05/03/2011 - 09:19

Cái gai của Mỹ

Mặc dù đã chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân bí mật, đền bù hàng tỉ USD cho các nạn nhân bị đánh bom trên máy bay năm 1988 và trở thành một đồng minh của phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng Tổng thống Libye Muammar Gadhafi vẫn là “cái gai” trong mắt giới cầm quyền Mỹ. Báo Opednews của cộng hòa Síp số ra ngày 3-3 đăng bài viết có tựa đề “Mỹ sắp thống trị cả châu Âu và Địa Trung Hải thông qua NATO” lý giải nguyên do vì sao Mỹ quyết nhổ bỏ cái gai khó chịu này.

Theo Opednews, Mỹ chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với tất cả các quốc gia Nam Địa Trung Hải nhằm khẳng định vị thế thống trị cả châu Âu và toàn bộ Địa Trung Hải. Đây là cơ hội để bán vũ khí thu về lợi nhuận kếch xù từ các nước đối tác cần nâng cấp hệ thống quân sự theo tiêu chuẩn của phương Tây. Thế nhưng, khác với Algérie, Ai Cập, Maroc và Tunisie, Libye (và Syrie) đã quyết định không liên kết với NATO, nên quốc hội Mỹ vẫn phải duy trì lệnh cấm vận vũ khí chống Libye và làm mất cơ hội xuất khẩu lớn cho các tập đoàn quốc phòng Mỹ. Chỉ có các tập đoàn vũ khí châu Âu được hưởng hàng trăm triệu euro mỗi năm từ các hợp đồng không mấy hào phóng của chính quyền Gadhafi. Nga thì đã nhận được một hợp đồng cung cấp vũ khí 1,8 tỉ USD từ Libye tháng 1-2010.

Trên lĩnh vực dầu khí, các công ty Mỹ như ConocoPhillips, Marathon, Hess và Occidental tuy đều có cổ phần ở các dự án khai thác có khả năng sinh lợi tại Libye nhưng thua xa các đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc và châu Âu. Khoảng 85% lượng dầu xuất khẩu của Libye chảy sang Liên minh châu Âu (EU), một phần quan trọng còn lại đến Trung Quốc. Libye là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 châu Phi với khoảng 1,6-1,8 triệu thùng/ngày, chỉ chiếm khoảng 2,3% sản lượng của thế giới, nhưng trữ lượng dầu mỏ của nước này được đánh giá đứng đầu lục địa đen và lớn thứ 9 thế giới với khoảng 41,5 tỉ thùng.

Trên lĩnh vực khác như phát triển cơ sở hạ tầng, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc có nhiều dự án đang được triển khai thuộc hàng nhất-nhì ở Libye. Thổ Nhĩ Kỳ có tới 200 công ty xây dựng với giá trị các hợp đồng lên tới hơn 15 tỉ USD, trong khi Trung Quốc có 75 công ty đầu tư tại Libye và sử dụng hơn 36.000 công nhân đưa từ Trung Quốc sang. Tập đoàn đường sắt Trung Quốc có các dự án còn dở dang trị giá 4,24 tỉ USD, Công ty xây dựng quốc doanh Trung Quốc có các công trình chưa hoàn tất trị giá 2,68 tỉ USD... tại Libye.

Nhổ bỏ “cái gai” Gadhafi, giới cầm quyền Mỹ không chỉ có thể làm tổn thất lợi ích của nhiều đối thủ lớn, mà còn tính tới mục tiêu tư lợi riêng trên vùng đất giàu dầu mỏ này.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết