10/10/2013 - 22:40

Bọt biển – “bảo mẫu” của các rạn san hô

* "Sức khỏe" đại dương đang giảm sút nhanh

Bọt biển được các nhà khoa học ví như “người hùng thầm lặng” giúp các rạn san hô tồn tại. 

Các nhà khoa học thuộc Đại học Amsterdam (Hà Lan) cho biết họ đã giải mã được bí ẩn làm thế nào rạn san hô - một trong những hệ sinh thái rực rỡ nhất trên Trái đất, có thể phát triển trong điều kiện môi trường thiếu chất dinh dưỡng? Với phát hiện này, Tiến sĩ Jasper de Goeij hy vọng có thể cung cấp thêm giải pháp bảo tồn, khôi phục các rạn san hô vốn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển.

San hô sinh trưởng bằng cách hút các chất dinh dưỡng trực tiếp từ nước, trong đó có nitơ, phốt pho vô cơ cùng các sinh vật phù du theo nước trôi ngang qua. Nhưng trong những môi trường thiếu chất dinh dưỡng, nó cần có một hệ thống để phục hồi nguồn thức ăn và tái chế chúng để trả lại hệ sinh thái.

Trước đây từng có ý kiến cho rằng bọt biển có thể là mắt xích còn thiếu trong chu trình "nuôi sống" rạn san hô. Tuy nhiên, khả năng chúng có thể cung cấp bao nhiêu chất dinh dưỡng cũng như cách thức tiêu hóa những sinh vật khác trong vùng nước quanh rạn san hô vẫn chưa được làm rõ. Và trong nghiên cứu mới nhất do Tiến sĩ Goeij dẫn đầu, các chuyên gia phát hiện bọt biển chính là nhân tố giúp các rạn san hô sinh tồn ở những môi trường khắc nghiệt, bằng cách tái chế một lượng lớn vật chất hữu cơ trong nước rồi biến chúng thành thức ăn nuôi sống các sinh vật sống quanh rạn san hô.

Goeij cho biết ông cùng nhóm cộng sự đã nghiên cứu 4 loại bọt biển phổ biến ở lưu vực đảo Curacao vùng Caribe, cả trong môi trường bể thí nghiệm và môi trường tự nhiên. Đầu tiên, họ nuôi bọt biển bằng những phân tử đường đặc biệt và theo dõi chu trình tái chế của dưỡng chất này. Nhóm nghiên cứu thấy rằng sau khi bọt biển hút các phân tử đường từ nước, chúng nhanh chóng bị chuyển hóa thành các tế bào chết và thải xuống đáy biển. Qua 2 ngày, những phân tử này được tìm thấy trong các con ốc và sinh vật khác hay ăn trầm tích chứa chất thải của bọt biển. Những con ốc này sau đó bị động vật lớn hơn ăn thịt và chu trình tái tạo chuỗi thức ăn lại tiếp diễn.

Các nhà khoa học ước tính, bọt biển có thể tái chế thức ăn nhiều gấp 10 lần vi khuẩn và tạo ra nguồn dưỡng chất tương đương với công suất của tất cả san hô và tảo cộng lại. Chẳng hạn như bọt biển Halisarca caerulea, lượng cácbon hòa tan mỗi ngày chiếm 2/3 trọng lượng cơ thể nhưng do các tế bào chết vẫn liên tục thải ra môi trường nên kích thước của chúng hầu như không thay đổi.

* Trước đó, một báo cáo của Chương trình Quốc tế về tình trạng của Đại dương (IPSO) cho biết "sức khỏe" của các vùng biển trên thế giới đang sụt giảm nhanh hơn so với những dự đoán trước đây, điển hình là các rạn san hô đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự ấm nóng toàn cầu, quá trình axít hóa, ô nhiễm, tình trạng khai thác bừa bãi cùng sự bồi lắng và phát triển của các loài tảo độc hại.

Ngoài những mối đe dọa như trên, IPSO còn cảnh báo quá trình hình thành vùng chết do tác động của dòng chảy hóa chất đang ngày càng gia tăng. Song, "công chúng và các nhà hoạch định chính sách không nhận ra hoặc chọn giải pháp ngó lơ mức độ nghiêm trọng của vấn đề" – báo cáo cảnh báo. Do đó, báo cáo kêu gọi chính phủ các nước cần nhanh chóng đề ra giải pháp ngăn chặn sự gia tăng khí thải cácbon điôxít (CO2), nếu không, quá trình axít hóa sẽ càng nghiêm trọng hơn khi lượng CO2 tiếp tục hấp thu vào biển.

Ngoài ra, tổ chức này còn thúc giục các biện pháp quản lý hoạt động khai thác đánh bắt cá, ưu tiên giải quyết các hóa chất độc hại. Bằng không, "tương lai chúng ta sẽ mất nhiều hơn nữa, thậm chí không thể đảo ngược các tổn thất" - Giáo sư Dan Laffoley thuộc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cảnh báo.

ĐƯỜNG THẤT (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết