05/07/2012 - 22:11

Biến tướng đáng báo động của việc cho nhận con nuôi ở châu Phi

ACPF kêu gọi tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em châu Phi. Ảnh: BBC 

Hãng tin Anh BBC số ra gần đây đăng tải báo cáo của một tổ chức có tên gọi là “Diễn đàn Chính sách Trẻ em châu Phi (ACPF)” cho biết, chỉ trong vòng 7 năm số trẻ em châu Phi được người nước ngoài nhận làm con nuôi đã tăng gần 400%, từ 2.240 trẻ năm 2003 lên tới 6.350 trẻ năm 2010. Nhu cầu người nước ngoài tìm con nuôi gia tăng đã làm phát sinh nhiều tổ chức môi giới con nuôi và trại trẻ mồ côi để trục lợi. Theo ACPF, điều đáng báo động là nhiều quốc gia tại khu vực này thiếu đi các biện pháp cơ bản nhằm bảo vệ trẻ được nhận nuôi, đối tượng mà ACPF cho là đang bị đối xử như “những món hàng”.

Châu Phi nổi lên là thị trường mới cho nhu cầu xin con nuôi trong bối cảnh nhiều nước thắt chặt quy định hoặc hạn chế tình trạng này. Hầu hết các trẻ em châu Phi được giới thiệu với các gia đình tại Mỹ, còn lại là một số quốc gia Tây Âu và Canada. Theo ACPF, 2/3 trường hợp trẻ em cho người ngoài làm con nuôi là dân Éthiopie. Trong tương lai quốc gia này được dự báo có thể sớm vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường con nuôi lớn nhất thế giới do một số nước truyền thống như Nga và Trung Quốc áp đặt quá nhiều hạn chế trong lĩnh vực này.

ACPF cho biết chỉ có 13 quốc gia châu Phi phê chuẩn Công ước Hague về việc bảo vệ trẻ em trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, còn 5 quốc gia có phần lớn trẻ được nhận nuôi thì không tham gia hiệp ước trên. Thậm chí một số trường hợp thủ tục nhận nuôi ở lục địa đen có thể được thông qua chỉ vài tuần, trong khi ở các nước khác có thể mất một năm. Đáng báo động là việc nhận con nuôi hiện nay đang trở thành một ngành “kinh doanh” tại một số khu vực châu Phi. Trên mỗi đứa trẻ, số tiền người nuôi dưỡng trước khi cho người khác làm con nuôi có thể nhận được từ 10.000 USD đến 30.000 USD. Số tiền ấy làm “mờ mắt” các tổ chức môi giới và trại trẻ mồ côi. Theo ACPF, đa số trường hợp trẻ em được xác định “mồ côi” đều có ít nhất cha hoặc mẹ còn sống, thậm chí chúng còn có thể bị lừa gạt và bán đi bởi gia đình mình.

Giám đốc điều hành ACPF David Mugawe nhấn mạnh, việc nuôi con nuôi là hợp pháp và không phải cơ quan môi giới nào cũng là lừa đảo. Tuy nhiên, ông Mugawe cũng nói thêm rằng việc gian lận, làm giả giấy tờ, hối lộ, bắt cóc, buôn bán trẻ em vẫn thường xuyên xảy ra. Bằng chứng là một số trại trẻ mồ côi tại Éthiopie đã bị chính phủ bắt đóng cửa vào năm ngoái và nhiều đứa trẻ đã được trả về với cha mẹ của chúng.

Theo ông Mugawe, không nên xem biện pháp nhận con nuôi liên quốc gia như lựa chọn dễ dàng và thuận tiện nhằm giải quyết tình hình của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ngược lại, chỉ nên nghĩ đến giải pháp này nếu không còn sự lựa chọn nào khác. Báo cáo từ ACPF cho biết, trách nhiệm mà các nước châu Phi cần làm trước mắt là phải có quyết định cùng biện pháp nhằm củng cố gia đình và cộng đồng để trẻ em có thể nhận được sự chăm sóc tốt nhất trên chính đất nước của mình, bởi vì “mọi trẻ em đều có quyền nhận được sự nuôi dưỡng trên đất nước và trong nền văn hóa mà chúng được sinh ra”, theo lời ông Mugawe.

VI VI (Theo BBC, Globe and Mail)

Chia sẻ bài viết