ở những khu vực khó khăn và cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hoạt động khuyến nông vẫn còn những khó khăn, hạn chế.

NHIỀU HẠN CHẾ, CHỒNG CHÉO

Nhằm cải thiện sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo ở khu vực khó khăn, nhiều chương trình, dự án, trong đó khuyến nông (KN) là nội dung quan trọng đã được triển khai nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số như chương trình 135, 30A… Tuy nhiên, theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, thực tế hoạt động khuyến nông cho khu vực khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế về mặt tổ chức, phương pháp, nhân sự và tài chính, Quản lý Nhà nước về khuyến nông vẫn còn phân tán dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp hoạt động, địa bàn. Phương pháp khuyến nông vẫn còn nhiều điểm chưa thích hợp với đồng bào dân tộc thiểu số với những đặc trưng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán, lối sống…

Quản lý nhà nước về khuyến nông vẫn còn phân tán dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động. Trong ảnh: Nông dân sản xuất lúa tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
 

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tại địa bàn 4 tỉnh (Trà Vinh, Đắc Lắc, Kiên Giang, Quảng Ngãi), cho thấy cách thức tổ chức, quản lý mạng lưới KN ở từng địa phương khác nhau, dẫn đến hiệu quả KN mang lại cũng khác nhau. Chẳng hạn, ở Quảng Ngãi không có khuyến nông viên (KNV) cấp xã và cộng tác viên KN thôn bản vì không có kinh phí để trả lương cán bộ; Đắc Lắc có KNV cấp xã và cộng tác viên KN thôn buôn; Kiên Giang tổ kinh tế kỹ thuật gồm 2-3 người tùy theo điều kiện từng xã và ký hợp đồng trực tiếp với trung tâm KN tỉnh; Trà Vinh đang thí điểm đưa cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về làm công tác KN tại xã… Do đó, dẫn đến tình trạng không thống nhất về KN giữa các địa phương như: phương pháp khuyến nông, mức độ áp dụng của hộ vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Ngay cả tên gọi về tổ chức cũng không đồng nhất, với các tên như: trung tâm KN; trung tâm KN khuyến ngư; trung tâm KN, khuyến lâm…

KNV có vai trò rất quan trọng trong hoạt động khuyến nông, đặc biệt với đối tượng KN xã. Họ không chỉ là hạt nhân nòng cốt trong tổ chức các hoạt động KN trên địa bàn mà còn tham gia vào việc triển khai các hoạt động sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên, nhìn chung năng lực của đối tượng này còn yếu và thiếu. Nguyên nhân là do cơ chế đãi ngộ hiện nay cho KNV xã chưa thỏa đáng, họ không phải là công chức xã, không được đóng bảo hiểm xã hội cũng như không được hưởng phụ cấp ngành giống như cán bộ bảo vệ thực vật, cán bộ thú y. Bên cạnh đó, khi tham gia hoạt động KN, KNV xã không được trả kinh phí đi lại tương ứng với khối lượng công việc mà họ triển khai trên thực địa nên việc KNV trợ giúp tại hộ còn rất hạn chế. Về năng lực, đại bộ phận KNV xã có trình độ sơ cấp, trung cấp (chiếm 62,5%) nên phần lớn cán bộ KNV xã chỉ đóng vai trò phối hợp triển khai hoạt động. Đối với cộng tác viên KN trình độ kiến thức còn hạn chế, vai trò mờ nhạt. Sự đa dạng về tác nhân tham gia triển khai cũng như nguồn vốn hỗ trợ với các cơ chế quản lý đặc thù của các cơ quan cấp kinh phí khiến cho việc quản lý, điều phối hoạt động KN trên địa bàn từ các tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn. Cơ chế báo cáo hoạt động KN từ các đơn vị triển khai hoạt động khuyến nông trong và ngoài hệ thống KN Nhà nước không thường xuyên và thiếu chặt chẽ nên các đơn vị đầu mối quản lý không nắm hết được các hoạt động KN; hoạt động giữa các tỉnh cũng thiếu sự gắn kết.

Việc phân bổ kinh phí phần nhiều là rất chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức triển khai hoạt động KN. Mức độ tiếp cận dịch vụ KN còn hạn chế, không đồng đều giữa các nhóm, hộ. Chẳng hạn, nhóm hộ nghèo, đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ nhiều hơn lại có mức độ tiếp cận hoạt động KN ít hơn so với nhóm không nghèo. Nội dung KN của Nhà nước chưa hoàn toàn dựa trên nhu cầu của người dân do đa số trung tâm KN của các địa phương không chủ trì dự án nên họ không có quyền lựa chọn mà chỉ tiếp nhận dự án từ trên xuống. Đặc điểm dễ nhận thấy trong nội dung các hoạt động khuyến nông của Nhà nước là tập trung quá nhiều vào chuyển giao thiết bị kỹ thuật đơn thuần, ít quan tâm đến các nội dung về thị trường hoặc mô hình tổ chức nông dân sản xuất và các hỗ trợ khác.

NÂNG CAO HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG

Không thể phủ nhận rằng KN đã mang lại sự thay đổi đáng kể trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ở cấp hộ, khả năng áp dụng của các hoạt động khuyến nông, tỷ lệ các hộ khẳng định đã áp dụng kiến thức KN vào sản xuất đạt 18,86% áp dụng toàn bộ và 44,23% áp dụng một phần; ở cấp độ cộng đồng cũng chứng tỏ được hiệu quả khá tốt thông qua việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, quy trình kỹ thuật tiên tiến vào địa bàn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp thoát nghèo bền vững. Hoạt động KN cũng đã tạo được sức lan tỏa khá tốt, người dân không chỉ chủ động hỏi các hộ khác về thiết bị kỹ thuật mà cũng sẵn sàng giới thiệu và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các hộ khác.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia về chính sách và giải pháp, để nâng cao hoạt động khuyến nông nên tùy theo điều kiện và nhu cầu của mỗi địa phương mà có hình thức hỗ trợ khác nhau. Ngoài ra, cần phải nâng cao năng lực và có đãi ngộ thích hợp cho các KNV xã; củng cố quản lý nhà nước về KN ở cấp tỉnh; cần sửa đổi cơ chế chọn chủ trì dự án KN Trung ương, cách làm này vừa tạo việc làm cho cán bộ trong hệ thống KN Nhà nước để nâng cao năng lực kinh nghiệm vừa giúp hệ thống KN nắm được các hoạt động KN trên địa bàn; cần quy định mức tối thiểu ngân sách của địa phương dành cho hoạt động KN, trong đó ưu tiên vốn ngân sách cho các hoạt động KN mang lại sinh kế cho các xã nghèo, khó khăn; quy định về thời gian xét duyệt, phân bổ kinh phí và quyết toán. Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, cán bộ tổ chức phi chính phủ Oxfam, chia sẻ: “Trong bối cảnh giảm nghèo tại các vùng nông thôn, KN được xem là rất quan trọng. Trong khi còn hạn chế về ngân sách cho hoạt động KN, chúng ta nên lồng ghép, liên kết ở các hoạt động, chương trình mục tiêu quốc gia để tìm nguồn vốn, nguồn lực. Cần nêu cao vai trò nhạc trưởng, đó là phải tìm ra đơn vị chủ đạo trong việc thực hiện hoạt động khuyến nông”.

Ông Nguyễn Thành Hưởng, Giám đốc Trung tâm KN tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Để đổi mới công tác KN trước tiên là đổi mới chính sách. Thực tế, hiện nay mỗi tỉnh đều đầu tư công nghệ mà thiếu sự liên kết. Trong ứng dụng trang thiết bị, cơ giới hóa trong sản xuất và sau sản xuất. Mỗi địa phương có những đặc thù ngành nghề sản xuất nông nghiệp khác nhau như chuyên về trồng lúa, cây ăn trái hay rau màu, do vậy cần phải có chính sách hỗ trợ phải phù hợp với từng vùng miền”. Còn ông Trương Vĩnh Yên, Trung tâm KN tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Hiện nay một trong những đánh giá hoạt động KN mô hình trình diễn còn dàn trải, hiệu quả nhân rộng không cao. Nguyên nhân chính là nguồn kinh phí, do vậy các địa phương nên quan tâm nhiều hơn cho hoạt động này. Cơ chế hỗ trợ cho công tác thực hiện mô hình trình diễn KN cũng cần tăng cường hỗ trợ. Vấn đề tổng kết mô hình, thanh quyết toán tài chính cũng nên linh động theo chu kỳ sản xuất từng mô hình”. Ông Phù Khí Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm KN Kiên Giang, nhấn mạnh: “Để nâng cao hoạt động khuyến nông, chính sách KN cần phải có 2 mảng, đó là dành cho dân tộc xóa đói giảm nghèo và KN ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Bên cạnh đó, cần xem lại đặc thù của mỗi tỉnh, cần nâng mức đầu tư cơ giới hóa công nghệ cao và phát huy năng lực của người nông dân”.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết