07/01/2011 - 21:19

Cách tự vệ khỏi những kẻ trộm trên các trang mạng xã hội

Trên website MSNBC năm ngoái có một câu chuyện kể về một người đàn ông có tài khoản trên Facebook bị những kẻ lừa đảo xâm nhập tài khoản để lấy tiền. Và theo câu chuyện, điều đáng kinh sợ là những kẻ lấy tiền ấy chính là những bạn bè của ông ta. Chắc chắn bạn và tôi không bao giờ muốn điều đó xảy ra cho mình, nếu chúng ta có sử dụng tài khoản trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, hay MySpace... Nhưng tin tốt lành là điều này có thể ngăn chặn được. Kẻ trộm sẽ phải dừng lại nếu bạn biết cách phòng ngừa. Sau đây là những gợi ý.

* Không bao giờ click vào các liên kết (link) trong email của bạn

 

Nếu bạn nhận được một email từ một ai đó (kể cả bạn bè) có kèm hướng dẫn là hãy click vào liên kết để trực tiếp vào Facebook (hoặc bất cứ trang mạng xã hội nào) thì đừng làm theo. Mặc dù Facebook có tiêu chuẩn riêng, cho phép người dùng chuyển hướng đến từ bất cứ trang web nào. Nhưng bạn không thể biết được liên kết bạn click vào có chuyển hướng bạn đến trang web hợp pháp hay không. Thay vì click trực tiếp lên liên kết từ trong email, bạn chịu khó gõ địa chỉ Facebook từ trình duyệt và đăng nhập với tài khoản của bạn. Hãy thực hiện tương tự với các trang mạng xã hội khác.

* Không cung cấp thông tin cá nhân

Nếu một trang web nào đó đòi hỏi thông tin cá nhân của bạn, như địa chỉ nhà, số an sinh xã hội, số chứng minh thư, tài khoản ngân hàng, mức thu nhập, giấy phép lái xe... để được đăng nhập, thì bạn tuyệt đối không cung cấp. Các trang web hợp pháp và những trang mạng xã hội hợp pháp cũng không yêu cầu các thông tin cá nhân dạng như vậy. Bạn phải thật thông minh nếu vì lý do nào đó phải khai báo thông tin cá nhân, vì kẻ đánh cắp nhận dạng tài khoản của bạn giỏi hơn bạn nghĩ.

* Thay đổi mật khẩu thường xuyên

Đối với các trang mạng xã hội, mức độ thường xuyên là từ 1-2 tháng phải thay đổi mật khẩu một lần. Hãy chắc rằng người khác không thể dò ra mật khẩu của bạn. Nên đặt mật khẩu bằng cách kết hợp cả chữ, số và các dấu hiệu khác. Cố gắng giữ mật khẩu của bạn trong đầu thay vì viết nó ra, để tránh lọt vào tay kẻ lừa đảo.

* Coi chừng “dính bẫy” từ các cuộc gọi trực tiếp

Khi bạn không khai báo thông tin hoặc khai báo không đầy đủ trên một trang web giả danh nào đó, ở đầu bên kia sẽ có một người tự xưng là đại diện của trang web hoặc của trang mạng xã hội gọi cho bạn, giả vờ làm rõ thêm thông tin bạn vừa khai. Nếu bạn nhận cuộc gọi có ý trao đổi như thế thì nên gác máy và thông báo cho bạn bè cũng như quản trị website về sự việc xảy ra, để họ có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo.

* Thận trọng khi chia sẻ thông tin

Các trang mạng xã hội là nơi giao lưu, trò chuyện, chia sẻ thông tin cho nhau, nó ngày càng phổ dụng. Nhưng bạn cần biết rằng, những tin nhắn, bài viết và hình ảnh mà bạn đưa lên đó có thể nói lên thông tin riêng về bạn. Những kẻ lừa đảo có thể sử dụng điều đó để cố gắng “moi” thông tin cá nhân và “hack” vào tài khoản của bạn. Hãy cẩn thận khi chia sẻ các thông tin như trường bạn học, nơi bạn làm việc, địa chỉ nhà, số điện thoại, hình ảnh và các thành viên trong gia đình...

HOÀNG THY

Chia sẻ bài viết