21/08/2019 - 15:47

Bất đồng phủ bóng thượng đỉnh G7 

Từ ngày 24 đến 26-8, tại thành phố biển Biarritz (Pháp) sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Trước thềm sự kiện, giới quan sát đang tự hỏi liệu sẽ có màn “tái chiến” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo các quốc gia còn lại, tương tự hội nghị năm ngoái tại Canada.

uy tụ lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ, thượng đỉnh G7 mỗi năm là cơ hội để những nước thành viên tìm kiếm đồng thuận trong ứng phó thách thức chung, định hình xu hướng phát triển mới của thế giới và đạt tiến bộ thực sự cho các mục tiêu đề ra. Vai trò toàn cầu của Mỹ trong nhiều thập niên vẫn được thể hiện rõ ràng tại các kỳ hội nghị, cho đến sự xuất hiện của ông Trump trên tư cách lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới.

Tại thượng đỉnh G7 năm 2018, Tổng thống Trump đã khiến nhiều người nghĩ đến viễn cảnh “G6+1” sau bất đồng giữa Mỹ với những nước còn lại trong vấn đề thương mại, thỏa thuận hạt nhân Iran và hiệp định Paris về khí hậu. Đặc biệt, việc ông Trump bỏ ngang hội nghị và rút khỏi tuyên bố chung phản ánh chia rẽ sâu sắc trong câu lạc bộ các quốc gia giàu có nhất thế giới. Trở lại sự kiện khai mạc cuối tuần này, Pháp với trách nhiệm nước chủ nhà đang hy vọng có thể kiểm soát tốt bất đồng giữa lãnh đạo Mỹ và những thành viên khác để tránh tái diễn tình trạng “hỗn loạn” như ở Canada. Tuy nhiên, theo cảnh báo của Giám đốc Trung tâm Chính trị và Quan hệ Đối ngoại tại Đại học Mỹ Johns Hopkins Robert Guttman, các nhà lãnh đạo G7 tốt hơn hết nên “thắt dây an toàn”.

Trong hàng loạt vấn đề nổi cộm, giới phân tích cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể muốn G7 tập trung giải quyết bất bình đẳng toàn cầu. Chủ đề này trái ngược thế giới quan lấy nước Mỹ làm trung tâm mà Tổng thống Trump chủ trương trong chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai. Về phần mình, ông chủ Nhà Trắng theo dự đoán của giới quan sát sẽ “tấn công” Pháp xung quanh luật đánh thuế các công ty kỹ thuật số. Thông qua hồi tháng 7, đạo luật này sẽ ảnh hưởng đến những “gã khổng lồ” Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon. Mô tả quyết định của Paris là sai lầm, Tổng thống Trunmp đã có lời lẽ chỉ trích nặng nề nhắm vào ông Macron, kèm theo đó là tuyên bố sẽ trả đũa rượu vang nhập khẩu từ quốc gia đồng minh.

Người biểu tình xuống đường phản đối thượng đỉnh G7. Ảnh: AFP

Ông chủ Nhà Trắng cũng có thể gây áp lực lên lãnh đạo các nước G7 thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là Thủ tướng Đức Angela Merkel về vấn đề tăng ngân sách quốc phòng. Nhiều người dự đoán Tổng thống Trump sẽ nhắc lại đề nghị đưa Nga quay trở lại G8 - động thái khiến châu Âu phải đối mặt với sự chia rẽ mới. Ngoài ra, giới phân tích cho biết sáu đối tác còn lại sẽ tiếp tục gặp trở ngại trong nỗ lực đàm phán với ông Trump về các vấn đề gây tranh cãi khác như thỏa thuận hạt nhân Iran, biến đổi khí hậu và cuộc chiến thương mại khốc liệt với Trung Quốc đang đẩy kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái. Với rạn nứt ngoại giao và mâu thuẫn nội bộ kéo dài, đài truyền hình NHK của Nhật dự báo hội nghị sắp tới nhiều khả năng kết thúc trong bất đồng, thậm chí lần đầu tiên không ra được thông cáo chung kể từ khi các cuộc họp bắt đầu tổ chức vào năm 1975.

Tuy vậy, ông Guttman cho rằng các đối tác dù muốn hay không sẽ phải tìm tiếng nói chung với nhà lãnh đạo Mỹ khi họ đứng trước thách thức chiến lược từ Nga, Trung Quốc. Trong đó, nhiều nước EU không thích phong cách của Tổng thống Trump nhưng chưa thể thay đổi sự thật rằng họ không phải siêu cường và vẫn phụ thuộc vào Mỹ kể từ Thế chiến thứ hai.

Hiện tại, tiếng nói đồng thuận hiếm hoi giữa ông Trump với một thành viên G7 có thể là tân Thủ tướng Anh Boris Johnson khi cả hai được cho cùng quan điểm trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quyết định Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi Brexit. Trước đó, ông Johnson nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với Tổng thống Trump và nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo Mỹ về lập trường cứng rắn trong vấn đề Brexit. 

MAI QUYÊN (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết