12/03/2024 - 23:03

Bước chuyển mình của y tế cơ sở Cần Thơ
Bài cuối: Chung sức phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới 

Y tế cơ sở được xem là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế bởi đây không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, mà còn là nơi trực tiếp gần dân nhất. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoàn thiện, phát triển hệ thống y tế cở sở; nhất là vướng mắc trong đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực... nhưng y tế cơ sở Cần Thơ đã có những thay đổi đáng kể thời gian qua. Thành phố và ngành y tế thành phố cũng đang từng bước gỡ khó cho y tế cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển y tế trong tình hình mới.

Ngày Thầy thuốc 27-2 mỗi năm, TP Cần Thơ đều có chương trình đi bộ vận động cộng đồng chung tay hướng về y tế cơ sở.

Dành nhiều nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở

Vừa qua, Chương trình đi bộ năm 2024 do Sở Y tế TP Cần Thơ tổ chức với chủ đề “Ngành Y tế Cần Thơ: Ðoàn kết - Chung sức - Ðồng lòng hướng về y tế cơ sở” đã huy động được nguồn lực xã hội hơn 1,1 tỉ đồng hỗ trợ y tế cơ sở. Ðây là hoạt động thường niên của ngành y tế thành phố, đồng thời cũng quán triệt tinh thần của Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Hơn 10 năm qua, nguồn vận động này đều được đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh cho hệ thống trạm y tế để góp phần phát triển y tế cơ sở.

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22-1-2002 của Ban Bí thư về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, TP Cần Thơ đã xây dựng được hệ thống y tế cơ sở vững chắc, là trụ cột chính trong công tác dự phòng và phòng, chống dịch. Hệ thống y tế cơ sở ngày càng hoàn thiện, góp phần gia tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh tại địa phương. Ðề án bác sĩ gia đình và quản lý hồ sơ sức khỏe cũng được triển khai; mạng lưới y tế cơ sở đã liên thông dữ liệu khám chữa bệnh với hồ sơ sức khỏe điện tử. Tất cả trung tâm y tế, trạm y tế triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống và quản lý bệnh không lây nhiễm.

Hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở là yêu cầu bắt buộc để địa phương đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới. BS CKII Trần Bá Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Ðiền cho biết, năm 2004, Trung tâm chỉ có 9 bác sĩ, 15 giường bệnh và chỉ 1 khoa khám bệnh ngoại trú. Còn hiện nay, đội ngũ y bác sĩ đông hơn, với hơn 40 bác sĩ đầy đủ các chuyên khoa. Trung tâm cũng mở rộng lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng đáp ứng nhu cầu tầm soát sớm, điều trị kịp thời. Bình quân Trung tâm tiếp nhận 400-500 lượt bệnh/ngày. Tất cả các trạm y tế trên địa bàn huyện đều có bác sĩ, thậm chí có trạm có 2 bác sĩ. Với tiêu chí mới của Bộ Y tế về đánh giá chất lượng, hệ thống trạm y tế của huyện Phong Ðiền đều đạt.

Ông Lê Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền cho biết, huyện đang tiến tới mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao. Vì thế, lãnh đạo huyện tập trung chỉ đạo các xã nâng chất các tiêu chí trong đó có lĩnh vực y tế. Trong năm 2023, huyện dành nhiều nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp mạng lưới trạm y tế. Cuối năm, huyện đã thành lập đoàn khảo sát đánh giá toàn diện thực trạng hệ thống y tế cơ sở. UBND huyện còn kiến nghị Sở Y tế tăng cường hỗ trợ nguồn lực cho Trung tâm Y tế huyện.

Hệ thống y tế cơ sở Vĩnh Thạnh cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ địa phương. BS CKI Trần Ðình Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh cho biết hầu hết các xã hằng năm đều dành ngân sách 10-15 triệu đồng cho y tế. Nhiều chương trình phòng, chống dịch và sức khỏe cộng đồng trong năm cũng được hỗ trợ thêm kinh phí. Những sự quan tâm đó là động lực để ngành y tế nỗ lực phát triển. Thời gian tới, y tế Vĩnh Thạnh chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cả về trình độ chuyên môn và kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, củng cố hệ thống tổ chức trạm y tế, bổ sung đủ các chức danh chuyên môn tại trạm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương.

Kỳ vọng trên chặng đường mới

Cuối năm 2023, Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư ra đời đã đề ra những mục tiêu và giải pháp trọng tâm để tiếp tục phát huy vai trò “người gác cổng” của hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới. Theo đó, Chỉ thị xác định rõ phải nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, đặc biệt vai trò người đứng đầu của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về tầm quan trọng của y tế cơ sở. Chỉ thị nhấn mạnh tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy y tế cơ sở, mở rộng phạm vi của y tế cơ sở, khuyến khích y tế tư nhân kết nối với y tế cơ sở trong cung cấp dịch vụ và quản lý sức khỏe cộng đồng.

Chỉ thị 25 cũng yêu cầu tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Ðồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, có chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng. Ðặc biệt, đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh; đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm; thực hiện quản lý sức khoẻ người dân tại gia đình và cộng đồng.

BS CKI Nguyễn Văn Sang, Trưởng Trạm Y tế Trường Long thăm khám, tư vấn sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: THU SƯƠNG

Theo TS.BS Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, thời gian qua, nhiều chính sách lớn của Ðảng, Nhà nước liên quan trực tiếp đến hệ thống y tế đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Dù được quan tâm đầu tư, nhưng hệ thống y tế cơ sở vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, về mô hình tổ chức, cơ chế tài chính và nguồn nhân lực; chưa có chính sách khuyến khích thỏa đáng tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh, dẫn tới người dân còn vượt tuyến, gây quá tải cho tuyến trên. Một số cán bộ kiêm nhiệm nhiều chương trình y tế, dân số, dẫn đến kết quả thực hiện chưa cao. Vì vậy, rất cần sự chung sức của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp... tiếp tục hỗ trợ y tế cơ sở nhằm thực hiện đạt hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư.

Tại hội nghị tổng kết Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố đánh giá, Ðảng bộ thành phố đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 06-CT/TW đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền có sự chuyển biến tích cực; xác định rõ tầm quan trọng của y tế cơ sở, chú trọng đưa các nội dung liên quan đến phát triển y tế cơ sở vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm để tổ chức thực hiện và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phù hợp với từng địa phương. Từ đó, góp phần củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Người dân ngày càng tiếp cận được đa dạng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu chất lượng cao. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cao; các địa phương khống chế tốt các dịch bệnh trên địa bàn; các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, lao, sốt rét, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em… được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Theo lãnh đạo thành phố, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu chặng đường 20 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Ðây cũng là năm Cần Thơ phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong lĩnh vực y tế, ông Phạm Văn Hiểu đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống y tế cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có chính sách hỗ trợ thích đáng để cán bộ y tế yên tâm công tác. Phối hợp triển khai đồng bộ, hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin trong hệ thống y tế cơ sở. Tập trung đào tạo, có chính sách đãi ngộ nhân lực y tế cơ sở để góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

YẾN SƯƠNG

Chia sẻ bài viết