Nongfu Spring, thương hiệu nước đóng chai nổi tiếng của Trung Quốc, đã trở thành mục tiêu mới nhất trong một loạt chiến dịch tấn công trên mạng, qua đó làm dấy lên lo ngại về tác động mà cư dân mạng có thể gây ra đối với khu vực tư nhân vốn đã mong manh ở quốc gia Ðông Á này.

Một mẫu nước đóng chai của Nongfu Spring. Ảnh: SCMP
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, công ty do tỉ phú Chung Thiểm Thiểm, người giàu nhất Trung Quốc với tổng giá trị tài sản lên tới 63,9 tỉ USD, điều hành nói trên đã vấp phải làn sóng chỉ trích vì kiểu dáng bao bì mang phong cách Nhật Bản. Người tiêu dùng và các nhà bán lẻ bắt đầu tẩy chay sản phẩm của Nongfu Spring sau khi có tin đồn cho rằng công ty sử dụng hình ảnh các tòa nhà tôn giáo Nhật Bản trên bao bì, dù Nongfu Spring mới đây cho biết đó là sáng tạo nghệ thuật dựa trên một ngôi đền Trung Quốc.
Vụ việc nổ ra chỉ ít lâu sau khi ông Chung bị người dùng mạng xã hội gọi là “doanh nhân vô ơn”, “chơi xấu” ân nhân cũ để rồi lập nên đế chế tỉ USD. Tạp chí Forbes cho hay, sau khi Tông Khánh Hậu, một doanh nhân tỉ phú, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO tập đoàn Wahaha Hàng Châu, qua đời hôm 25-2, nhiều bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc tố ông Chung từng làm nhân viên đại lý bán nước uống cho ông Tông khi còn hàn vi. Thế nhưng, ông Chung bị sa thải vì vi phạm các quy định không được phép kinh doanh vượt giới hạn địa bàn tỉnh nhằm tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các đại lý. Sau đó, ông đã thành lập Nongfu Spring để cạnh tranh với chính ân nhân của mình, đồng thời sử dụng các chiêu trò tiếp thị cạnh tranh sai sự thật dẫn đến kiện cáo. Cuối cùng, Nongfu Spring ngày một lớn mạnh, trở thành công ty nước đóng chai lớn nhất Trung Quốc nhờ chiếm đoạt thị phần của Wahaha.
Thậm chí, chính ông Chung đã thay thế Tông để trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Từng là người giàu nhất Trung Quốc vào đầu những năm 2010 nhưng tài sản của ông Tông sụt giảm trong những năm qua khi Nongfu Spring và các đối thủ khác làm mất đi vị thế thống trị của Wahaha. Năm ngoái, ông Tông chỉ đứng thứ 53 trong danh sách 100 người giàu nhất Trung Quốc với tài sản ròng trị giá 5,9 tỉ USD.
Mặt khác, ông Chung còn bị cư dân mạng Trung Quốc cáo buộc thiếu lòng yêu nước vì con trai ông mang hộ chiếu Mỹ. Theo SCMP, ông này trong một tuyên bố đã phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời nói rằng sự tôn trọng của ông đối với khả năng kinh doanh của ông Tông chưa bao giờ thay đổi. Dù vậy, Nongfu Spring vẫn phải hứng chịu hậu quả khôn lường khi giá trị cổ phiếu của công ty sụt giảm tương đương khoảng 4 tỉ USD.
Vụ việc trên lại đặt ra một thách thức khác đối với các doanh nghiệp Trung Quốc sau khi nổ ra làn sóng tẩy chay tương tự đối với các thương hiệu phương Tây như H&M hay D&G cách đây vài năm, ngay cả khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ hỗ trợ họ để thúc đẩy nền kinh tế. Ðặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay khoảng 5%, Bắc Kinh ưu tiên cải thiện môi trường hoạt động cho các công ty tư nhân, bởi họ chiếm khoảng 92% tổng số doanh nghiệp Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm.
Zhou Dewen, Chủ tịch Hiệp hội phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang), cho biết tình trạng trên là trở ngại cho việc xây dựng lại niềm tin của các công ty tư nhân. “Ðiều khủng khiếp nhất là tấn công những người và những thứ đang dẫn đầu dưới danh nghĩa lòng yêu nước. Chúng ta phải tỉnh táo và không để dư luận dẫn dắt. Phục hồi kinh tế không phải nói mà là hành động” - ông Zhou cho biết. Theo ông này, cả Wahaha và Nongfu Spring là những công ty nội địa xuất sắc đáng được khen ngợi hơn là bị chỉ trích. “Nongfu Spring có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế và xã hội Trung Quốc. Bạn có thể tưởng tượng ra số tiền mà họ đã đóng thuế là bao nhiêu không?” - ông Zhou nói thêm.
Trong nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc mới đây tuyên bố sẽ trấn áp các “cuộc tấn công ác ý” nhằm vào giới doanh nhân đồng thời cam kết trừng phạt những người có “ngôn ngữ và hành vi cực đoan”.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)