04/04/2015 - 16:29

Bảo vệ di sản văn hóa ở vùng Trung Đông - cấp thiết

Hàng loạt di sản cổ đại (như thành phố Nimrud, Calah - kinh đô của vương quốc Assyria, thành phố Hatra...) vừa bị Nhà nước Hồi giáo tự xưng (Islamic State of Iraq and Syrie), còn gọi là phiến quân cực đoan IS, phá hoại. Sự tàn phá này gần như hủy diệt các nền văn hóa, văn minh hiếm hoi còn sót lại của thế giới. Trước nguy cơ diệt vong của các di sản, nhiều tổ chức, quốc gia khắp thế giới kêu gọi bảo vệ di sản bằng những hành động cấp thiết.

* Thực trạng các di sản văn hóa

Một di tích bị IS hủy hoại trở thành bãi đá hoang tàn ở trung tâm Mosul, Iraq. 

Lâu nay, việc di sản văn hóa bị xuống cấp bởi yếu tố khách quan từ thiên nhiên đã khiến giới chức trách, các tổ chức di sản lo ngại. Nhưng vấn đề còn tồi tệ hơn khi sự hủy hoại đó có bàn tay của con người. Chiến tranh đã làm hàng loạt di sản văn hóa hư hại, biến mất. Hiện nay, vùng thiệt hại nặng nề nhất là Trung Đông, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự biến mất vô tội vạ của những di sản, công trình cổ - vốn tồn tại hàng ngàn năm như bằng chứng sống về những nền văn minh xưa.

Chiến sự ở Syrie xảy ra hồi tháng 3- 2011, không chỉ khiến hàng trăm ngàn người thương vong mà còn tàn phá hơn 290 di sản văn hóa. Chương trình UNOSAT (chụp ảnh bằng vệ tinh) của Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Liên Hiệp quốc (UNITAR) đưa ra số liệu đáng buồn về thực trạng di sản ở 18 khu vực của Syrie. Trong đó, ghi nhận 24 vị trí bị phá hủy hoàn toàn, 104 vị trí bị hỏng nặng nề, 85 vị trí hư hại ở mức vừa phải và 77 vị trí khác thiệt hại không đáng kể. Trong số này có 6 di sản văn hóa nhân loại từng được UNESCO công nhận, gồm: 3 thành phố cổ Aleppo, Bosra, Damascus; pháo đài Crac des Chevaliers; khu di tích Palmyra và làng cổ The Dead Cities ở miền Bắc Syrie. Hiệp hội phát triển khoa học Mỹ (American Association for the Advancement of Science- AAAS) sử dụng phương pháp dùng vệ tinh chụp ảnh độ phân giải cao và phát hiện 5/6 di sản đó bị hư hại nghiêm trọng. Nặng nề nhất là Aleppo - Thủ đô cũ của Syrie- nơi đây có đến 22 vị trí bị phá hủy. Chỉ có thành phố Bosra ít thiệt hại nhất. Một số công trình cổ bị phá hủy gần hoàn toàn: khách sạn Carlton, thư viện quốc gia ở Aleppo, The Great Umayyad Mosque - một trong những nhà thờ Hồi giáo cổ nhất thế giới. Trước thực trạng này, tổ chức UNESCO đã quyết định đưa các di sản trên vào danh sách nguy hiểm, cần được bảo vệ cấp thiết. Einar Bjorgo - Giám đốc UNOSAT - cho biết: "Con người đã mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm mới hình thành di sản. Một vài thứ có thể được xây dựng lại, nhưng hãy nhìn những gì đã hư hại, mất mát, rất khó có thể mang nó trở lại nguyên vẹn như ban đầu".

Nhiều báo cáo khác cho thấy IS phá hủy nhiều di sản quan trọng ở khu vực Trung Đông với mục đích cướp cổ vật để gia tăng nguồn tài chính. Ông Qais Hussain Rashid - Giám đốc bảo tàng Iraq - cho biết: "Phiến quân IS cắt rời những bức tượng điêu khắc bán cho bọn buôn lậu đồ cổ. Chúng thường lấy phần đầu của tượng bởi nó có giá trị nhất". Ông Qais Hussain Rashid bày tỏ lo ngại sự điên cuồng của IS sớm muộn gì cũng phá hủy hoàn toàn hệ thống di sản ở đây. Nỗi lo của ông Qais Hussain Rashid dần trở thành hiện thực, khi tháng 3 vừa qua, thành phố cổ Hatra (thủ đô đầu tiên của Vương quốc A-rập) có niên đại từ thế kỷ 3 trước Công Nguyên, trở nên hoang tàn, đổ nát sau những trận bom. Phiến quân IS đã hủy hoại di tích này sau khi mang tất cả cổ vật sang nơi khác. Trước đó không lâu, IS đã có hành động điên cuồng đập vỡ các di tích cổ ở bảo tàng Mosul, đốt hàng trăm cuốn sách, trong có nhiều bản viết tay cổ quý hiếm. Thành phố cổ Calah ở Iraq cũng chịu chung số phận. Những bức tượng, các công trình, di vật cổ đều bị kéo đổ, thậm chí các phiến quân còn dùng khoan, búa phá hủy các đầu tượng. Trong khi đó thành phố Nimrud bị san phẳng chỉ trong một đêm. Trung Đông giờ chỉ còn những bãi đất hoang tàn nhuốm mùi máu.

* Cần những hành động cụ thể

Báo cáo từ Liên Hiệp Quốc cho biết, bảo vệ những di sản nơi đây không phải là điều dễ dàng, nếu không muốn nói là không thể. Phần lớn những khu vực này đều có lực lượng kiểm soát của nhóm khủng bố. Ông Sheikh Humam Hamoudi - phát ngôn viên của Chính phủ Iraq - lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ của các quốc gia: "Di sản văn hóa giống như linh hồn của Iraq, đã đóng góp to lớn cho nền văn hóa khu vực, nhân loại trong hơn 6.000 năm qua. Do đó, chính phủ Iraq rất mong nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế trong việc gìn giữ các di sản văn hóa". UNESCO cũng đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của đại diện Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa - ICCROM, Hội đồng Bảo tàng quốc tế - ICOM, Hội đồng quốc tế về Di tích - ICOMOS, Hiệp hội Thư viện quốc tế - FLA, các chuyên gia về di sản của Iraq và quốc tế nhằm tìm những giải pháp bảo vệ di sản đang bị tàn phá bởi chiến tranh. Bà Irina Bokova - Tổng giám đốc UNESCO - cho biết: "UNESCO sẽ tiếp tục huy động tối đa sự tham gia có thể của cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ di sản văn hóa".

NESCO kêu gọi cấp thiết phải lập vùng bảo vệ di sản ở Trung Đông, cũng như đề xuất với cộng đồng quốc tế về lệnh cấm buôn bán cổ vật. Ngoại trưởng Mỹ John F.Kerry gọi hành động phá hoại các tài sản văn hóa, di sản văn hóa mà IS đã thực hiện là hành vi "man rợ văn hóa" và cho biết quốc gia này sẽ nỗ lực hỗ trợ UNESCO trong hoạt động bảo vệ di sản dưới nhiều hình thức như: tăng cường sự giám sát, theo dõi các di sản, đào tạo nguồn nhân lực trong công cuộc bảo vệ di sản.

Trong khi đó, Ông Ban Ki Moon - Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc - gọi các hành động phá hoại di tích văn hóa là "tội phạm chiến tranh". Hiện Liên Hiệp Quốc đã phối hợp với Cảnh sát hình sự quốc tế - Interpol, các cơ quan hải quan, giới chức trách địa phương, các bảo tàng, nhà đấu giá ngăn chặn nạn buôn bán cổ vật - một trong những nguyên nhân tác động đến việc phá hoại các di sản. Việc kiểm soát cũng như đưa ra án phạt nặng là giải pháp trước mắt có thể thực thi góp phần gìn giữ, bảo vệ di sản. Còn Adel Shirshab - Bộ trưởng Bộ Du lịch và cổ vật Iraq kêu gọi: "Tôi khẩn thiết kêu gọi các tổ chức cộng đồng, tổ chức quốc tế liên kết lại để có những hành động thiết thực, cụ thể tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, mới có thể cứu vãn kịp thời sự tàn phá các di sản".

Ái Lam
(Tổng hợp từ Unesco, AL-Akhbar, aaas, CNN, dailymail)

Những di sản văn hóa đang bị hủy hoại

Thế giới có 1.007 di sản được UNESCO công nhận, trong đó 46 di sản đang trong tình trạng nguy hiểm, cần được gìn giữ và bảo vệ. Trung Đông là một trong những khu vực có di sản văn hóa bị thiệt hại nặng nề nhất bởi chiến tranh. Chỉ riêng ở Iraq và Syrie có 8/10 di sản bị phá hủy, nhất là thành phố cổ Nimrud, Aleppo và Hatra.

* Thành phố cổ Nimrud- "chiếc nôi" của nền văn minh Trung Đông

Tên ban đầu của thành phố Nimrud là Khalka- thủ đô đầu tiên của vương quốc Assyria, có từ thế kỷ thứ 13 trước Công Nguyên. Nay, Nimrud nằm ở phía Bắc Iraq, được xem là di chỉ khảo cổ nổi tiếng nhất Iraq với mô tả là "chiếc nôi" của nền văn minh Trung Đông.

Thành phố cổ Nimrud được khai quật từ những năm 1845. Di sản này có nhiều cung điện hoàng gia, đền thờ như: cung điện Ashurnasirpal, đền thần chiến tranh Ninurta, đền thần chữ viết Nabu và những bích họa quý hiếm mô tả cuộc sống sinh hoạt của nền văn hóa cổ xưa. Bộ sưu tập "di sản Nimrud" được phát lộ hồi năm 1988, gồm 613 tác phẩm đá quý, đồ trang sức bằng vàng, được giới khảo cổ mô tả là "phát hiện có ý nghĩa nhất kể từ khi tìm thấy lăng mộ Pharaoh Tutankhamun ở Ai Cập hồi năm 1923". "Di sản Nimrud" được trưng bày ở 76 bảo tàng trên thế giới.

* Thành phố cổ Aleppo- chứng tích sống của "con đường tơ lụa"

Thành phố cổ Aleppo, có từ thế kỷ thứ 13 trước Công Nguyên, nằm ở trung tâm của "con đường tơ lụa" nối liền châu Á với Địa Trung Hải. Aleppo nổi tiếng với những con hẻm hẹp và tòa nhà lớn, được UNESCO công nhận là di sản vào năm 1986. Thành phố này có thánh đường Hồi giáo Umayyad, khu phố cổ Salaheddin với các tòa nhà cổ từ thế kỷ từ 12 đến 16, khu chợ ngoài trời cổ xưa nhất thế giới al-Madina.

* Thành phố cổ Hatra - Thủ phủ của Vương quốc Ả Rập đầu tiên

Nằm cách thành phố Mosul hơn 100 km về phía Tây Nam, thành phố cổ Hatra, được thành lập thời Đế chế Parthian (cách đây hơn 2.000 năm). Hatra là thủ phủ của Vương quốc Ả Rập đầu tiên, nổi tiếng với bức tường cao, dày và những pháo đài vững chắc. Hatra được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1985 với mô tả "những minh chứng đặc biệt cho toàn bộ khía cạnh của nền văn minh Assyro-Babylon".

Bảo Lam (Tổng hợp từ ancient, unesco)

Chia sẻ bài viết