01/08/2011 - 08:02

Bước ngoặt mới cho Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Abdullah Gul (trái) và Tướng Isik Kosaner khi còn đương chức. Ảnh: AP

Báo Bưu điện Washington của Mỹ ngày 31-7 cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào kỷ nguyên mới, khi các tướng lĩnh quân đội không đồng tình với cách hành xử của chính phủ đã không tiến hành đảo chính hoặc ít ra là đe dọa, mà thay vào đó là xin nghỉ hưu sớm.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Isik Kosaner hôm 29-7 quyết định về hưu trước một năm, còn 3 tướng lĩnh khác là các tư lệnh hải, lục, không quân cũng đồng loạt xin từ chức. Chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã lập tức bổ nhiệm Tướng Necdet Ozel, chỉ huy lực lượng quân cảnh, thay thế ông Kosaner.

Bốn nhân vật quân sự hàng đầu ra đi cùng lúc không khỏi gây bất ngờ cho rất nhiều người ở đất nước lâu nay quen với việc quân đội thường có tiếng nói quyết định. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã phế truất hoặc giúp lật đổ 4 chính quyền dân sự kể từ năm 1960 đến nay. Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ tự xem là “người bảo vệ” hiến pháp thế tục và công khai đối đầu với đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền sau cuộc bầu cử năm 2002. Họ từng tẩy chay các cuộc họp chính thức khi có vợ của các quan chức dân sự hàng đầu mang khăn trùm đầu tham gia, cũng như ngăn chặn phu nhân Thủ tướng Erdogan vào một bệnh viện quân sự vì lý do tương tự. Năm 2007, quân đội cũng tìm cách ngăn cản ông Abdullah Gul ứng cử tổng thống. Gần đây, nhiều sĩ quan cao cấp đã bị cáo buộc thực hiện chiến dịch trên Internet được gọi là “âm mưu đảo chính Sledgehammer” nhằm lật đổ chính quyền Thủ tướng Erdogan hồi năm 2003.

Tuy nhiên, tháng 8 năm ngoái, lần đầu tiên chính quyền dân sự của ông Erdogan đã chứng tỏ “cao cơ” hơn quân đội khi ngăn cản họ thăng chức cho một số sĩ quan, trong đó có những người bị bắt giữ trong vụ Sledgehammer. Vài giờ trước khi ông Kosaner thông báo từ chức, các công tố viên cũng đã bắt giữ thêm 22 sĩ quan liên quan tới vụ này, loại họ khỏi danh sách đề bạt thăng chức trong cuộc họp của Hội đồng quân sự tối cao (YAS) bắt đầu vào hôm nay 1-8. Tuyên bố trên các phương tiện truyền thông, Tướng Kosaner nói ông ra đi là để phản đối phiên tòa xét xử các tướng lĩnh này.

Các nhà phân tích xem việc từ chức tập thể của các tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ là sự xác nhận rằng quân đội nước này đã bị tước bớt quyền trong cuộc tranh giành quyền lực với AKP. Henri Barkey, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Lehigh ở Pennsylvania (Mỹ), cho rằng trước đây, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cảnh cáo, đe dọa... khi bất đồng với chính phủ. Nhưng hiện nay, họ không thể làm như vậy nữa. Barkey nói: “Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ cũng giống như các nước khác, nơi mà nếu anh không đồng ý với thượng cấp thì anh phải từ chức”.

Thủ tướng Erdogan tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba hồi tháng 6 năm nay cho thấy sự tín nhiệm của dân chúng đối với đường lối lãnh đạo đất nước của ông. Hôm 30-7, ông Erdogan tuyên bố sẽ thúc đẩy thay đổi hiến pháp năm 1982 (do các tướng lĩnh quân đội lên nắm quyền soạn thảo), động thái được xem là sẽ thể chế hóa hơn nữa chính quyền dân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ.

THÁI BÌNH
(Theo Washingtonpost, WSJ, NYT)

Chia sẻ bài viết