28/12/2017 - 14:40

Binh sĩ Triều Tiên đào tẩu có kháng thể bệnh than 

Thông tin này được kênh truyền hình Hàn Quốc Channel A công bố hôm 26-12, dựa trên nguồn tin từ một quan chức tình báo trong nước.

Lính Hàn Quốc trong cuộc tập trận “Người Bảo vệ Tự do Ulchi” mô phỏng một cuộc tấn công tổng lực từ Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Nói trong điều kiện giấu tên, quan chức này không tiết lộ danh tính cũng như thời điểm binh sĩ nói trên trốn sang Hàn Quốc. Thay vào đó, vị này chỉ thông báo ngắn gọn rằng: “Các kháng thể bệnh than đã được tìm thấy trong máu của một người lính CHDCND Triều Tiên đào thoát năm nay”. Tính đến nay, Hàn Quốc đã phát hiện 4 binh sĩ Triều Tiên đào tẩu sang nước họ. Trang UPI trích báo cáo của Channel A nói thêm, kháng thể đã phát triển trước khi binh sĩ này chạy qua khu vực phi quân sự giữa hai nước, khả năng là anh ta bị phơi nhiễm vi khuẩn bệnh than hoặc được tiêm phòng vắc-xin.

Thông tin trên ngay lập tức dấy lên quan ngại tại Hàn Quốc bởi quân đội nước này vẫn chưa có vắc-xin ngừa bệnh than. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo, Seoul dự kiến phát triển vắc-xin phòng bệnh than vào cuối năm 2019 và không thể sớm hơn. Bệnh than (Anthrax) là bệnh do vi khuẩn Bacillus gây ra với ít nhất 80% người bị phơi nhiễm bào tử vi khuẩn tử vong trong 24 tiếng đồng hồ, trừ khi đã tiêm vắc-xin hoặc điều trị bằng kháng sinh. Bào tử bệnh than có thể tồn tại hàng chục năm và đặc biệt được dùng như một loại vũ khí quân sự, bằng cách sử dụng máy bay để phán tán hoặc đưa vào tên lửa. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 50kg bào tử bệnh than nếu dùng máy bay phát tán trên khu vực đô thị 5 triệu người thì sẽ có 250.000 trường hợp mắc bệnh.

Trước khi tin tức phát hiện kháng thể trong máu binh sĩ Triều Tiên được công bố, Hàn Quốc tin rằng Bình Nhưỡng dự trữ đến 5.000 tấn vũ khí hóa học và có khả năng sản xuất các tác nhân sinh học như bệnh than và bệnh đậu mùa. Gần đây, tờ Asahi của Nhật Bản còn cho biết Triều Tiên sau tuyên bố phóng thành công tên lửa liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 có khả năng tiếp cận lục địa Mỹ, đã bắt đầu thử nghiệm đưa vi khuẩn bệnh than vào tên lửa. Mục tiêu là để xác định các vi khuẩn này có thể chịu đựng và sống sót dưới áp suất cao và nhiệt độ có thể hơn 7.000 độ C tại thời điểm ICBM trở lại bầu khí quyển hay không. “Có thông tin chưa được xác nhận, rằng họ đã thành công trong những thử nghiệm này” – tờ Asahi dẫn nguồn từ một nhân vật có liên hệ với tình báo Hàn Quốc cho hay. Tương tự, Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ được công bố hôm 18-12 cũng cáo buộc Triều Tiên đã chi hàng trăm triệu USD để phát triển “vũ khí hạt nhân” và những loại “vũ khí hóa học, sinh học có thể phát tán bằng tên lửa” đe dọa an ninh nước Mỹ.

Đáp lại, Triều Tiên đã bác bỏ tất cả cáo buộc khi tái khẳng định cam kết của nước này với Công ước Vũ khí Sinh học (BWC) là phản đối việc phát triển, sản xuất, dự trữ và sở hữu vũ khí sinh học. Đồng thời, Bình Nhưỡng chỉ trích báo cáo của Washington “không đúng sự thật” và chỉ nhằm lấy cớ cho một cuộc tấn công quân sự.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết