06/11/2011 - 20:08

"Bắt mạch" cho du lịch vùng ĐBSCL

Du khách nước ngoài khám phá tour “du lịch miệt vườn” ở Bến Tre.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hệ thống sông ngòi chằng chịt, đường bờ biển dài 700km; có các cửa khẩu quốc tế, quốc gia với Campuchia gắn kết với các nước tiểu vùng sông Mekong rất thuận lợi cho việc giao thương và phát triển du lịch. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng du lịch còn yếu kém, đầu tư dàn trải, nhiều dự án kéo dài, sản phẩm du lịch đơn điệu, nên tiềm năng du lịch vẫn chưa được đánh thức.

* Cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém

Vùng ĐBSCL được đánh giá có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch. Các hệ sinh thái tiêu biểu có giá trị du lịch ở ĐBSCL như hệ sinh thái đất ngập nước (Đồng Tháp Mười) với hệ thống sông ngòi dày đặc, hệ sinh thái rừng ngập mặn (Cà Mau), hệ sinh thái rừng tràm (U Minh Thượng, U Minh Hạ) và hệ sinh thái biển - đảo (Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc), nhiều bãi biển đẹp (ở Hà Tiên, Phú Quốc), cù lao trên sông... có sức hấp dẫn rất lớn với khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, truyền thống văn hóa đặc sắc vùng Tây Nam bộ (đờn ca tài tử, các lễ hội văn hóa-lịch sử...) cũng là điều kiện để phát triển du lịch văn hóa-lịch sử của vùng.

Theo Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2001-2010, vùng ĐBSCL có 56 dự án đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng (CSHT) du lịch, tổng vốn gần 2.362 tỉ đồng. Trong đó, gần 70% nguồn vốn đầu tư vào các khu du lịch, 30% đầu tư vào các CSHT du lịch khác như: điện, nước, cảng du lịch, hệ thống xử lý rác thải... Tỉnh có dự án đầu tư nhiều nhất là Cà Mau với 11 dự án (vốn 587,18 tỉ đồng), Hậu Giang 7 dự án (vốn gần 382 tỉ đồng), Bạc Liêu 1 dự án (259 tỉ đồng), Kiên Giang 5 dự án (131,2 tỉ đồng), Đồng Tháp 4 dự án (105 tỉ đồng)... Bên cạnh kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, các tỉnh vùng ĐBSCL đã huy động được các nguồn vốn của các thành phần kinh tế để xây dựng hạ tầng du lịch, với tổng vốn huy động 500 triệu USD và 491,5 tỉ đồng đầu tư các dự án du lịch trọng điểm... Tuy nhiên, số các dự án được triển khai và đi vào hoạt động còn ít, nhiều công trình còn kéo dài, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư CSHT du lịch chỉ đáp ứng một phần và địa phương không bố trí bổ sung được nguồn vốn. Toàn vùng đến nay chỉ 4 địa phương (TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Bến Tre, Kiên Giang) thu hút được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, với 5 dự án, vốn đăng ký là 21,88 triệu USD. Các dự án chủ yếu đầu tư phát triển hệ thống khách sạn và resort cao cấp, bình quân mỗi dự án khoảng 4,38 triệu USD - so với mức đầu tư trung bình dành cho khu resort và khách sạn cao cấp khoảng 25 triệu USD thì mức vốn này không đáng kể.

Ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Tỉnh chủ trương khai thác biển để làm du lịch sinh thái, phát huy lợi thế du lịch và chỉ kết nối tua với các doanh nghiệp lữ hành ở TP Hồ Chí Minh, một số địa phương trong vùng, nhưng không hiệu quả”. Theo đánh giá của Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, mời gọi đầu tư hạ tầng du lịch gặp nhiều khó khăn, đến nay chưa có dự án du lịch quy mô lớn đầu tư. Các sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, chưa thật sự thu hút được các tập đoàn, các nhà đầu tư lớn. Thêm vào đó, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; các khu, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng và cơ sở lưu trú còn hạn chế, ảnh hưởng đến thời gian và thời lượng chương trình tour của các hãng lữ hành.

* Khơi tiềm năng

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2011, các địa phương trong vùng đã đưa ra 88 danh mục dự án mời gọi đầu tư vào du lịch tại Hội thảo xúc tiến đầu tư hạ tầng du lịch ĐBSCL tổ chức giữa tháng 9-2011 ở TP Hồ Chí Minh. Tại hội thảo này, các đại biểu tham dự nhận định, CSHT du lịch của vùng chưa được đầu tư đồng bộ, trong khi các địa phương thiếu liên kết để quảng bá, mời gọi đầu tư. Do vậy, để đánh thức tiềm năng du lịch của vùng, cần liên kết và có bước đột phá trong mời gọi đầu tư CSHT du lịch cho vùng.

Trong giai đoạn 2001-2010, thu hút lượng khách du lịch trong và ngoài nước của ĐBSCL tăng trưởng trung bình 16,4 %/năm. Năm 2010, du lịch ĐBSCL đã đón trên 9,23 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế trên 1,2 triệu lượt khách); tổng doanh thu đạt 1.993 tỉ đồng. Khách du lịch quốc tế đến vùng chủ yếu là các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Tây Âu, Bắc Mỹ và các nước ASEAN (chủ yếu là Campuchia, Thái Lan). Nếu so sánh về mặt số học thì lượt khách và doanh thu ngành du lịch của vùng còn khiêm tốn. Theo nhận định của các chuyên gia, phần lớn các địa phương trong vùng đều đưa ra sản phẩm du lịch sinh thái vườn, du lịch sinh thái biển na ná nhau, việc tiếp thị hình ảnh địa phương chưa được thực hiện bài bản, dịch vụ đi kèm yếu và thiếu, nên lượng khách lưu trú không cao.

Theo Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2011-2015, trên cơ sở Đề án phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020 (Quyết định 803/QĐ-BVHTTDL ngày 9-3-2010), các địa phương cần nhanh chóng xây dựng hoặc điều chỉnh qui hoạch tổng thể du lịch của từng địa phương. Mục tiêu chung là phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của vùng, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo và mở ra khả năng kết nối các sản phẩm du lịch trong vùng, liên vùng, liên quốc gia. Tuy nhiên, các khu du lịch thường thu hồi vốn rất chậm, đối với các khu du lịch hình thành ở các vùng chưa được khai phá, chưa có tiếng tăm về hoạt động du lịch, dịch vụ, chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng thì rủi ro rất cao, nhà đầu tư phải đầu tư từ đầu với số vốn lớn để tạo dựng thương hiệu, quảng bá thu hút khách du lịch. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuế đất, thuê đất đối với các khu du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của vùng ĐBSCL. Song song đó, các địa phương cần tranh thủ quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch vùng lồng ghép vào các chương trình xúc tiến và hoạt động đối ngoại để tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, đánh thức tiềm năng du lịch vùng.

Bài, ảnh: SONG NGUYÊN

Du khách nước ngoài khám phá tour “du lịch miệt vườn” ở Bến Tre.

Chia sẻ bài viết