14/06/2010 - 22:05

Bỉ căng thẳng sau bầu cử

Chủ tịch N-VA Bart De Wever mừng thắng lợi đầu tiên của đảng. Ảnh: Reuters

Liên minh Flemish Mới (N-VA) của cộng đồng người Bỉ nói tiếng Hà Lan theo đuổi chủ trương chia tách đất nước đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 13-6. Đây là chiến thắng chưa từng có tiền lệ trong bầu cử Quốc hội Bỉ khi lần đầu tiên một phong trào theo chủ nghĩa dân tộc Flemish vượt qua các chính đảng truyền thống ở nước này.

Chủ tịch đảng N-VA, ông Bart De Wever, 39 tuổi, đã tuyên bố đảng N-VA giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất là 29,1%. Với kết quả này, đảng của ông Wever sẽ giành được từ 28-30 ghế trong Hạ viện 150 ghế và trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội Bỉ. Đây là thắng lợi bất ngờ của N-VA vì trong năm 2003, đảng này chỉ mới có 1 ghế trong Quốc hội, thậm chí không đề cử ứng viên trong cuộc bầu cử năm 2007.

Cuộc tổng tuyển cử diễn ra do sự đổ vỡ mới đây của liên minh đa đảng xung quanh bất đồng về việc điều chỉnh quy tắc bầu cử ở các địa phương. Theo thỏa thuận năm 1963 giữa cộng đồng nói tiếng Pháp và Hà Lan, bầu cử ở Brussels, khu vực song ngữ chính thức, được kết hợp với các hạt xung quanh vùng Flanders. Một số thị trấn ngoại ô Brussels thuộc vùng Flanders có đa số người nói tiếng Pháp, vì vậy, việc kết hợp bầu cử này có nghĩa là dân ở các thị trấn đó có thể bỏ phiếu cho các chính khách nói tiếng Pháp ở Brussels. Do đó, N-VA và các đảng nói tiếng Hà Lan (Flemish) khác muốn chia tách bầu cử ở các quận này, nhằm mục đích tạo thuận lợi cho chính khách nói tiếng Hà Lan.

Theo các nhà phân tích, N-VA giành thắng lợi là do ông Wever có lập trường ôn hòa hơn và tự tạo khoảng cách với xu hướng bài ngoại của đảng Vlaams Belang (Lợi ích Flemish) cực hữu, vốn đòi độc lập cho Flanders bằng “một cuộc cách mạng”. N-VA cũng chủ trương thúc đẩy độc lập cho Flanders, nhưng theo tiến trình cải cách từ từ. Kết quả bầu cử cho thấy Vlaams Belang mất hơn 1/3 số cử tri ủng hộ, đa phần chuyển sang N-VA.

Tuy nhiên, N-VA khó có thể nhanh chóng thành lập chính phủ do chế độ bầu cử ở Bỉ yêu cầu liên minh cầm quyền phải gồm ít nhất 4 đảng, đồng thời đưa ra một kế hoạch khắc khổ để kiềm chế gia tăng nợ quốc gia. Vấn đề quan trọng nhất là sẽ có bao nhiêu chính đảng tham gia đàm phán liên minh và chưa rõ ai sẽ trở thành thủ tướng. Các nhà phân tích cho rằng vị trí đứng đầu chính phủ có thể thuộc về Chủ tịch đảng Xã hội Elio Di Rupo, hiện là thị trưởng thành phố Mons ở khu vực Wallonia. Nếu kết hợp cả khu vực Wallonia và Brussels, thì đảng Xã hội giành được tới 36% phiếu bầu, so với khoảng 29% phiếu ủng hộ N-VA ở Flanders. Ông De Wever cũng cho rằng có thể chấp nhận để ông Rupo trở thành thủ tướng nói tiếng Pháp đầu tiên của Bỉ kể từ năm 1974, nhưng chính phủ mới phải trao quyền hành và dành ngân sách nhiều hơn cho các khu vực.

Sau 180 năm tồn tại, Bỉ hiện có 6,5 triệu người nói tiếng Hà Lan và 4 triệu người nói tiếng Pháp. Hai cộng đồng ngày càng hoài nghi lẫn nhau và mỗi bên đều có chính đảng, đài truyền hình và tờ báo riêng. Các đảng Flemish muốn tách vùng Flanders để giảm gánh nặng trợ cấp cho vùng nghèo khó Wallonia, trong khi người nói tiếng Pháp lo sợ mất sự bảo đảm an sinh xã hội từ chính quyền liên bang.

Những diễn biến trên gây rắc rối cho Brussels khi Bỉ sắp đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) khoảng hơn 2 tuần nữa. Quá trình đàm phán liên minh mới có thể phải mất vài tháng, nên nguy cơ là Bỉ sẽ lắp ráp chính phủ lỏng lẻo như từng diễn ra vào năm 2007. Khi đó, sau tổng tuyển cử, các chính đảng mất gần 9 tháng để thành lập chính phủ liên hiệp. Giới phân tích cho rằng việc thành lập liên minh cầm quyền ở Bỉ không thể kéo dài do nước này cần sớm giải quyết mức nợ công đang lên mức báo động với dự kiến vượt 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, mức cao thứ ba ở châu Âu, chỉ sau Hy Lạp và Ý.

N. MINH (Theo WSJ, BBC, Guardian)

Chủ tịch N-VA Bart De Wever mừng thắng lợi đầu tiên của đảng. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết