29/05/2021 - 22:27

Belarus thắt chặt gần hơn với Nga 

Chuyến thăm Nga hôm 28-5 của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko được cho sẽ thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn giữa 2 nước trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ lần lượt áp đặt lệnh trừng phạt Belarus vì “sự cố” hôm 23-5.

Tổng thống Lukashenko  (trái) và ông  Putin trong cuộc gặp ngày 28-5 ở thành phố miền Nam Sochi của Nga. Ảnh: AP

Tổng thống Lukashenko  (trái) và ông  Putin trong cuộc gặp ngày 28-5 ở thành phố miền Nam Sochi của Nga. Ảnh: AP

Ông Lukashenko thăm Nga và gặp Tổng thống Vladimir Putin tại thành phố Sochi trên bờ Biển Ðen. Ðây là chuyến công du Nga lần thứ ba của ông Lukashenko từ đầu năm đến nay, điều này cho thấy nhà lãnh đạo Belarus đang ngày càng thắt chặt gần hơn trong quan hệ với Nga. Chuyến đi lần này đã được lên kế hoạch trước khi xảy ra “sự cố” hôm 23-5, nhưng các đòn trừng phạt của phương Tây đã thúc giục ông Lukashenko tìm kiếm sự viện trợ lớn hơn từ phía Tổng thống Putin.

Đồng thanh tương ứng

Hôm 23-5, một máy bay chở khách của Hãng hàng không Ryanair (Ireland) đang trên hành trình từ Athens (Hy Lạp) đến Vilnius (Litva) đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường ở Minsk sau khi phi hành đoàn nhận được thông báo có thiết bị nổ trên máy bay. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, các chuyên gia chất nổ không phát hiện vật thể khả nghi nào, nhưng đã phát hiện trong danh sách hành khách có người đồng sáng lập kênh truyền hình Nexta Romat Protasevich mà chính quyền Belarus đã truy nã hồi năm ngoái vì cáo buộc phạm nhiều tội danh, trong đó có tổ chức bạo động quy mô lớn. Nhà chức trách Belarus đã bắt giữ nhà hoạt động chính trị đối lập 26 tuổi này.

Trong cuộc gặp với ông Putin, Tổng thống Lukashenko cho biết ông có mang theo các tài liệu mật đáng tin cậy về vụ khống chế máy bay dân sự của Ryanair, qua đó giúp Nga hiểu rõ hơn điều gì đã xảy ra. Ông Lukashenko đồng thời chỉ trích kịch liệt các biện pháp trừng phạt của EU, cho rằng mục tiêu của hành động này là một thủ đoạn tái kích hoạt làn sóng biểu tình chống chính phủ của phe đối lập như những gì diễn ra hồi tháng 8 năm ngoái sau cuộc bầu cử gây tranh cãi. “Ðó là một âm mưu làm bất ổn tình hình như tháng 8 năm ngoái”, ông Lukashenko nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo 66 tuổi cũng nhắc đến đòn cấm vận của EU đối với Belavia là một hành động “ghê tởm”, bởi hãng hàng không này của Belarus từng giúp di tản hàng ngàn du khách châu Âu và Mỹ bị mắc kẹt tại nhiều nơi khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Tổng thống Putin cảm thông với ông Lukashenko về vụ việc trên, cho rằng phương Tây từng có hành động tương tự vào năm 2013 nhưng không thấy sự phản ứng nào. Năm đó, máy bay chở Tổng thống Bolivia Evo Morales buộc phải đáp xuống Vienna (Áo) do nhiều nước châu Âu từ chối cho máy bay này đi qua không phận nước họ. Các nước này nghi ngờ trên máy bay chở Edward Snowden, cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh Mỹ đã tiết lộ thông tin về chương trình do thám của Chính phủ Mỹ. Ông Snowden đang sống tị nạn tại Nga nhằm tránh bị Mỹ truy tố. “Có một lần họ buộc máy bay của Tổng thống Bolivia phải hạ cánh và kéo ông ấy ra khỏi máy bay, rồi không có gì, im lặng”, nhà lãnh đạo Nga nói với ông Lukashenko về hành động của châu Âu năm 2013. Ông Putin cũng “đồng thanh tương ứng” với ông Lukashenko rằng phản ứng cứng rắn của phương Tây sau vụ ép máy bay của Ryanair hạ cánh tại Minks là “một cảm xúc bộc phát”. Trước khi ông Putin thể hiện quan điểm về vụ việc trên, các nhà lãnh đạo khác của Nga đã lên tiếng ủng hộ Belarus và lên án các biện pháp trừng phạt của châu Âu.

Đồng khí tương cầu?

Ông Putin được cho là đồng minh gần gũi của Tổng thống Lukashenko. Theo Hãng tin Reuters, Mát-xcơ-va xem nước láng giềng 9,5 triệu dân Belarus là vùng đệm có tầm quan trọng chiến lược. Hai nước đã ký thỏa thuận thành lập Nhà nước Liên minh cách đây hơn 20 năm và những năm qua đã đẩy mạnh các cuộc đàm phán thắt chặt liên kết về chính trị, kinh tế và quân sự. Nga đã hỗ trợ kinh tế cho Belarus bằng nguồn cung năng lượng giá rẻ và các khoản vay ưu đãi. Trong bối cảnh bị phương Tây cấm vận và những khó khăn từ đại dịch COVID-19, ông Lukashenko thừa nhận Belarus cần sự viện trợ từ Nga nhằm tránh cho nền kinh tế đổ vỡ.

Trong quá khứ, theo Hãng tin AP, ông Lukashenko đã cố gắng sử dụng phương Tây nhằm chống lại ảnh hưởng Nga, qua đó làm tăng triển vọng thúc đẩy châu Âu và Mỹ hợp tác, viện trợ cho Belarus. Giới phân tích nhận định ông Lukashenko có những bước đi như vậy nhằm làm giảm sức ép từ Nga muốn Belarus nới lỏng quyền kiểm soát các tài sản kinh tế quốc gia mà mục đích cuối cùng sẽ khiến nước này mất quyền tự chủ. Tuy nhiên, chiến thuật của ông Lukashenko đã không thể kéo dài khi phương Tây ra đòn trừng phạt mạnh tay trước hành động trấn áp làn sóng biểu tình của chính quyền Belarus hồi tháng 8 năm ngoái.

Tình thế khó khăn hiện nay có thể buộc Belarus ngả hẳn về đồng minh Nga và ắt sẽ làm phương Tây lo lắng. Tuy nhiên, trong phát biểu mở đầu cuộc thảo luận với ông Lukashenko, Tổng thống Putin tuyên bố Nga và Belarus đang làm sâu sắc Nhà nước Liên minh một cách “nhất quán, không vội vàng, theo từng giai đoạn”. Các chuyên gia chính trị Nga cũng đánh giá giới lãnh đại Ðiện Kremlin đang vẫn phân vân về cái giá mà Mát-xcơ-va hậu thuẫn cho Minsk. Konstantin Kalachev, chuyên gia chính trị tại Mát-xcơ-va, nhận xét: “Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng ông Lukashenko đang bắt Mát-xcơ-va làm con tin. Cảm giác bên trong Ðiện Kremlin là lo lắng: bạn không thể không ủng hộ ông ấy, nhưng bạn cũng không thể ủng hộ ông ấy”. Nói chung, phần lớn giới tinh hoa Nga vẫn nghi ngại về chiến thuật chính trị của ông Lukashenko và không chắc nhà lãnh đạo này có “đồng khí tương cầu” với Nga hay không.

 Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 28-5 cho biết lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ nhắm tới 9 công ty nhà nước của Belarus, cũng như các thành viên chủ chốt trong nội các của Tổng thống Lukashenko. Các lệnh trừng phạt này sẽ có hiệu lực từ ngày 3-6 tới. Ngoài ra, bà Psaki cho biết Nhà Trắng cũng đưa ra cảnh báo đi lại tới Belarus đối với công dân Mỹ, đồng thời khuyến cáo các máy bay thương mại Mỹ cần thận trọng khi cân nhắc bay qua không phận của quốc gia Đông Âu này. Nhà Trắng còn nêu rõ Bộ Tư pháp Mỹ cùng Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang hợp tác với các đối tác châu Âu để điều tra sự việc trên. Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng đã quyết định mở cuộc điều tra về việc Belarus chuyển hướng máy bay thương mại của Hãng Ryanair.

ÐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết