29/04/2014 - 21:18

Cái lý của ông Obama

Tổng thống Barack Obama hôm qua đã trở về Mỹ sau chuyến công du qua 4 nước châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Phát biểu trước một nhóm binh sĩ Mỹ và Philippines tại căn cứ quân sự gần Thủ đô Manila trước khi lên máy bay về nước, ông Obama cảnh báo Trung Quốc chớ sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết chuyện tranh chấp hải đảo và nhấn mạnh Mỹ đã đưa ra lời cam kết “sắt thép” hậu thuẫn quân sự cho đồng minh Philippines trước bất kỳ kẻ gây hấn tiềm năng nào.

Phát biểu trên của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh dư luận tỏ ra nghi ngờ cam kết bảo vệ các đồng minh châu Á của Mỹ trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Sau khi Mỹ và Philippines ký hiệp ước tăng cường an ninh song phương, chính ông Obama thừa nhận mục tiêu của thỏa thuận này không nhằm chống lại hoặc kiềm chế Bắc Kinh.

Lập trường của ông Obama bị đánh giá là thiếu rõ ràng và không nhất quán. Không chỉ đối với Trung Quốc, giới nghị sĩ Mỹ phê phán ông Obama về khả năng xử lý và đối đầu Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina, ngăn chặn cuộc nội chiến đẫm máu ở Syrie và tiến trình hòa bình Trung Đông đang lâm vào thế bế tắc. Trước làn sóng chỉ trích cho rằng vị tổng thống hiện nay của nước Mỹ “quá yếu kém” và “không hiệu quả” trên chính trường thế giới vốn “đang ngày càng coi thường sức mạnh của siêu cường số một”, tại Philipinnes hôm 28-4, ông Obama lên tiếng biện hộ rằng chính những sách lược tiếp cận được xem là khá thận trọng mà Nhà Trắng áp dụng hiện nay đối với hàng loạt vấn đề toàn cầu đã và đang giúp xứ sở cờ hoa tránh được các sai lầm có thể dẫn đến thảm họa chiến tranh như suốt hơn một thập niên qua.

Theo ông Obama, với vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang thì triển khai quân sự nên là giải pháp cuối cùng và nếu có thì cần thực hiện một cách khôn ngoan. Ông cũng nói thêm chính sách của Nhà Trắng sẽ không bị tác động bởi “bất kỳ ai đó” cho rằng thay đổi có thể giúp nước Mỹ lấy lại vị thế.

Có điều dư luận có lý do để chê trách ông. Trong chuyến thăm châu Á vừa qua, vấn đề ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là phần cực kỳ quan trọng trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ, nhưng kết quả là thất bại. Chuyến công cán này của ông bị chi phối mạnh bởi việc Hàn Quốc đang tất bật lo giải quyết vụ chìm phà Sewol gây thương vong lớn và Malaysia tuyệt vọng tìm kiếm chiếc máy bay MH 370 bị mất tích. Vấn đề Ukraina cũng vậy. Những biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga mà chính quyền Mỹ công bố hôm 28-4 bị cho là không đủ sức răn đe.

MAI QUYÊN (Theo AP, AFP, CNN)

MAI QUYÊN (Theo AP, AFP, CNN)

Chia sẻ bài viết