07/01/2008 - 09:14

"Cách mạng hoa hồng" sẽ tái diễn ở Gruzia? 

Không ngoài dự đoán của giới phân tích, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy cựu Tổng thống Mikhail Saakashvili giành tới 55,23% phiếu ủng hộ, bỏ xa người về nhì là doanh nhân Levan Gachechiladze (23,86%) trong cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn ở Gruzia ngày 5-1. Ông Saakashvili cùng những người ủng hộ ngay lập tức tổ chức ăn mừng. Tuy nhiên, vị luật sư 40 tuổi nói được 4 ngoại ngữ này (tiếng Anh, Pháp, Nga và Ukraina) cho biết sẽ chờ kết quả chính thức từ Ủy ban bầu cử trung ương trước khi tuyên bố thắng cử.

 

 Những người ủng hộ ứng cử viên Gachechiladze biểu tình tại Tbilisi chiều 6-1. Ảnh: Reuters 

Nhưng mọi việc chắc chắn sẽ không suôn sẻ như vậy. Phe đối lập cho rằng có “gian lận nghiêm trọng” trong bầu cử và kêu gọi biểu tình qui mô lớn để phản đối. Ứng cử viên Gachechiladze khẳng định chính ông mới là người có tỷ lệ ủng hộ cao nhất ở hầu hết các đơn vị bầu cử. Theo ông này, việc kiểm phiếu được tiến hành trong điều kiện bị “khủng bố”. Chiều 6-1, hàng ngàn người bắt đầu xuống đường ở Tbilisi trong khi cảnh sát trang bị vòi rồng được gấp rút tăng cường về thủ đô.

Diễn biến tình hình hiện nay làm người ta nhớ tới cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia hồi cuối năm 2003. Khi đó ông Saakashvili từng phát động cuộc biểu tình rầm rộ mang tên “cách mạng hoa hồng”, lật đổ Tổng thống Eduard Shevardnadze vì cho rằng ông này “ăn gian”. Kết quả là trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1-2004, ông Saakashvili thắng cử với tỷ lệ ủng hộ tới hơn 96%. Dưới thời ông Saakashvili, Gruzia tách ra khỏi vòng ảnh hưởng của Nga và ngã hẳn theo phương Tây (bản thân ông Saakashvili được đào tạo ở Pháp và Mỹ). Gruzia sốt sắng gởi 2.000 binh sĩ tới Iraq, chỉ kém Mỹ và Anh. Ông Saakashvili còn lấy tên Tổng thống Mỹ George Bush đặt cho một con đường ở Thủ đô Tbilisi. Vì vậy cũng dễ hiểu khi ông Bush hết lời khen ngợi Gruzia là “hình mẫu về thành công của nền dân chủ trong khu vực”. Tuy nhiên, trong 4 năm cầm quyền, ông Saakashvili lại bị người dân nước này chỉ trích là độc tài, tham nhũng và yếu kém trong điều hành kinh tế. Các cuộc biểu tình của phe đối lập với cả trăm ngàn người tham gia hồi tháng 11 năm ngoái dẫn tới việc chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp, thậm chí dùng vũ lực để đàn áp. Nhưng cuối cùng ông Saakashvili vẫn phải nhượng bộ bằng cách tổ chức bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ 5 năm của mình.

Một khả năng khác cũng có thể xảy ra là nếu kết quả kiểm phiếu chính thức cho thấy ông Saakashvili không giành được trên 50% phiếu ủng hộ thì phải tổ chức bầu cử vòng hai sau 2 tuần nữa. Điều này sẽ gây khó khăn cho ông Saakashvili bởi có thể những người ủng hộ 6 ứng cử viên đối lập sẽ dồn phiếu cho ông Gachechiladze. Ông Gachechiladze cho biết nếu thắng cử sẽ thay đổi thể chế chính trị của Gruzia, cụ thể là xóa bỏ chức danh tổng thống, tập trung quyền lực vào tay thủ tướng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây, liệu ông Saakashvili có cam tâm làm người thua cuộc?

Cũng cần nói thêm là trong cuộc bầu cử ngày 5-1 có sự tham gia của tỉ phú truyền thông Badri Patarkatsishvili, người từng tuyên bố rút lui sau khi bị phát hiện có âm mưu dùng 100 triệu USD mua chuộc các quan chức Bộ Nội vụ Gruzia để tiến hành đảo chính sau bầu cử. Kế hoạch của ông Patarkatsishvili cũng mang hơi hướng của cuộc “cách mạng hoa hồng”, nghĩa là phát động dân chúng biểu tình phủ nhận kết quả cuộc bầu cử và lật đổ chính phủ. Ông Patarkatsishvili hiện đang ở Anh và về thứ ba trong cuộc bỏ phiếu vừa rồi.

LÊ DÂN (Theo Bloomberg, BBC)

Chia sẻ bài viết