17/10/2021 - 19:36

Bất bình đẳng gia tăng hậu Abenomics 

Sau 8 năm kích thích kinh tế theo “Abenomics”, thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trong khi ô tô hạng sang bán rất chạy, nhưng sự giàu có đó chỉ tập trung ở phần nhỏ của xã hội. Do vậy, giải quyết tình trạng bất bình đẳng trở thành ưu tiên hàng đầu của tân Thủ tướng Fumio Kishida.

Chênh lệch lớn về thu nhập

Dữ liệu cho thấy, Abenomics - chính sách hỗ trợ tiền tệ, tài chính khổng lồ và là chiến lược tăng trưởng nhằm thúc đẩy cổ phiếu và lợi nhuận doanh nghiệp của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, đã tạo ra sự chênh lệch lớn về thu nhập.

Nó không thể mang lại sự giàu có cho các hộ gia đình thông qua mức lương cao hơn. Nhiều người còn phải chịu cảnh lương “giậm chân tại chỗ”. Ðơn cử như trường hợp của Kimie Kobayashi, 55 tuổi, làm việc tại một cơ sở chăm sóc trẻ em ở thủ đô Tokyo. Kobayashi cho biết lương của cô đã không tăng trong vòng 4 năm qua. Nhiều đồng nghiệp cũng chung số phận. “Tôi không thể nói rằng cuộc sống của tôi đang trở nên tốt hơn. Chính phủ thu thuế nhưng số tiền đó không được dùng để giúp đỡ những người thực sự cần” - Kobayashi nói.

Người già Nhật Bản dừng chân tại máy bán đồ uống sau giờ làm việc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, chính sách kinh tế này cũng đã mang đến lợi ích cho nhiều người. Chẳng hạn, Manabu Fujisaki gần đây đã vung tiền mua chiếc Mercedes-Benz trị giá 7 triệu yen (tương đương 61.800USD) sau khi thu được khoản tiền khổng lồ nhờ đầu tư vào tiền điện tử. Người đàn ông 34 tuổi này còn có kế hoạch xây ngôi nhà trị giá 200 triệu yen ở Tokyo vào năm tới. “Abenomics đã mang lại cho chúng tôi khoản lợi nhuận khổng lồ khi việc bơm tiền của ngân hàng trung ương đã giúp đẩy giá chứng khoán lên cao” - Fujisaki cho biết.

Theo Hãng tin Reuters, tỷ lệ người nghèo của Nhật Bản xếp thứ 2 trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và xếp thứ 9 trong số các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Ðặc biệt, dữ liệu của chính phủ còn cho thấy mức lương trên danh nghĩa chỉ tăng 1,2% giai đoạn 2012-2020. Trong khi đó, độ giàu có trung bình của các hộ gia đình Nhật Bản đã giảm 3,5% trong giai đoạn 2014-2019 dù tốp 10% những người giàu nhất ngày càng giàu thêm.

Nhiều giải pháp đặt ra

Trong bối cảnh đó, tân Thủ tướng Kishida mới đây cho biết ông đặt mục tiêu thu hẹp bất bình đẳng thu nhập thông qua kế hoạch tăng lương trên diện rộng. “Nếu thu nhập tăng trong nhiều lĩnh vực, nó sẽ giúp thu hẹp khoảng cách thu nhập và khuyến khích tiêu dùng” - ông Kishida phát biểu trong cuộc họp báo mới đây. Ông còn tuyên bố sẽ hiện thực hóa các cam kết trong chính sách kinh tế, gồm việc giảm khoảng cách trong thu nhập người lao động, đồng thời tăng gấp đôi lương cho những người có thu nhập trung bình.

Trước mắt, để thúc giục khu vực tư nhân tăng lương, Thủ tướng Kishida đã tiết lộ kế hoạch tăng lương cho nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc trẻ em, những người “được trả lương thấp so với khối lượng công việc họ làm”. Ðề cập tới việc cải cách hệ thống lương hưu, một trong những vấn đề lớn nhất mà Nhật Bản phải đối mặt trước tình trạng dân số già nhanh trong khi tỷ lệ sinh giảm, ông Kishida cam kết sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ nhưng không đi sâu vào chi tiết.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, mặc dù ca ngợi những thành quả của chính sách kinh tế Abenomics, song ông Kishida đã chỉ ra sự bất bình đẳng mà Abenomics mang lại. Vì vậy, ông tuyên bố sẽ hướng tới “chủ nghĩa tư bản kiểu Nhật mới” để thu hẹp chênh lệch thu nhập thông qua việc phân phối lại thu nhập. Ông Kishida cũng nhắc lại cam kết tạo ra gói kinh tế trị giá “hàng chục ngàn tỉ yen” để hỗ trợ nền kinh tế bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề vào cuối năm nay.

Đại dịch COVID-19 đã phơi bày những người nghèo ẩn sâu ở Nhật. Theo thống kê, có hơn 10 triệu người Nhật có thu nhập dưới 19.000USD một năm (quá thấp đối với quốc gia có chi phí sinh hoạt cao), trong khi 1/6 dân số sống trong tình trạng cận nghèo với mức thu nhập thấp hơn một nửa so với mức thu nhập trung bình quốc gia.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết