20/02/2008 - 22:53

Bế tắc hành trình tìm vắc-xin chống AIDS

Các nhà khoa học vẫn chưa thể tạo ra bước đột phá trong công cuộc phát triển vắc-xin phòng chống HIV/AIDS sau gần 25 năm dày công nghiên cứu.

Giáo sư Baltimore. 

Nhận định trên là của giáo sư David Bal-timore, Chủ tịch Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học (AAAS) của Mỹ. Là một trong những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu HIV, ông từng đoạt giải Nobel Y học năm 1975 nhờ đồng khám phá ra chất transcriptase, một en-dim mà sau đó các nhà khoa học phát hiện chính HIV sử dụng nó để sao chép trong tế bào người.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên của AAAS ở thành phố Boston mới đây, giáo sư Baltimore cho rằng hiện tại giới khoa học không tiến xa hơn trong việc phát triển vắc-xin chống HIV/AIDS so với thời điểm vi-rút này được phát hiện lần đầu tiên ở người năm 1984. “Sự thất bại này không thể chấp nhận được. Vài năm trước, tôi từng cảnh báo cộng đồng cần có các biện pháp mới”, ông Baltimore nói. Theo ông, cuộc chiến chống lại căn bệnh AIDS không thể bỏ dỡ nhưng có ít hy vọng thành công.

 Kiểm tra sức khỏe bệnh nhân AIDS ở Kenya. Ảnh: AP

Nhuệ khí của giới nghiên cứu đã suy giảm sau khi dự án thử nghiệm vắc-xin chống HIV trên diện rộng kéo dài 10 năm qua được kỳ vọng sẽ thành công đã không đạt được kết quả. Chưa hết, theo kết quả thử nghiệm trên 6.000 phụ nữ ở Nam Phi, gel bôi âm đạo đầu tiên – được phát triển với hy vọng có thể bảo vệ chị em không bị lây HIV qua đường tình dục - tuy an toàn nhưng không thể ngăn ngừa sự lây nhiễm.

HIV hoàn toàn không giống các loại vi-rút khác mà trong 2 thế kỷ qua giới khoa học đã bào chế được vắc-xin để phòng chống. Vi-rút nguy hiểm này có khả năng biến đổi liên tục để “đánh lừa” hệ miễn dịch cơ thể. Theo giáo sư Baltimore, “đây là một thách thức rất lớn bởi để kiểm soát được căn bệnh xuyên thế kỷ này, giới khoa học cần thắng được thiên nhiên, phải làm được điều gì đó mà thiên nhiên, với 4 tỉ năm biến đổi, cũng không thể làm được”.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới hiện có tổng cộng 33,2 triệu người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, khu vực bị HIV/AIDS tấn công nhiều nhất là cận sa mạc Sahara (châu Phi) với 22,5 triệu người, kế đến châu Á (4,9 triệu), Bắc Mỹ/Tây và Trung Âu (2,1 triệu), Đông Âu/Trung Á (1,6 triệu),  Mỹ La- tinh (1,6 triệu), Trung Đông /Bắc Phi (0,38 triệu), vùng Caribbe (0,23 triệu), châu Đại dương (0,075 triệu).

Tuy chưa gặt hái được thành công như mong đợi nhưng các nhà khoa học vẫn lạc quan. Giáo sư Quentin Sattentau thuộc Đại học Oxford (Anh) thừa nhận: “Có thể chúng ta sẽ không tìm ra vắc-xin trị căn bệnh thế kỷ. Nhưng điều này không có nghĩa chúng ta sẽ ngừng nghiên cứu”. Trong khi đó, Deborah Jack, giám đốc Quỹ nghiên cứu vắc-xin phòng chống AIDS của Anh cho rằng không lý do gì để bỏ cuộc. Ông Jack nói: “Chúng ta nên nhớ là y học mất 47 năm để tạo ra vắc-xin ngừa bại liệt và 42 năm cho vắc-xin phòng chống bệnh thủy đậu”.

Cho tới nay, tất cả nỗ lực nhằm kiểm soát HIV bằng kháng thể hoặc bằng cách tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể người đều thất bại. Hiện tại, các nhà khoa học đang tập trung liệu pháp gien và tế bào gốc, mặc dù những kỹ thuật này vẫn còn trong giai đoạn phôi thai. “Chúng ta chỉ còn một cách duy nhất là thay đổi gien trong tế bào gốc”, theo giáo sư Baltimore.

T.H (Theo BBC)

 Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Phát triển Xã hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng thông tin trên không “gây sốc” cho những người đang tham gia vào công cuộc phòng chống HIV, cũng như với những người đang chung sống với HIV, “vì thực sự 25 năm qua chúng ta vẫn chưa có vắc-xin”. Có vắc-xin sẽ giúp ngăn ngừa tốt hơn việc lây truyền HIV từ người sang người, “nhưng với những người đang chung sống với HIV thì hiệu quả của thuốc kháng vi-rút mới là điều quan trọng”. Bà nhấn mạnh thế giới và Việt Nam đã có thuốc kháng vi-rút mà trên thực tế đã được ứng dụng hiệu quả trong việc đảm bảo sức khỏe và kéo dài cuộc sống cho những người hiện chung sống với HIV.

Theo Tiến sĩ Hồng, Việt Nam vẫn không bó tay và hy vọng sẽ tìm được những giải pháp khắc phục được tác hại của HIV, trong đó có việc làm sao có thể tiếp tục nâng cao được hiệu quả của thuốc kháng vi-rút để giúp những người có HIV chống lại bệnh tật.

(TTXVN)

Chia sẻ bài viết