08/04/2011 - 08:58

Bồ Đào Nha cầu cứu quốc tế trợ giúp tài chính

Ảnh: Reuters

Sau nhiều tháng lưỡng lự và thậm chí kiên quyết bác bỏ, chính phủ tạm quyền của Bồ Đào Nha đã chính thức thông báo nước này đang yêu cầu trợ giúp tài chính từ Liên minh châu Âu (EU). Như vậy, Bồ Đào Nha đã trở thành quốc gia châu Âu thứ ba, sau Hy Lạp và Ireland, phải cầu cứu sự trợ giúp từ bên ngoài để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công.

Phát biểu trên truyền hình tối 6-4, Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates (ảnh) nói rằng, quyết định yêu cầu trợ giúp tài chính từ EU là cần thiết nhằm bảo đảm duy trì hệ thống tài chính và kinh tế của đất nước trong bối cảnh hiện nay. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Barroso cũng xác nhận quyết định từ Bồ Đào Nha và hứa sẽ hồi đáp một cách nhanh chóng. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay chưa nhận được yêu cầu của Bồ Đào Nha nhưng tuyên bố sẵn sàng trợ giúp nước này vượt qua khó khăn về tài chính.

Hiện tại, ông Socrates chưa nói rõ nhu cầu tài chính của Bồ Đào Nha là bao nhiêu, nhưng các nhà phân tích dự đoán nước này cần từ 70-80 tỉ euro. Theo hãng tin Mỹ AP, sau lời đề nghị từ Bồ Đào Nha, các quan chức EU và IMF sẽ ngồi lại với nhau, bàn bạc về những điều khoản đặt ra cho nước này. AP nhận định IMF có thể sẽ tham gia gói cứu trợ Bồ Đào Nha.

Vấn đề là, theo các nhà phân tích, ông Socrates chỉ đơn thuần là thủ tướng lâm thời cho đến khi cuộc bầu cử vào tháng 6-2011 diễn ra nên việc đàm phán về gói cứu trợ sẽ gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, nếu đưa ra gói cứu trợ, EU cũng sẽ yêu cầu Bồ Đào Nha thực hiện nhiều biện pháp khắc khổ, vấn đề từng khiến ông Socrates phải tuyên bố từ chức trước thời hạn ngày 23-3 vừa qua. Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 6-4, ông Socrates cho rằng việc quốc hội bác bỏ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” do chính phủ đưa ra, đã làm cho tình hình tài chính của Bồ Đào Nha trở nên trầm trọng hơn và cuối cùng “không tránh khỏi” phải đề nghị sự trợ giúp tài chính từ bên ngoài. Ông cáo buộc phe đối lập đã từ chối các biện pháp thắt chặt chi tiêu theo quy định của EC và Ngân hàng Trung ương châu Âu, đồng thời cảnh báo nếu họ tiếp tục không ủng hộ yêu cầu trợ giúp của quốc tế thì cuộc khủng hoảng tài chính vốn đã trầm trọng của Bồ Đào Nha sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Bị coi là một trong những nền kinh tế nhỏ nhất và yếu nhất khu vực đồng euro, nên từ nhiều tháng qua Bồ Đào Nha đã nỗ lực bơm tiền vào nền kinh tế để trấn an giới đầu tư. Thế nhưng, hồi tuần trước, Lisbon đã thừa nhận không đáp ứng được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách năm 2010 như dự kiến. Mức thâm hụt của Bồ Đào Nha năm ngoái lên tới 8,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 7,3% GDP. Các hãng đánh giá quốc tế do đó đã liên tục hạ mức xếp hạng tín dụng của nước này, khiến đa số dư luận tin rằng nếu Bồ Đào Nha không sớm cầu viện cứu trợ từ bên ngoài thì hầu như chắc chắn Lisbon sẽ bị vỡ nợ. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Bồ Đào Nha đã tăng lên mức không bền vững, với mức lãi suất trái phiếu 10 năm lên tới 7,78% hôm 1-4, mức cao nhất kể từ khi nước này gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Mạng tin Dự báo Thị trường (Anh) mới đây còn nhận định mặc dù tới nay châu Âu vẫn chống chọi được với cơn bão khủng hoảng nợ công, nhưng những diễn biến mới ở Bồ Đào Nha nếu không được giải quyết tích cực, sẽ trở thành nguy cơ đẩy cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết