23/07/2021 - 09:35

Bước tiến mới cho phụ nữ Saudi Arabia 

Trong động thái hướng đến việc trao thêm quyền cho phụ nữ, lần đầu tiên Saudi Arabia cho phép nữ binh sĩ tham gia bảo vệ các Thánh địa Mecca và Medina.

Hàng chục phụ nữ Saudi Arabia trong trang phục quân đội đã đứng canh gác và hướng dẫn khi hàng ngàn tín đồ Hồi giáo tham dự lễ hành hương Hajj tại Thánh địa Mecca năm nay. Họ thuộc lực lượng toàn nữ gồm 113 chị em, được thành lập hồi năm ngoái. Trong quá trình huấn luyện chuyên nghiệp, những “bóng hồng” này đã học cách tự vệ, sơ cứu và sử dụng vũ khí. Họ cũng phải tham gia các khóa học tiếng Arab và tiếng Anh, sử dụng máy tính và thể lực. Việc triển khai nữ binh sĩ tại 2 thánh địa trên là một trong nhiều thay đổi nổi bật mà vương quốc giàu dầu mỏ này chứng kiến kể từ khi Thái tử Mohammed bin Salman phát động kế hoạch cải cách kinh tế - xã hội “Tầm nhìn 2030” vào tháng 4-2016.

Các nữ binh sĩ Saudi Arabia canh gác tại nhà thờ Hồi giáo ở Mecca. Ảnh: AFP

Trao quyền cho phụ nữ được xác định là một trong những mục tiêu chính của “Tầm nhìn 2030”. Trong kế hoạch này, Chính phủ Saudi Arabia muốn nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động từ mức 22% hồi năm 2017 lên 30% vào năm 2030. Do đó, Saudi Arabia không chỉ đưa ra những cải cách pháp lý mà còn tài trợ cho các dự án/sáng kiến ở nhiều lĩnh vực như du lịch, đầu tư và văn hóa nhằm tạo ra cơ hội cho phụ nữ. Bên cạnh đó, quốc gia vùng Vịnh cũng cam kết đảm bảo và bảo vệ quyền phụ nữ tại nơi làm việc. Saudi Arabia khuyến khích phụ nữ cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh doanh bằng cách đưa ra những sửa đổi pháp lý nhằm bảo vệ phái yếu khỏi bị phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong các lĩnh vực làm việc.

Ngày nay, Saudi Arabia đã có nữ tay đua chuyên nghiệp đầu tiên (cô Reema al-Juffali), các nữ đại sứ, nữ thẩm phán và nhà làm phim nữ thắng các giải thưởng. Nhiều phụ nữ Saudi Arabia đảm nhận những vị trí lãnh đạo cấp cao như bộ trưởng, chủ tịch, giám đốc. Trong số những thành tựu nổi bật nhất là việc bổ nhiệm 13 phụ nữ trong hội đồng mới của Ủy ban Nhân quyền, đại diện cho phân nửa số thành viên hội đồng. Từ năm 2018, phụ nữ nước này đã được phép lái xe, tham gia đội cận vệ Hoàng gia, tự do đi lại mà không cần phải có người giám hộ đi cùng như trước. Họ cũng được phép vào sân vận động theo dõi các trận bóng đá, tham gia hoạt động thể thao, mở doanh nghiệp riêng và hưởng lợi từ các dịch vụ của chính phủ mà không cần sự chấp thuận của người giám hộ nam.

Tốc độ tiến bộ trong vấn đề bình đẳng giới ở lĩnh vực quốc phòng cũng rất ấn tượng. Cách đây 3 năm, Saudi Arabia đã “bật đèn xanh” cho phụ nữ gia nhập quân đội. Ðến năm 2019, chính quyền Riyadh tiếp tục thông qua luật mới cho phép nữ giới có quyền đăng ký khai sinh cho con, đăng ký kết hôn, ly hôn và ra nước ngoài mà không cần sự “hộ tống” của người thân nam giới, như cha hoặc chồng. Việc Saudi Arabia bổ nhiệm Công chúa Reema bin Bandar làm đại sứ tại Mỹ hồi năm 2019 đã đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nước này, nữ giới được đảm nhiệm vai trò của một đại diện ngoại giao cấp cao. Ðến nay, Saudi Arabia đã có 3 nữ đại sứ. Năm ngoái, Bộ Tư pháp nước này đã bổ nhiệm 100 phụ nữ làm công chứng viên.

Saudi Arabia có nhiều đạo luật rất hà khắc với nữ giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây vai trò và quyền của phụ nữ ở quốc gia này được tăng lên đáng kể. Theo một báo cáo hồi đầu năm nay của Liên Hiệp Quốc, Saudi Arabia dẫn đầu thế giới về cải cách tăng quyền cho phụ nữ.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, Arab News)

Chia sẻ bài viết