24/03/2019 - 08:52

Bầu cử Thái Lan và tiếng nói của người trẻ 

Hôm nay 24-3, Thái Lan tiến hành cuộc tổng tuyển cử với hơn 50 triệu cử tri đi bỏ phiếu để bầu ra chính quyền dân sự mới kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014.

Lãnh đạo FFP Thanathorn. Ảnh: SIPA USA

Lãnh đạo FFP Thanathorn. Ảnh: SIPA USA

Người Thái sẽ bỏ phiếu cho 500 ghế trong Hạ viện, trong khi 250 ghế thượng nghị sĩ do Ủy ban Vì Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) chỉ định. Thủ tướng mới sẽ do Quốc hội bầu chọn. Theo luật bầu cử hiện hành, một đảng hoặc liên minh muốn giành thắng lợi phải đạt ít nhất 376 phiếu, tức ứng viên trở thành thủ tướng khi giành được ít nhất 376 phiếu ủng hộ từ lưỡng viện. Kể cả khi Thượng viện dồn phiếu ủng hộ cho một ứng viên, người này cần ít nhất 126 phiếu ở Hạ viện để là lãnh đạo tiếp theo của Thái Lan. Với tỷ lệ thanh thiếu niên 18-25 tuổi chiếm khoảng 15% trong số gần 52 triệu cử tri đủ điều kiện đi bầu, giới phân tích cho biết lựa chọn của giới trẻ có thể mang tính quyết định đối với tương lai xứ sở Chùa Vàng.

Một trong những lý do người Thái trẻ tuổi đi bỏ phiếu là muốn khôi phục các quyền tự do dân chủ mà nhiều người cho là đã bị “bào mòn” trong những năm qua. Cuộc đảo chính do quân đội tiến hành năm 2014 đã chấm dứt nhiều tháng biểu tình bạo lực trên đường phố, dẫn đến chính quyền của cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bị lật đổ. Chính quyền quân sự dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sau đó ổn định tình hình chính trị, nhưng cũng dấy lên tranh cãi khi nhiều người Thái đang thất vọng trước cam kết của ông Prayut nhằm khôi phục chế độ dân chủ dân sự.

Theo một nhà văn 26 tuổi ở Thủ đô Bangkok, rất nhiều người đã mệt mỏi trước cách đất nước vận hành hơn 5 năm qua và người trẻ như họ chỉ muốn ra ngoài, thể hiện sự không hài lòng bằng cách bỏ phiếu vào thùng. Lắng nghe thông điệp này từ thanh thiếu niên, những gương mặt trẻ tuổi mới nổi trong kỳ bầu cử lần này đang được kỳ vọng tạo làn gió mới trên chính trường Thái Lan sau nhiều năm dưới kiểm soát của chính quyền quân sự.

Cuộc bầu cử có sự tham gia của 81 đảng. Trong 3 đảng lớn nhất và được ủng hộ nhiều nhất tại Thái Lan thì Palang Pracharat với ứng viên là đương kim Thủ tướng Prayut xếp thứ 3, sau đảng đối lập Vì nước Thái (Pheu Thai) của cựu Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra và đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abishi Vejjajiva. Dự kiến, kết quả bầu cử sẽ được công bố vào ngày 9-5. Là đảng chính trị lâu đời nhất ở Thái Lan và đối thủ lịch sử của Pheu Thai, giới phân tích cho biết đảng Dân chủ có thể đóng vai trò quyết định khi được dự đoán về thứ 2 trong cuộc tổng tuyển cử. Đảng này trước đó đã loại trừ khả năng liên minh với đảng Pheu Thai nhưng cũng không chấp nhận ông Prayut duy trì quyền lực. Ông Abishi cho biết mục tiêu của họ là trở thành lực lượng nòng cốt trong chính phủ tiếp theo. Là một trong những ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ, Parit Wacharaindhu, 26 tuổi, đang thúc đẩy chính sách lớn nhất của đảng hiện nay: giải quyết “thất bại” của chính phủ quân sự trong lĩnh vực kinh tế, khôi phục các quyền tự do dân sự và bài trừ nạn tham nhũng. Từng tốt nghiệp Đại học Oxford và là cháu trai cựu Thủ tướng Abishi, ông Parit còn đồng sáng lập tổ chức “New Dem” khuyến khích thế hệ chính trị gia và cử tri trẻ tham gia bầu cử.

Một thế lực mới nổi, đảng Future Forward (FFP) thành lập giữa năm 2018, cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới trẻ thông qua các chính sách tiến bộ, chiến dịch truyền thông xã hội khôn khéo. Chủ tịch đồng thời là ứng viên thủ tướng duy nhất của đảng là nhà tài phiệt Thanathorn Juangroongruankit, 40 tuổi. Chủ trương không mặc cả với bất kỳ đảng chính trị nào để lập chính phủ liên minh, chính sách của FFP tập trung vào thay đổi hiến pháp do quân đội soạn thảo, cắt giảm ngân sách quốc phòng, tăng tính minh bạch của chính phủ và củng cố các thể chế dân chủ. Theo ông Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, đảng FFP là mô hình chính trị chưa từng thấy trước đây với yếu tố cấp tiến và ủng hộ kinh doanh. Các nhà phân tích dự đoán sự ủng hộ đối với FFP có thể được chuyển thành ảnh hưởng chính trị thực sự bởi đảng này được coi như bước ngoặt trên chính trường Thái Lan vốn bị chi phối bởi những gương mặt cũ trong hơn 30 năm qua. Mặc dù được tiếp thêm sức mạnh với đảng quần chúng mới nổi, nhưng người Thái trẻ tuổi cũng thận trọng trước khả năng cuộc bầu cử thay đổi tình trạng xung đột và phân cực ở đất nước này hàng chục năm qua.

MAI QUYÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết