30/10/2021 - 06:26

Các nước giàu cần thêm tiền chống biến đổi khí hậu 

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26, khai mạc ở Anh vào ngày mai 31-10), Liên minh châu Âu (EU) sẽ thúc giục các quốc gia phát triển cam kết tài trợ nhiều hơn để giúp những nước nghèo cắt giảm khí thải và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen, EU đóng góp hơn 25 tỉ USD/năm cho các dự án khí hậu và dự kiến sẽ tăng thêm. Ảnh: Climate Change News

Theo Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen, EU đóng góp hơn 25 tỉ USD/năm cho các dự án khí hậu và dự kiến sẽ tăng thêm. Ảnh: Climate Change News

Trong tuyên bố hôm 28-10, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EU sẽ kêu gọi các nước giàu tăng mức đóng góp tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để đạt mục tiêu đề ra năm 2009. Khi đó, các nước giàu cam kết sẽ huy động 100 tỉ USD mỗi năm trong vòng 5 năm kể từ 2020. Tuy nhiên, tiến độ này đang diễn ra rất chậm.

Trong báo cáo mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phát hiện các nước đang phát triển - bên chịu tác động lớn nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu - chỉ nhận được tổng cộng 79,6 tỉ USD trong năm 2019. Mức viện trợ này tuy tăng 2% so với 2018, nhưng lại giảm mạnh so với những năm trước đó. Các tổ chức giám sát thậm chí cho rằng những con số này có thể đã bị “thổi phồng”. Như vậy, khoản viện trợ trong năm 2020 phải cần thêm 20 tỉ USD để đạt 100 tỉ USD mà các nước giàu cam kết cung cấp hàng năm. 

Gần đây, Chủ tịch COP26 Alok Sharma nhận định các quốc gia phát triển có thể sẽ chậm tiến độ khoảng 3 năm so với dự kiến trong thực hiện cam kết hỗ trợ tổng cộng 500 tỉ USD giúp các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ tịch COP26 cũng nhấn mạnh mục đích của việc huy động tài chính theo cam kết là nhằm xây dựng lại lòng tin, do đó các quốc gia phát triển cần phải hiện thực hóa lời hứa này.

Theo nội dung kế hoạch do Canada và Đức soạn thảo trước thềm COP26, các nước giàu sẽ chưa thể đạt được mục tiêu hàng năm cho tới tận năm 2023. OECD ước tính các nước đang phát triển sẽ nhận được 97 tỉ USD trong năm 2022 và 106 tỉ USD trong năm sau đó.

Dù vậy, các tổ chức môi trường nhận định mức huy động 100 tỉ USD/năm gần như là không đủ. Được biết, các quốc gia tại châu Phi kỳ vọng nguồn tiền hỗ trợ có thể tăng lên 1.300 tỉ USD/năm vào năm 2030. Bộ trưởng Môi trường Canada Jonathan Wilkinson, đồng tác giả của bản kế hoạch trên, cũng đánh giá quy mô giảm thiểu rủi ro và thích nghi với những thách thức từ biến đổi khí hậu đòi hỏi tới hàng ngàn tỉ USD.

Việc các quốc gia phát triển sẵn lòng hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo thực hiện chuyển đổi sinh thái học nhiều khả năng sẽ mang tính quyết định đối với thành công của COP26. Được biết, nhiều nước nghèo đang chần chừ cam kết đẩy mạnh việc giảm lượng khí thải cho đến khi các quốc gia phát triển thực hiện lời hứa của họ. Đây là trở ngại lớn nhất để đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán khí hậu, theo một quan chức môi trường Trung Quốc. Tại COP26, các quốc gia cũng được cho là sẽ thảo luận về mục tiêu đóng góp tài chính cho khí hậu sau năm 2025 và kế hoạch tăng mức đầu tư vào khả năng thích ứng.

G20 xử lý mối đe dọa của biến đổi khí hậu

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cuối tuần này sẽ cam kết giải quyết mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu, qua đó mở đường cho những hành động cụ thể hơn tại COP26. Theo dự thảo, các lãnh đạo của 20 quốc gia giàu nhất thế giới hứa sẽ khẩn trương hành động để đạt mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là kiềm chế nhiệt độ Trái đất tăng ở mức dưới 2 độ C và nếu có thể ở mức lý tưởng là 1,5 độ C, so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trước khi đến thành phố Glasgow dự COP26, các lãnh đạo G20 sẽ nhóm họp tại Ý trong ngày 30 và 31-10.

Khi những hiện tượng thời tiết cực đoan và lượng carbon trong khí quyển gia tăng, giới khoa học khí hậu liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của mức trần 1,5 độ C để hạn chế nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường. Theo G20, tác động của biến đổi khí hậu khi nhiệt độ Trái đất tăng ở mức 1,5 độ C “sẽ thấp hơn nhiều” so với mức 2 độ C. G20 hiện chiếm 60% dân số thế giới, hơn 80% GDP toàn cầu và tạo ra 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, Daily Sabah)

Chia sẻ bài viết