Truyện ngắn: NHẬT HỒNG
Tôi theo chân anh Hai Tâm, đi theo bờ nhãn dưới tán lá xanh um tùm. Nhãn đến độ ra hoa, trắng xóa, mùi thơm đượm mật dìu thoảng trong không khí. Càng đi, càng thấy say mê mùi hương đặc biệt của miệt vườn mà tôi đã bỏ lại sau lưng nhiều năm. Công việc ở thành phố đã quấn lấy tôi không rời ra được, ít khi về quê thăm vườn của nội.
Anh Hai Tâm nói:
-Nay dẫn em coi vườn nhãn và đến nhà thờ nội cho em nhìn báu vật.
Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn theo đến phía cuối cái bờ nhãn có căn nhà cửa đóng then gài. Anh Hai tôi nói:
-Ngày nào anh cũng tới đây, mà ít khi mở cửa, cần quét dọn mới mở còn không thì thôi. Mỗi lần đi vườn ngang qua anh nhón gót dòm coi bên trong nhà có ai phá phách gì không rồi đi.
Tôi nóng lòng nên hỏi:
-Thì chuyện nhà thờ em biết rồi, lúc còn ở đây em cũng hay đến. Nhưng mà báu vật là sao, trước giờ em chưa nghe nói?
Anh hai nói:
-Từ từ, tại vì anh cũng mới biết về báu vật của nội. Xưa trước khi ông nội qua đời có để lại cái rương, nhưng trong chiến tranh không chỗ nào là yên ổn nên ông nội giao cho cô Út giữ, trong một lần tránh giặc càn, lúc cấp bách cô Út lại gởi cho một người thân với ông nội. Người đó lại về miệt Cà Mau sinh sống. Trong lúc di chuyển ông cứ ngỡ đã làm thất lạc cái rương của nội nên không dám liên hệ cô Út. Chuyện đó ông vẫn canh cánh và trong những lúc bệnh nặng ông dặn con cháu gặp cô Út nói lời xin lỗi. Ngờ đâu mấy năm sau khi ông mất, gia đình ông mới trở về nhà cũ ở miệt này, thu dọn lại thì thấy cái rương. Con cháu ông tìm giao lại cho cô Út, cô chuyển cho anh để trong nhà thờ này. Anh chờ em về để cùng mở.
Ông nội ngày xưa đi làm cách mạng, năm 1930, ông tham gia cuộc biểu tình chống cường hào ác bá, đòi trả tự do cho những người bị bắt. Khởi đầu cuộc biểu tình, từ Thới Lai chuyển dần ra Ô Môn, đoạn đường này dài chín cây số, càng đi số người tham gia càng đông. Nội là người hăng hái nhứt, đi đầu, ông mặc bộ đồ bà ba đen bạc màu, đầu thì đội "khăn khất" (chiếc khăn rằn khi thì quấn cổ, khi thì bịt trên đầu, lối bịt như chiếc khăn đóng, thời bấy giờ gọi là bịt khăn khất). Khi ra tới quận lỵ Ô Môn, đám lính làng chặn ngang và chụp đầu ông nội, ông lẹ làng thụt xuống, thằng lính chỉ nắm được chiếc khăn. Ông lòn qua phía khác tiếp tục hô to các khẩu hiệu. Lần này ông nội bị thằng lính to con nắm áo, ông vuột áo tiếp tục đấu tranh. Tới trưa thì cuộc biểu tình lắng xuống, ông về nhà với tấm lưng trần. Cũng nhờ vậy giặc không nhận ra ông là ai và ở đâu. Sau đó, ông nội vô đồn điền Cờ Đỏ tham gia cách mạng.
***
Khi anh tôi mở cửa ngôi nhà thờ, không gian nơi đây trang nghiêm khiến tôi nhớ nét cương nghị rắn rỏi của nội. Tôi mở toang các cánh cửa để hương nhãn tràn vào nhà. Chính giữa là bàn thờ ông tôi có di ảnh họa lại trong bộ khăn đóng áo dài, bà nội thì trong bộ áo dài, hai bên là thờ bác, cô, chú. Cô và chú tôi hy sinh ở tuổi mười chín hai mươi trong thời kỳ đánh Pháp và bác tôi mất ở tuổi trung niên, thời đánh Mỹ. Một sợi dây vô hình níu kéo tôi về với hình ảnh nội tôi và những câu chuyện kể về ông.
Anh hai khệ nệ bưng chiếc rương từ trong tủ ra để giữa nhà. Chiếc rương bị bao phủ một lớp bụi xám xịt. Anh hai tôi phủi bụi và tìm cách mở móc khóa. Nắp rương được bật ra, tôi nhận ra manh đệm bàng được xếp cẩn thận vuông vắn, bên trên là chiếc khăn rằn màu trắng đen đã thẫm màu, chỉ còn có thể nhận ra những ô vuông trắng đen phủ màu vàng đục. Anh hai tôi cẩn thận lôi ra từng món, sợ rệu rã trước ánh nắng. Anh nói:
-Đây là chiếc nóp nội dùng để ngủ. Thời đó chiếc nóp này phổ biến vì nó tiện lợi vô cùng, khi ngủ thì banh ra chui vô, khi thức dậy xếp làm đôi rồi quấn tròn xỏ khăn đeo lên lưng như ba lô. Còn đây là chiếc khăn của nội, dùng bịt trên đầu, đêm ngủ đắp bụng cho ấm, ngày làm quai nóp.
Thấy tôi ngỡ ngàng mân mê cái nóp bằng đệm bàng, anh hai tôi giải thích thêm:
-Thực ra cái này là chiếc đệm, ngày xưa người ta làm ra để phơi lúa, phơi cá... Nhưng nông dân nhập lại làm hai rồi chừa cái lề, gọi là làm miệng nóp, dùng cây lẹm xỏ bằng chỉ gai may bít hai đầu chỉ chừa miệng dài bằng thân người, gọi là miệng nóp, khi chun vô ngủ người ta lăn qua đè miệng nóp xuống dưới lưng, đừng cho muỗi vô, an toàn, ấm áp ngủ tới sáng dù cho mưa gió bên ngoài. "Ngủ nóp ghiền luôn"- nhiều người nói như vậy!
Nhìn những kỷ vật này, tôi nhớ đến cây "tầm vông vạt nhọn" của nội. Ba má tôi kể nội vào đám tầm vông hàng trăm cây, lựa chỉ được vài cây thật già và suôn đuột để có hai đầu bằng nhau. Sau khi gọt mắt tầm vông xong, nội tôi mới dùng lưỡi mác bén vạt hai đầu nhọn như lưỡi giáo. Đầu vạt nhọn bén lắm, chiều chiều được nội tôi cùng đồng đội tập đi đường roi bằng cây tầm vông và cách đánh cận chiến (xáp lá cà). Cây tầm vông qua tập luyện trở thành vũ khí vô cùng lợi hại của nội tôi, có thể dùng thế 1 đánh 5 khi đối đầu cận chiến với giặc. Khi nội qua đời, ba má đã cất cây tầm vông của ông cẩn thận, đi tản cư bất cứ nơi đâu cũng đem theo, có lần ba cất cây tầm vông trên vách nhà, nhà bị bom cháy rụi, kỷ vật cũng cháy theo.
Tôi nhìn những kỷ vật của nội, không kềm được nước mắt tự dưng chảy xuống má. Tôi bùi ngùi đưa tay vuốt thật nhẹ lên chiếc nóp, nhẩm tính: thời gian năm 1930 - 1940 giờ cùng hơn nửa thế kỷ rồi còn gì. Vật của nội còn đây, dù bụi có bám đầy, có bị mục nhưng vẫn quý giá trên đời.
Tôi ngơ ngẩn, đã từng học qua đại học, nghiên cứu đề tài khoa học, tự cho mình thông minh, nhưng lại mịt mờ với những kỷ vật gia tộc để lại. Tôi đã nghe vài lần về "chiếc nóp quê hương", về "tầm vông vạt nhọn" những ngày đầu của phong trào cách mạng, nhưng nghe mà không một chút để ý. "Nóp với giáo mang ngang vai, nhưng thân trai nào kém oai hùng…", lời bài hát của Tạ Thanh Sơn đã làm rung chuyển trời Nam thời ấy, nhưng giờ bọn tôi mấy ai để ý.
May nhờ có anh hai mở rương cho tôi xem tận mắt chiếc nóp, chớ không tôi không hiểu hết về nó và những người đi trước. Lòng tôi như được rót đầy thêm ký ức quê hương đất nước một thuở hào hùng.