11/04/2012 - 09:01

Các cây thuộc chi aristolochia bị nghi làm tăng tỷ lệ ung thư ở Đài Loan

Ảnh: Kidneycn.com 

Một thành phần độc hại có trong các cây thuộc chi aristolochi được cho là góp phần làm tăng tỷ lệ ung thư đường tiết niệu và ung thư thận ở Đài Loan - nơi sử dụng loại thực vật này để làm thuốc một cách phổ biến.

Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Stony Brook ở New York (Mỹ), acid aristolochic là chất sinh ung thư và được phát hiện có trong các cây thuộc chi aristolochia. Các cây này được phơi khô, trở thành dược liệu với tên gọi là Phòng Kỷ và từ lâu đã được nhiều nước sử dụng để làm thuốc trị một số bệnh như đau khớp, đau bao tử, giảm cân… Các chuyên gia phát hiện tại Đài Loan - nơi mà nhiều nghiên cứu trước đây khẳng định có đến 1/3 dân số hấp thụ acid aristolochic, tỷ lệ ung thư đường tiết niệu và ung thư thận cũng cao gấp 4 lần so với các nước phương Tây.

Kế đến, nhóm đã thực hiện nghiên cứu đối với 151 bệnh nhân bị ung thư đường tiết niệu hoặc ung thư thận và nhận thấy 60% trong số này có những đột biến trong cơ thể do dử dụng các cây thuộc chi aristolochia. Theo nhóm nghiên cứu, sau khi được hấp thụ vào cơ thể, acid aristolochic đã hình thành thương tổn đặc biệt ở khu vực vỏ thận, đồng thời làm tăng những đột biến trong khối u TP53, ngăn không cho các chất sinh ung thư bị phát hiện.

Cục Dược và Thực phẩm Mỹ từng cảnh báo sự nguy hiểm của acid aristolochic sau khi 2 công dân nước này bị suy thận do sử dụng loại các cây thuộc chi aristolochia làm thuốc. Chính quyền nhiều nước cũng kêu gọi hạn chế sử dụng các cây này trị bệnh nhưng hiện nó vẫn được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là tại Trung Quốc và Đài Loan.

B.N (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết