03/01/2008 - 09:27

Vừa tự cân đối thu chi vừa đảm bảo tăng lương tối thiểu

Các bệnh viện công làm gì để đảm bảo chất lượng điều trị, phục vụ bệnh nhân?

Từ ngày 1-1-2008, các bệnh viện (BV) công thực hiện tăng lương tối thiểu cho cán bộ- công nhân viên (CB-CNV) theo tinh thần Nghị định số 166/2007/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 166). Trong khi đó, các BV cũng đã qua 1 năm thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 43) về tự cân đối thu chi tài chính. Vì thế, tăng lương là niềm vui đối với CB-CNV ở các BV công nhưng đồng thời cũng là nỗi lo lớn đang đè nặng lãnh đạo nhiều BV trong bối cảnh phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Bài toán khó ở đây là làm sao tăng được thu nhập cho CB-CNV mà vẫn đảm bảo có đủ nguồn tài chính cho hoạt động của BV, không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, phục vụ bệnh nhân?

Phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với giám đốc một số BV xung quanh vấn đề này.

Từ 1-1-2008, các BV công gặp khó khăn gì khi vừa phải đảm bảo tăng mức lương tối thiểu vừa phải đảm bảo tự cân đối về tài chính?

* Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BV Nhi đồng Cần Thơ:

 Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Hoàng Sơn,
Giám đốc BV Nhi đồng Cần Thơ.

-  Nghị định 43 là hướng mở cho các BV công trong cân đối thu chi. Nhưng đối với BV Nhi đồng Cần Thơ, việc hạn chế nguồn thu đã dẫn đến những khó khăn trong mua sắm các trang thiết bị phục vụ bệnh nhân. Thực hiện tăng lương cho CB-CNV từ ngày 1-1-2008 là một tin vui nhưng đồng thời BV bị hụt tiền phát lương theo mức tăng lương mới (phải tự cân đối từ nguồn thu để bổ sung cho khoản tăng lương).

Hoạt động tự thu của BV Nhi đồng Cần Thơ chỉ chiếm một phần nhỏ (khoảng 20% bệnh nhân), trong số này còn có bệnh nhân cận nghèo cần được miễn giảm. Nửa năm đầu thực hiện Nghị định 43, BV “nợ” khoảng 1,5 tỉ đồng (các khoản chi điều trị bệnh nhi bảo hiểm y tế) và trên 500 triệu đồng (bệnh nhi dưới 6 tuổi ở các tỉnh lân cận). Do BV còn nợ tiền thuốc nên một số đơn vị cung ứng đã chậm chuyển thuốc đến. Cuối tháng 11 - 2007, chúng tôi đã thanh toán được khoản nợ cho các đơn vị cung ứng thuốc từ nguồn kinh phí do cơ quan Bảo hiểm Xã hội chuyển trả.

* Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Mắt - Răng Hàm Mặt Cần Thơ:

- Từ 1-1-2008 quỹ lương của BV tăng 20%, điều này không ảnh hưởng đến hoạt động của BV. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại là các nguồn đầu tư cho BV tăng, trong khi mức thu viện phí không tăng. Năm 2008, chúng tôi tiếp tục mở rộng, nâng cấp qui mô hoạt động của BV. Do vậy, cũng sẽ có khả năng BV làm nhiều lỗ nhiều; có nhiều trường hợp phải chấp nhận lỗ để phục vụ nhân dân.

Thực tế qua một năm thực hiện Nghị định 43, tính tự chủ của BV vẫn chưa cao. Nhìn chung, đây là nghị định mở nhưng vẫn còn những khoản siết chặt, nhất là khó đầu tư trang thiết bị.

* Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Việt Trung, Giám đốc BV Tai Mũi Họng Cần Thơ:

- Giai đoạn khó khăn nhất của BV là khi bắt đầu áp dụng Nghị định 43, tập trung ở 6 tháng đầu năm 2007. Lúc đó, việc thu chi ngân sách của BV hết sức khó khăn, một phần do chưa có giá xã hội hóa của UBND thành phố cho phép.

Những khó khăn nêu trên có ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh nhân hay không? Nếu có thì các BV khắc phục bằng cách nào?

* Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ:

- Đây cũng là một trong những nguyên nhân dễ nảy sinh tiêu cực trong ngành y. Tuy nhiên, chúng tôi luôn đặt ra yêu cầu: trong hoàn cảnh nào cũng phải phục vụ tốt cho bệnh nhân.

Chúng tôi đang nhắm đến mục tiêu đẩy mạnh việc đa dạng hoạt động theo hướng xã hội hóa. Chẳng hạn, tăng cường hợp tác với các đơn vị trong nước và quốc tế (các chương trình dự án). Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc mà chúng tôi đang từng bước tháo gỡ như: cơ sở hạ tầng chật hẹp, cũ kỹ, các hoạt động dịch vụ còn rất khiêm tốn, không đủ để đầu tư phát triển... Trong khi đó, mức viện phí đang áp dụng đã quá lạc hậu so với thời giá.

* Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Mắt - Răng Hàm Mặt Cần Thơ:

 Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Mắt - Răng Hàm Mặt Cần Thơ
- BV luôn tìm giải pháp để khắc phục những khó khăn này, không để ảnh hưởng đến chất lượng công tác khám và điều trị bệnh.

Theo tôi, BV phải lấy hoạt động chuyên môn nghiệp vụ để tăng thu nhập mới là giải pháp chiến lược. Muốn vậy, phải có cơ sở, trang thiết bị tốt và con người giỏi. Giải pháp duy nhất là con đường phát triển “bấm bụng” đi lên, phải đầu tư thật tốt để phục vụ bệnh nhân. Hiện nay, bệnh nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao ngày một tăng. Chúng tôi cũng đang chờ khung giá viện phí mới mà Bộ Y tế đang trình Chính phủ, hy vọng sẽ có sự chỉnh đổi cho phù hợp với thực tế.

* Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Việt Trung, Giám đốc BV Tai Mũi Họng Cần Thơ:

- Để vượt qua khó khăn này, chúng tôi đã lên kế hoạch sát sao trong việc thực hành tiết kiệm chi tiêu nội bộ với phương châm “xài đúng việc, đúng chỗ”, có quản lý kiểm tra thường xuyên. BV đã tăng cường khám và điều trị bằng kỹ thuật cao: phẫu thuật nội soi mũi xoang và phẫu thuật vi phẫu tai bằng kính hiển vi, vi phẫu thanh quản. Từ những khoản thu này sẽ bù lỗ cho những khoản khác.

Để làm được những điều này, chúng tôi rất quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi để anh em phát triển nghề nghiệp của mình, đó là: môi trường làm việc tốt (con người, trang thiết bị...) và đồng lương đảm bảo được cuộc sống cho gia đình. Tuy nhiên, để các BV công có thể tự chủ hoàn toàn trong thực hiện Nghị định 43, cần có khung giá viện phí mới phù hợp với thời giá.

Tăng viện phí có phải là giải pháp tối ưu cho vấn đề tự cân đối thu chi của các bệnh viện?

* Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BV Nhi đồng Cần Thơ:

- BV Nhi đồng I, Nhi đồng II (TP Hồ Chí Minh) đã mở rộng dịch vụ “BV trong ngày”. Đây là một mô hình mà chúng tôi mong muốn thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Nhiều phụ huynh có nhu cầu về loại hình khám chữa bệnh theo yêu cầu cho con em mình nhưng BV Nhi đồng Cần Thơ không đáp ứng được.

Nguyên nhân chính vẫn do BV chưa thể tự chủ hoàn toàn về các điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo Nghị định 43. Hiện nay, các nhà đầu tư rất quan tâm đến việc hợp tác phát triển các dịch vụ cao nhưng còn khó ở chỗ “chưa gặp nhau” - trong đó có ảnh hưởng từ mức thu viện phí. Theo tôi, nhà nước nên ban hành khung giá viện phí mới phù hợp với thời giá. Tuy nhiên, đối với mức sống của người dân ở TP Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL chưa thể theo mức giá ở khu vực có đời sống thu nhập cao như TP Hồ Chí Minh.

* Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Mắt - Răng Hàm Mặt Cần Thơ:

- Nếu giá viện phí giữ nguyên như hiện nay, BV sẽ rất khó cân đối cho khoản đầu tư máy kỹ thuật cao để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị. Về lâu dài, không khéo BV công sẽ mất chất xám (đã có trường hợp bác sĩ trong giờ hành chính làm việc tại BV công nhưng ngoài giờ làm việc tại các BV tư để có điều kiện tiếp cận chuyên môn kỹ thuật cao). Đây đang là trăn trở lớn của chúng tôi.

* Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Việt Trung, Giám đốc BV Tai Mũi Họng Cần Thơ:

 Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Việt Trung, Giám đốc BV Tai Mũi Họng Cần Thơ.

- BV có chủ trương “đúng người - đúng việc - đúng bệnh phải làm”. Với chủ trương này, người nghèo đến BV Tai Mũi Họng Cần Thơ vẫn được sử dụng kỹ thuật cao để điều trị. Đây cũng là hướng mở của Nghị định 43 mà BV đã đưa vào thực tế điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, mức viện phí hiện nay cần được điều chỉnh tăng nhưng phải dựa trên mức sống của người dân trong vùng. Qua khai thác nguồn thu từ dịch vụ kỹ thuật cao, chúng tôi sẽ có điều kiện tốt hơn để “chia sẻ” cho những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

* Xin cảm ơn các bác sĩ!

XUÂN QUYÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết