27/05/2023 - 22:06

Bị phơi nhiễm HIV, điều trị thế nào? 

Bài, ảnh: H.HOA

Phụ nữ đi làm đẹp không dùng dụng cụ riêng nếu không may bị chảy máu, đạp kim tiêm khi đi chạy bộ, quan hệ tình dục không an toàn (không có hoặc rách bao cao su) với bạn tình không rõ tình trạng HIV... là những tình huống phơi nhiễm HIV thường gặp. Vậy cần làm gì khi gặp những tình huống này?

BS Bùi Ngọc Phương Oanh, CDC Cần Thơ tập huấn về điều trị sau phơi nhiễm HIV (PEP) cho các bác sĩ, điều dưỡng...

Theo Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, các dạng phơi nhiễm thường gặp với nhân viên y tế: kim đâm xuyên da khi làm thủ thuật, tiêm truyền, lấy máu làm xét nghiệm chọc dò; vết thương do dao mổ và các dụng cụ sắc nhọn khác có dính máu hoặc dịch sinh học của người bệnh; tổn thương qua da do ống đựng máu hoặc dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào... Với người dân, tình huống phơi nhiễm HIV thường gặp: sử dụng chung bơm kim tiêm đối với người nghiện chích ma túy; quan hệ tình dục với người nhiễm HIV hoặc người không rõ tình trạng HIV hoặc bị hiếp dâm, cưỡng dâm…

Những trường hợp phơi nhiễm không có nguy cơ nhiễm HIV: tiếp xúc với nước tiểu, dịch nôn, nước bọt, dịch mồ hôi hoặc nước mắt nếu không chứa một lượng máu có thể nhìn thấy được. Trường hợp máu và dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành thì không có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Theo các bác sĩ, phơi nhiễm có nguy cơ nhiễm HIV là: Phơi nhiễm qua đường máu, qua da có vết thương hoặc trầy xước, hoặc qua đường niêm mạc (từ tinh dịch, dịch âm đạo, dịch trực tràng, sữa mẹ hoặc bất kỳ dịch nào của cơ thể có chứa lượng máu nhìn thấy được). Vị trí bị phơi nhiễm có thể là vùng da bị tổn thương, âm đạo, trực tràng, mắt, miệng hoặc niêm mạc. Tổn thương càng rộng và sâu thì nguy cơ phơi nhiễm HIV càng cao.

Với tổn thương da chảy máu: Rửa ngay vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng. Ðể vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương. Ở niêm mạc mắt: Rửa mắt bằng nước cất hoặc NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút. Niêm mạc miệng, mũi: Rửa hoặc súc miệng bằng nước cất hoặc NaCl 0,9% nhiều lần.

Theo BS Bùi Ngọc Phương Oanh, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC TP Cần Thơ, khi người dân có nguy cơ phơi nhiễm với HIV có thể đến các phòng khám ngoại trú ở 5 bệnh viện (Ða khoa TP Cần Thơ, Ða khoa Thốt Nốt, Ða khoa Ô Môn, Quân Y 121, Nhi đồng), Trung tâm Y tế Cái Răng và Trung tâm Y tế Bình Thủy để được khám, tư vấn, xét nghiệm và điều trị sau phơi nhiễm HIV (PEP). Từ đầu năm 2023 đến nay, Cần Thơ có 3 trường hợp điều trị PEP do tai nạn nghề nghiệp.

PEP, hay còn gọi là dự phòng sau phơi nhiễm, là việc sử dụng thuốc kháng virus HIV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người âm tính với HIV và đã phơi nhiễm với HIV.

Không chỉ định điều trị PEP trong trường hợp: người bị phơi nhiễm đã nhiễm HIV; nguồn gây phơi nhiễm được khẳng định là HIV âm tính; phơi nhiễm với các dịch cơ thể không có nguy cơ lây nhiễm như nước mắt, nước bọt, nước tiểu và mồ hôi; có phơi nhiễm liên tục với HIV như quan hệ tình dục thường xuyên với người nhiễm HIV hoặc gái bán dâm nhưng hiếm khi sử dụng bao cao su; người nghiện chích ma túy thường xuyên sử dụng chung bơm kim tiêm. Ngoài ra, nếu sau phơi nhiễm 72 giờ, không chỉ định điều trị PEP được.

Người có nguy cơ phơi nhiễm HIV sẽ được tư vấn và hỗ trợ tâm lý, xét nghiệm HIV ngay theo quy định. Ngoài ra có thể xét nghiệm antiHCV và HBsAg. Nếu xét nghiệm HIV dương tính: người bị phơi nhiễm đã nhiễm HIV từ trước, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị thuốc kháng virus (ARV) ngay. Nếu kết quả HIV âm tính, bác sĩ sẽ tư vấn lợi ích của điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP), tác dụng phụ của thuốc, tư vấn triệu chứng của nhiễm HIV cấp: sốt, phát ban, nôn, thiếu máu, nổi hạch... kê đơn thuốc PEP. Thời gian điều trị PEP đủ 28 ngày liên tục. Với phụ nữ và trẻ gái vị thành niên, bác sĩ tư vấn thử thai và uống thuốc tránh thai khẩn cấp càng sớm càng tốt trong 5 ngày đầu kể từ khi bị phơi nhiễm qua đường tình dục.

Người bị phơi nhiễm có thể làm lây truyền HIV cho người khác dù xét nghiệm HIV âm tính (thời kỳ cửa sổ). Vì vậy cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm. Không được hiến máu, quan hệ tình dục và tiêm chích an toàn, không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV. Xét nghiệm lại HIV sau 1 tháng và 3 tháng kể từ khi phơi nhiễm.

Ths Ðoàn Thị Kim Phượng, Phó Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC TP Cần Thơ, cho biết: Với tai nạn nghề nghiệp, sẽ được điều trị PEP miễn phí. Các trường hợp còn lại thì bác sĩ kê toa, người dân tự mua thuốc điều trị phơi nhiễm PEP.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
HIVCDC Cần Thơ