22/03/2019 - 08:01

Cà phê có thể ngăn ung thư tiền liệt tuyến? 

Tin vui cho các quý ông thích uống cà phê là các nhà nghiên cứu ở Đại học Kanazawa (Nhật Bản) vừa xác định được 2 hợp chất tìm thấy trong loại thức uống này có khả năng trì hoãn sự phát triển của các tế bào ung thư tiền liệt tuyến (UTTLT).

Lâu nay, các nhà khoa học luôn bị hấp dẫn bởi tác động tiềm năng của cà phê đối với sức khỏe. Loại thức uống chứa hơn 1.000 hợp chất không bay hơi và hơn 1.500 hợp chất dễ bay hơi này đã được chứng minh là có ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến sức khỏe con người. Song, nhiều nghiên cứu kết luận rằng cà phê nhìn chung vẫn có thể là một thức uống có lợi. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy uống một số loại cà phê nhất định có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có UTTLT.

Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia ban đầu thử nghiệm tác động của 6 hợp chất tự nhiên có trong cà phê đối với sự tăng trưởng của các tế bào UTTLT người trong ống nghiệm. Họ nhận thấy các tế bào được điều trị bằng kahweol acetate và cafestol đã tăng trưởng chậm hơn so với các tế bào đối chứng. Sau đó, họ đem thử nghiệm 2 hợp chất này trên các tế bào UTTLT đã được cấy vào 16 con chuột. Trong đó, 4 con được điều trị bằng kahweol acetate, 4 con điều trị bằng cafestol, 4 con điều trị bằng cả kahweol acetate lẫn cafestol và 4 con còn lại không dùng chất nào.

Kết quả quan sát sau 11 ngày cho thấy, khối u ở nhóm chuột không được điều trị đã tăng trưởng gấp 3,5 lần so với kích thước ban đầu, trong khi khối u ở nhóm được điều trị bằng cả kahweol acetate và cafestol chỉ tăng 1,5 lần. “Chúng tôi phát hiện rằng kahweol acetate và cafestol đã ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư ở chuột, nhưng sự kết hợp này dường như có tác dụng hiệp lực, dẫn đến việc khối u ở những con chuột được điều trị phát triển chậm hơn đáng kể so với những con không được điều trị” - trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Hiroaki Iwamoto, nhận xét.

Theo Tiến sĩ Iwamoto, mặc dù phát hiện nói trên mang tính hứa hẹn, song không nên thay đổi thói quen tiêu thụ cà phê vì điều này. Bởi cà phê có cả tác động tích cực và tiêu cực đối với sức khỏe. Mặt khác, đây chỉ là nghiên cứu thí điểm, nên cần tiến hành thêm một số nghiên cứu nữa trước khi có thể xác định xem liệu kahweol acetate và cafestol có an toàn và hiệu quả khi dùng trên người hay không.

AN NHIÊN (Theo Medical News Today, Medical Xpress)

Chia sẻ bài viết