10/03/2024 - 22:04

Bước chuyển mình của y tế cơ sở Cần Thơ
Bài 1: Tận tâm và gần gũi 

“Nhà tôi từ lớn tới nhỏ, có bệnh là tìm đến trạm y tế, bệnh viện quận, huyện chứ ít khi lên tuyến trên. Bác sĩ ở trạm nhiệt tình, trách nhiệm với người bệnh, nên chúng tôi rất tin tưởng”. Ðó là chia sẻ của nhiều người dân Cần Thơ khi đã chọn lựa và tin cậy các đơn vị y tế địa phương - địa chỉ khám chữa bệnh ban đầu. Ðể tạo dựng được niềm tin này, các thầy thuốc tuyến cơ sở đã không ngừng nâng cao tay nghề, cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân.

Bài 1: Tận tâm và gần gũi

Trong những năm qua, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn thành phố được quan tâm đầu tư về trang thiết bị, nhân lực... nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cơ bản được đảm bảo, nhất là công tác dự phòng, thực hiện tiêm chủng mở rộng... Theo ghi nhận của ngành y tế, kể từ sau đại dịch COVID-19 xu hướng chăm sóc sức khỏe của người dân đã thay đổi. Thống kê của Sở Y tế TP Cần Thơ, mạng lưới trạm y tế trên địa bàn thành phố góp sức khám, điều trị cho hơn 35% tổng lượt khám bệnh của thành phố, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng, đồng thời giảm tải cho tuyến trên.

BS Nguyễn Thị Kim Thảo, Quyền Trưởng Trạm Y tế xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh trò chuyện cùng một cụ bà sau khi khám bệnh cho cụ. Ảnh: THU SƯƠNG 

Có bệnh là đến trạm

Ðến nhận thuốc tại Trạm y tế xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, bà Nguyễn Thị Nhật Phượng ở ấp C1, nán lại để chuyện trò cùng y, bác sĩ ở trạm. Bà Phượng đã “chung sống” với bệnh cao huyết áp, đái tháo đường hơn 20 năm qua. Bà nói: “Tôi khỏe được như vầy là nhờ các cô chú ở Trạm. Từ việc uống thuốc, ăn uống sinh hoạt, các bác sĩ đều dặn dò rất kỹ. Tháng nào tới ngày nhận thuốc chưa thấy tôi đến là cán bộ y tế của Trạm gọi điện nhắc. Có lần tôi ở nhà một mình, bị xây xẩm mặt mày, gọi điện đến trạm, các bác sĩ đã tới tận nhà thăm khám. Nhờ vậy, tôi mới giữ được sức khỏe ổn định, rất hiếm lên BV huyện hay BV thành phố”.

Mỗi ngày, tất cả nhân viên Trạm Y tế Thạnh Thắng có mặt từ 7 giờ sáng khám bệnh cho người dân để bà con còn kịp ra chợ, hoặc về lo việc nhà. BS Nguyễn Thị Kim Thảo, Quyền Trưởng Trạm Y tế xã Thạnh Thắng cho biết, người dân đến trạm khám thường xuyên, nên cán bộ y tế nhớ được tiền sử bệnh của từng trường hợp. Từ đó, bác sĩ dễ dàng theo dõi diễn tiến sức khỏe và cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Mỗi tháng nhân viên ở trạm đều sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề bệnh lý, thường xuyên cập nhật các phác đồ điều trị, tham gia các lớp tập huấn ở tuyến trên. Trạm y tế còn chủ động kết nối với người dân bằng cách niêm yết số điện thoại của các bác sĩ và nhân viên y tế tại nhà thông tin ấp. Vì vậy, khi có vấn đề về sức khỏe hoặc không may gặp tai nạn thì người dân dễ dàng liên hệ bác sĩ.

BS Thảo kể: “Vừa rồi Trạm cấp cứu cho một trường hợp bị ong chích khiến bệnh nhân sốc phản vệ. Riêng vùng mặt của bệnh nhân có tới 20 vết đốt, các vết đốt ở những bộ phận khác thì không đếm xuể. Nhận định tình hình nguy kịch, bác sĩ lập tức chỉ định xử trí theo phác đồ chống sốc. Sau khi bệnh nhân qua được cơn sốc, Trạm mới chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Khâu xử trí cấp cứu ban đầu rất quan trọng, ảnh hưởng đến tính mạng và khả năng phục hồi của người bệnh. Trong những trường hợp đột quỵ hay tai biến, Trạm còn tính đến đường đi thuận tiện để kịp thời chuyển viện cho bệnh nhân trong thời gian vàng”. Theo BS Thảo, hầu hết cán bộ y tế ở trạm đều là người địa phương nên hết lòng dốc sức chăm sóc sức khỏe bà con. Các thầy thuốc cũng nhận được rất nhiều sự tin yêu của người dân. Ðó là món quà quý giá đối với đội ngũ thầy thuốc. 

Những tấm “áo mới”

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa y tế tuyến dưới và tuyến trên, giữa y tế công lập và tư nhân, người dân có rất nhiều sự chọn lựa địa chỉ chăm sóc sức khỏe. Vì thế trạm y tế buộc phải thay đổi toàn diện mới có thể thu hút bệnh nhân. BS CKII Trần Bá Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Ðiền cho biết, tất cả trạm y tế trên địa bàn huyện được nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới, trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Tất cả các trạm y tế đều có bác sĩ cơ hữu. 6/6 trạm y tế đều đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. 

Nhớ lại điều kiện y tế địa phương cách đây hơn 20 năm, BS CKI Nguyễn Văn Sang, Trưởng Trạm Y tế Trường Long, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Trước đây, địa bàn của xã Trường Long rất rộng. Cán bộ trạm y tế đến hộ dân tiêm ngừa, phòng, chống dịch phải đi bằng võ lãi. Phương tiện khám bệnh cũng chỉ có ống nghe… Nay đã khác xưa, Trường Long đã là xã nông thôn mới kiểu mẫu, điều kiện chăm sóc sức khỏe người dân cũng được nâng cao. Hiện nay Trạm Y tế có 10 người, trong đó có 2 bác sĩ và nhiều thiết bị hỗ trợ chẩn đoán, đảm bảo cả về khám, chữa bệnh thông thường cũng như xử trí cấp cứu ban đầu.

Theo BS Sang, mỗi ngày trạm tiếp nhận 30-50 lượt khám gồm cả bảo hiểm y tế và dịch vụ. Trạm đáp ứng điều trị nhiều bệnh, những trường hợp đau bụng thì có siêu âm kiểm tra, các bệnh lý tim mạch, đau thắt ngực thì có điện tim... Ngoài ra, Trạm còn có máy đo đường huyết, máy thở khí dung, SPO2..., hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ cấp cứu nhiều trường hợp nguy kịch. Như trường hợp của cụ bà 93 tuổi ở ấp Trường Phú đã thoát khỏi cửa tử trong gang tấc nhờ sự can thiệp kịp thời của bác sĩ Trạm Y tế Trường Long. Hôm đó, cụ bà mệt, được con cháu đưa đến Trạm khám. Qua kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bà bị nhồi máu cơ tim, lập tức sơ cấp cứu, đồng thời liên hệ với tuyến trên, chuyển viện ngay. Sau khi nhập viện BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ, bà được nhanh chóng can thiệp đặt stent. Cụ bà hồi phục, đến nay sống khỏe mạnh bên con cháu. 

BS Sang cũng cho biết, để có thể làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân, Trạm rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ để phát huy hiệu quả trang thiết bị; tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn. Quá trình khám, bác sĩ lồng ghép tư vấn các dấu hiệu nhận biết sớm và chủ động phòng tránh các bệnh thường gặp như sốt xuất huyết, tay chân miệng, khuyến cáo người dân tuân thủ phác đồ điều trị, hạn chế biến chứng. Những trường hợp mắc bệnh đều được trạm quản lý, kiểm soát mức độ bệnh, ngăn ngừa nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.

BS Phạm Thị Ngọc Phượng, Phó Trưởng Trạm Y tế Thới An Đông, quận Bình Thủy kiểm tra huyết áp cho một cụ bà. Ảnh: THU SƯƠNG

Còn ở Trạm Y tế Thới An Ðông, quận Bình Thủy, BS Phạm Thị Ngọc Phượng, Phó trưởng Trạm, cho biết, từ khi Trạm được xây mới, cơ sở khang trang, nhiều thiết bị mới nên ngày càng được người dân địa phương chọn làm nơi khám chữa bệnh ban đầu. Nhân lực của Trạm có đủ chỉ tiêu chuyên môn, gồm 2 bác sĩ, trong đó có 1 bác sĩ chuyên khoa I có thể thực hiện được các kỹ thuật siêu âm, điện tim. Nếu như trước đây người bệnh than phiền là trạm y tế thiếu thuốc hay thuốc ít thì nay Trạm chủ động dự trù nguồn thuốc dồi dào, đa dạng chủng loại. Trong công tác phục vụ, Trạm luôn lưu tâm đến sự tiện lợi của người bệnh. Mỗi tháng Trạm tiếp nhận 500-600 lượt khám bệnh. Người trên 40 tuổi đến Trạm khám đều được miễn phí đo huyết áp, kiểm tra đường huyết để tầm soát bệnh đái tháo đường. Hiện Trạm quản lý gần 1.200 trường hợp tăng huyết áp, gần 140 bệnh nhân đái tháo đường và 60 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch và ung thư. Trạm đã quản lý hơn 11.000 hồ sơ sức khỏe điện tử, tạo tiền đề thuận lợi cho chương trình chuyển đổi số của ngành.

Có thể nói, y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, đóng góp hiệu quả cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu; đồng thời góp phần giảm tải cho tuyến trên. Y tế cơ sở của Cần Thơ đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và hiện nhiều cơ sở đã có thể triển khai được nhiều kỹ thuật cao.

Hệ thống y tế cơ sở tuyến quận, huyện trên địa bàn thành phố hiện có 12 đơn vị, với tổng số gần 1.000 giường bệnh, thực hiện đầy đủ các chức năng về khám chữa bệnh, dự phòng và phục hồi chức năng. Toàn thành phố có 80 trạm y tế, đảm đương hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số.

Thành phố đã đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện đa khoa quận, huyện và 14 trạm y tế. Hệ thống y tế cơ sở ngày càng hoàn thiện, góp phần gia tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh tại địa phương.

YẾN SƯƠNG

(Còn tiếp)

Bài 2: Từng bước “làm chủ” kỹ thuật cao

Chia sẻ bài viết