15/05/2019 - 20:25

Biến đổi khí hậu làm gia tăng xung đột ở Trung Đông 

Sự ấm lên toàn cầu đang khiến Trung Đông bị ảnh hưởng một cách nặng nề. Theo đó, nhiệt độ vào mùa hè trên khắp khu vực dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi mức trung bình thế giới. Các đợt nắng nóng kéo dài cùng với tình trạng sa mạc hóa và hạn hán sẽ khiến nhiều khu vực của Trung Đông và Bắc Phi không có người sinh sống.

Một con mương không còn giọt nước ở Palestine. Ảnh: AP

Lấy ví dụ như tại Syria. Biến đổi khí hậu đã gây ra tình trạng hạn hán kéo dài, khiến nông dân ở vùng nông thôn đổ xô đến các trung tâm đô thị như Damascus và Aleppo, dẫn đến bất ổn chính trị quy mô lớn. Trong giai đoạn từ 2002-2010, thị dân nước này tăng đến 50%. Chính sự tuyệt vọng về kinh tế và di cư do biến đổi khí hậu đã tạo ra nhiều cuộc xung đột.

Không những vậy, biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao, gây ra tình trạng thiếu lương thực và  nước uống - nguồn cơn khác của một cuộc xung đột. Khi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn trên khắp Iraq và Syria, lực lượng này đã giành quyền kiểm soát các con đập cung cấp nước uống, điện và tưới tiêu cho hàng triệu người dọc theo sông Tigris và Euphrates. Và trong các cuộc giao tranh, các thành phố thánh địa như Karbala và Najaf rơi vào tình trạng thiếu nước. Ước tính, có hơn 23 triệu người sống ở lưu vực sông Tigris và Euphrates. Giới chuyên gia dự đoán do sự ấm lên toàn cầu, sông Tigris và Euphrates sẽ “biến mất trong thế kỷ này”, tạo ra cuộc xung đột đối với nguồn tài nguyên còn sót lại. Chính sự khan hiếm về lương thực và nguồn nước đã khiến nhiều người phải rời bỏ quê nhà, gây ra các cuộc chiến tranh và tạo cơ hội cho các nhóm cực đoan.

Hơn nữa, biến đổi khí hậu cũng có thể khiến các chính phủ Trung Đông cảnh giác trước các nước láng giềng. Thông thường, sự khan hiếm về tài nguyên tại một quốc gia có thể gây ra tình trạng bất ổn trên toàn quốc nhưng sự cạnh tranh về nguồn tài nguyên xuyên biên giới có thể dẫn đến chiến tranh. Tình trạng tại lưu vực sông Nile là một ví dụ đáng lo ngại. Từ năm 2011, Ethiopia đã khởi công xây dựng đập thủy điện Đại Phục hưng trong nỗ lực trở thành nhà xuất khẩu điện trong khu vực. Tuy nhiên, con đập này sẽ cắt dòng chảy xuôi xuống Ai Cập 25%. Cairo cho biết con đập này làm gián đoạn nguồn cung cấp nước cho gần 100 triệu người xứ kim tự tháp. Giới chức Ai Cập được cho từng cân nhắc triển khai hành động quân sự để giải quyết tranh chấp vào năm 2013. Và biến đổi khí hậu vốn có nguy cơ làm gián đoạn dòng chảy sông Nile sẽ khiến tình hình căng thẳng trở nên tồi tệ hơn.

Trên thực tế, một cuộc xung đột trực tiếp giữa các nước Trung Đông liên quan đến nguồn nước ít khi xảy ra, nhưng các cuộc chiến tranh ủy thác thì lại thường xuyên, hầu như bao trùm trong các cuộc nội chiến khu vực. Trong lịch sử, Syria hậu thuẫn cho đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm ly khai từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm buộc Ankara chia sẻ nguồn nước sông Euphrates cho Damascus. Gần như mỗi quốc gia tại Trung Đông, từ Morocco đến Iran đều chia sẻ nguồn nước cho một quốc gia láng giềng và nhiều nước rất ít  nguồn nước sạch để tự trang trải cho mình.

Trước thực trạng trên, giới chuyên gia kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ở Trung Đông nên tìm cách ngăn chặn xung đột do biến đổi khí hậu, bởi họ lo ngại những gì đã xảy ra ở Syria có thể lặp lại ở bất kỳ quốc gia Trung Đông nào.

TRÍ VĂN    (Theo Atlantic Council, Independent)

Chia sẻ bài viết