31/05/2016 - 20:41

Biển Đông phủ bóng hội nghị an ninh châu Á

Từ ngày 3-5/6, Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á (hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 15 sẽ diễn ra tại Singapore. Năm nay, vấn đề Biển Đông được dự báo sẽ làm gia tăng căng thẳng bởi những vụ va chạm thực tế và đấu khẩu nảy lửa giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây.

Tại hội nghị này năm 2014, sau những lời chỉ trích kịch liệt Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (khi đó là ông Chuck Hagel), phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung hết sức "nóng mặt" và bỏ bài diễn văn chuẩn bị sẵn để tung ra những lời hùng hồn trả đũa Nhật, Mỹ.

Tiếng nói mạnh mẽ của ông Carter

Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á diễn ra thường niên, quy tụ các bộ trưởng quốc phòng, tướng lĩnh quân đội và chuyên gia quốc phòng từ châu Á-Thái Bình Dương tham gia thảo luận các vấn đề an ninh khu vực. Năm nay, phái đoàn Mỹ ngoài Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter còn có các tướng lĩnh quân sự cấp cao như Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương - Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy trưởng tác chiến hải quân - Đô đốc John Richardson. Phía Trung Quốc có khả năng tiếp tục cử một phó tổng tham mưu trưởng tham gia hội nghị. Phái đoàn Nhật Bản do Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani dẫn đầu...

Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn Scarborough. Ảnh: Getty Images

Bộ trưởng Carter đã tham gia hội nghị này hồi năm ngoái sau khi trở thành chủ nhân Lầu Năm Góc từ tháng 2-2015. Thời gian qua, ông Carter đã có tiếng nói mạnh mẽ phản đối hành động xây dựng, bồi đắp và quân sự hóa của Trung Quốc tại các đảo chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.

Mới cuối tuần qua, trong bài phát biểu trước Học viện Hải quân Mỹ tại bang Maryland, ông Carter nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang xây dựng "Vạn Lý Trường Thành tự cô lập mình" bằng những hành động khiêu khích ngày càng gia tăng đối với các quốc gia láng giềng ở Biển Đông. Ông cảnh báo các hành vi quân sự hóa và không tuân thủ nguyên tắc cơ bản của Trung Quốc trên Biển Đông có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc từng xảy ra trong quá khứ.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh hôm 30-5 cáo buộc Lầu Năm Góc hiện nay vẫn duy trì tinh thần Chiến tranh lạnh và đang tính làm bộ phim bom tấn kiểu Hollywood khi triển khai các loại vũ khí hiện đại tới Biển Đông để "kiểm chứng" Bắc Kinh. "Cho dù chúng ta đã bước vào thế kỷ 21, nhưng có vài người tại Mỹ còn duy trì tâm lý Chiến tranh lạnh, bịa ra những câu chuyện và tìm cách, thậm chí tạo ra đối thủ rộng khắp thế giới" - bà Hoa bình luận trong cuộc họp báo và tuyên bố: "Trung Quốc không hứng thú tham gia bộ phim bom tấn của Hollywood do người của quân đội Mỹ đạo diễn. Trung Quốc cực lực phản đối và chúng tôi sẽ không ngăn cản hay bị uy hiếp bởi bất kỳ hành động nào có thể làm tổn hại an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ của mình".

Không chấp nhận "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh"

Theo Tờ Straits Times của Singapore, những vụ suýt va chạm trên biển, trên không và chỉ trích giữa Mỹ và Trung Quốc khiến dư luận quốc tế tin rằng một cuộc đối đầu hay xung đột giữa hai ông lớn này là khó tránh khỏi.

Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong và hiện là Bộ trưởng Cấp cao nước này vừa đưa ra nhận định đáng chú ý rằng "Biển Đông đã nổi lên như một mục tiêu ủy thác cho sự điều chỉnh chiến lược rộng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc".

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á do báo Nikkei Asian Review của Nhật Bản tổ chức từ ngày 30-31/5, ông Goh cảnh báo rằng những hành động quân sự hóa của Trung Quốc làm gia tăng khả năng xung đột trên Biển Đông. Theo ông, sự trỗi dậy của đất nước đông dân nhất thế giới đã làm nghiêng trạng thái cân bằng chiến lược và địa chính trị tại châu Á-Thái Bình Dương.

Trước tình thế rủi ro xung đột như hiện nay, ông Goh kêu gọi các quốc gia châu Á phải quản lý tranh chấp lãnh thổ bằng hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và không để chúng cản trở cơ hội phát triển kinh tế khu vực.

Để duy trì hòa bình, ông cho rằng các nước châu Á không nên có sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, dù sự cạnh tranh của hai nước này là không tránh khỏi. Theo ông, châu Á-Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cùng tồn tại hòa bình và giải quyết tranh chấp trên tinh thần xây dựng. Vì vậy, ông thúc giục Nhật Bản đóng vai trò xây dựng trong mối quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc và đồng minh Mỹ.

Với Singapore, ông mong muốn thúc đẩy xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở và toàn diện mà trong đó ASEAN giữ vai trò quan trọng, trung tâm. "Dù là một nước nhỏ, Singapore không chấp nhận lẽ phải thuộc về kẻ mạnh"-ông Goh tuyên bố.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết