13/08/2022 - 18:08

Các nước Baltic rút khỏi khuôn khổ hợp tác với Trung Quốc 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trong một đòn giáng mạnh vào nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc ở châu Âu, Latvia và Estonia hôm 11-8 thông báo rút khỏi diễn đàn “16+1”, gồm Trung Quốc và các nước Trung Âu, Ðông Âu, nơi từng đe dọa làm chia rẽ mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và quốc gia đông dân nhất thế giới. Litva hồi năm ngoái cũng đã rút khỏi diễn đàn này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc về vấn đề Ðài Loan.

Lãnh đạo các nước tại Hội nghị Thượng đỉnh 16+1 lần thứ 5 tổ chức ở Latvia hồi tháng 11-2016. Ảnh: Ifri

Trong khi Bộ Ngoại giao Latvia cho hay Riga “quyết định ngừng tham gia vào khuôn khổ hợp tác của các nước Trung Âu, Ðông Âu và Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Estonia nhấn mạnh nước này đã không tham dự bất kỳ cuộc họp nào của nền tảng này sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, cả Riga và Tallinn đều cho biết sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng và thực dụng với Bắc Kinh cả song phương lẫn thông qua hợp tác Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc dựa trên lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhân quyền và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Litva, Latvia và Estonia đã không cử tổng thống hay thủ tướng đến tham dự hội nghị thượng đỉnh vào tháng 2 năm ngoái mà chỉ cử các quan chức cấp thấp hơn. Ðáng chú ý, Litva sau đó còn rút khỏi diễn đàn nói trên sau khi cho phép Ðài Loan thành lập văn phòng đại diện tại nước này mang tên Ðài Loan. Vilnius trong một tuyên bố lập luận rằng diễn đàn không đem lại lợi ích kinh tế như kỳ vọng mà lại là công cụ “gây chia rẽ”.

Bắc Kinh khi đó đã triệu hồi đại sứ tại Litva và áp đặt lệnh cấm thương mại đối với quốc gia thành viên EU này, gồm hạn chế xuất khẩu sang Litva, dừng các chuyến tàu hỏa chở hàng trực tiếp đến Litva, tẩy chay các sản phẩm của Litva cũng như các sản phẩm sử dụng các thành phần của Litva, gây sức ép buộc các tập đoàn đa quốc gia cắt đứt quan hệ với Litva. Thậm chí, Bắc Kinh còn hạ cấp quan hệ ngoại giao với Vilnius.

Quyết định mới nhất của Latvia và Estonia được đưa ra trong bối cảnh diễn đàn “16+1” đang chịu áp lực ngày càng lớn khi Trung Quốc bị chỉ trích vì chơi trò “chia để trị” tại EU. Với sự rút lui của 2 nước Baltic mới, nền tảng hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung Âu, Ðông Âu sẽ có tên là diễn đàn “14+1”, gồm 9 quốc gia thành viên EU là Bulgaria, Croatia, CH Séc, Hy Lạp, Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia, cùng 5 nước ngoài EU là Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia, cộng với Trung Quốc. CH Séc hồi tháng 6 vừa qua đã bắt đầu xem xét việc rút khỏi 16+1 với sự ủng hộ mạnh mẽ từ quốc hội nước này.

Cách đây một thập niên, diễn đàn hợp tác trên được Trung Quốc thành lập với tên gọi “16+1” và sau đó là “17+1” khi Hy Lạp gia nhập vào năm 2019. Ðây được xem là nền tảng để Bắc Kinh củng cố quan hệ với với 17 quốc gia châu Âu. Coi sáng kiến này như là phương tiện “hợp tác và phát triển đôi bên cùng có lợi”, Trung Quốc ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ tiên tiến cũng như công nghệ xanh tại khu vực. Sau một thập niên, dù kỳ vọng “đôi bên cùng có lợi” vẫn chưa thành hiện thực nhưng sáng kiến này đã giúp Trung Quốc tích lũy ảnh hưởng kinh tế và chính trị lớn hơn trong khu vực.

Giới chuyên gia cho rằng chính “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine đã khiến cho các nước vùng Baltic “suy nghĩ lại” về mối quan hệ với Trung Quốc. Song, ngay cả trước khi nổ ra xung đột giữa Mát-xcơ-va và Kiev, sự nhiệt tình đối với cơ chế hợp tác này đã suy yếu trong bối cảnh một số nước bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc, trong khi siêu cường châu Á này không thực hiện được cam kết đầu tư hàng tỉ USD như đã hứa. Năm 2021, vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại 16 nước Trung và Ðông Âu chỉ chiếm 14% so với cả lục địa già. Ngoài ra, các dự án do Trung Quốc tài trợ nhiều lúc không hiệu quả và gây ra khoản nợ lớn. 

Chia sẻ bài viết