13/04/2013 - 20:47

Bảo tồn và phát huy Dân ca Nam bộ

Hai năm một lần, Liên hoan Dân ca Việt Nam - khu vực Nam bộ lại được Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Năm nay, hơn 200 nghệ nhân của 14 đoàn nghệ thuật về dự liên hoan, với nhiều tiết mục đặc sắc cho thấy âm nhạc dân tộc vẫn bền bỉ. Tuy nhiên, bài toán về bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong cuộc sống hiện đại vẫn không dễ tìm đáp số.

Khai phá "kho tàng" trong dân gian

Liên hoan năm nay do tỉnh Long An đăng cai, diễn ra từ ngày 11 đến 13-4-2013. 14 đoàn nghệ thuật của các tỉnh, thành: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tiền Giang, Tây Ninh, Bến Tre và Trà Vinh đã trình diễn 40 tiết mục, thể hiện tinh hoa và bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Năm nay, ngoài các làn điệu dân ca, ban tổ chức còn mở rộng nội dung dân nhạc và dân vũ của các dân tộc giúp nhiều làn điệu tưởng như mai một đã được "sống lại" tại liên hoan lần này, theo lời nhạc sĩ - NSƯT Nhất Sinh, thành viên hội đồng nghệ thuật.

Điển hình như loại hình hát và múa bóng rỗi. Những nghệ nhân của đoàn Long An và Bạc Liêu đã lột tả hết "thần" và "sắc" của nghi lễ múa - hát bóng rỗi xưa. Hay như tiết mục hát múa "Vui đón hội mùa", tái hiện lễ hội Yangva (Thần Lúa) và Yangri (Thần Rừng) diễn ra vào tháng 11 âm lịch hằng năm của dân tộc Chơ Ro là một thành công lớn trong bảo tồn dân ca của ngành văn hóa Bà Rịa - Vũng Tàu. Bởi nhiều năm nay, dù lễ hội vẫn còn nhưng các động tác, lời ca trong lễ cúng đã bị mai một hoặc sai lệch, nghệ nhân am hiểu về nghệ thuật này cũng còn rất ít. Đặc biệt, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu còn mang đàn Goong K’la - loại đàn cổ được làm từ những ống tre của đồng bào Chơ Ro - trình diễn trên sân khấu liên hoan.

Liên hoan lần này đã góp phần phục dựng và lưu giữ tinh hoa của dân ca Nam bộ. Điệu hát ru con của người phụ nữ Khmer Tây Ninh, của người mẹ Chăm An Giang; hay khúc hát tạ từ cha mẹ của chàng trai Chăm An Giang... khiến người có trách nhiệm thấy mừng vì đây là những điệu dân ca hầu như đã mất trong đời sống.

Nguy cơ mai một

Hò Đồng Tháp được thể hiện ngọt ngào trong khung cảnh tràm chim mùa sếu về và những ruộng sen rực hồng. 

Từ liên hoan, có thể thấy nỗ lực tổ chức Liên hoan Dân ca Việt Nam - Khu vực Nam bộ 2 năm 1 lần thực tế là chưa đủ để âm nhạc dân tộc trường tồn trong đời sống hiện đại. Dân ca Nam bộ đang đứng trước nguy cơ bị mai một hoặc biến tướng, mất không gian sinh tồn.

Đầu tiên là thiếu nghệ nhân trình diễn dân ca, dân nhạc, dân vũ. Có thể ví thực trạng nghệ nhân dân ca hiện nay là "tre đã già mà măng… chưa mọc". Một số dân tộc ít người như Chơ Ro ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, các điệu dân ca, múa dân gian chỉ được truyền miệng, không hề có một văn bản, tài liệu nào ghi chép cụ thể nên khi nghệ nhân qua đời, một kho tàng dân ca cũng theo họ xuống lòng đất. Ông Nguyễn Hùng, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa dân tộc Bàu Chinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay: Ngành Văn hóa tỉnh đang thực hiện sưu tầm, bảo tồn dân ca của dân tộc Chơ Ro trên địa bàn nhưng theo đánh giá, dù có cố gắng hết sức vẫn chỉ thực hiện được khoảng 75% khối lượng. Một số thể loại, loại hình giờ chỉ còn được nhắc tên, mất hẳn trong đời sống của cộng đồng.

Đối với một số loại hình còn được lưu truyền, còn nghệ nhân trình diễn thì hoạt động chủ yếu ở bề nổi: có thi thố, liên hoan thì gom lại tập dượt, xong rồi thì giải tán. Đến tận bây giờ, nước ta vẫn chưa có quy chế xét tặng, truy tặng danh hiệu nghệ dân ưu tú, nghệ nhân nhân dân. Hàng loạt "báu vật nhân văn" như: nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, nghệ nhân âm nhạc cung đình Huế - Trần Kích… và nhiều nghệ nhân hò, vè Nam bộ đã ra đi mà không có một danh hiệu nào dù trọn đời cống hiến cho văn hóa dân tộc. Cả nước nói chung, Nam bộ nói riêng vẫn chưa có một kế hoạch chung nhất nào về bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Nam bộ.

Bên cạnh đó là tình trạng biến tướng, sân khấu hóa dân ca Nam bộ một cách thô kệch. Xem các tiết mục dự liên hoan lần này, ngoài những nghệ nhân thực sự thì cũng có không ít đoàn đưa "quân" đi là đội ngũ chuyên nghiệp của trung tâm văn hóa. Không ít tiết mục "diễn" trên sân khấu, chỉnh sửa giọng, kéo cả dàn múa minh họa… làm mất đi bản sắc dân ca.

Sự dịch chuyển, thay đổi không gian văn hóa, sự thay đổi phương thức lao động sản xuất khiến những điệu hò sông nước, hò chèo ghe, vè, hò đối đáp, hát huê tình, hò cấy… một thời nổi tiếng ở Nam bộ cũng không thể phục hồi vì thiếu dần không gian văn hóa.

Khơi thông dòng chảy âm nhạc dân tộc

Trao đổi với chúng tôi, NSƯT Nhất Sinh cho rằng: "Không hề quá lời khi nói rằng, dân ca là máu là thịt, là bản sắc của mỗi dân tộc, vùng miền. Dù hiện nay dân ca bị lấn át bởi nhiều yếu tố nhưng tôi tin rằng, dân ca là một phần tạo nên tâm hồn và cốt cách con người Việt Nam". Thật vậy, với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, dân ca Nam bộ đã có một vị trí quan trọng trong tâm thức và tình cảm của người dân nơi đây.

Đến liên hoan dân ca năm nay, nghệ nhân Út Bến Hải (tức bà Phạm Thu Ba, đoàn Bạc Liêu), mang đến tiết mục nói thơ Bạc Liêu - bài "Thương anh Vệ quốc quân". Màn trình diễn của bà ấn tượng nhưng không bằng câu chuyện phía sau. Cách đây ít tháng, bà Út đã sưu tầm được 22 bài thơ dùng nói thơ Bạc Liêu gửi các ngành chức năng và cả ông Bí thư Tỉnh ủy với mong muốn: "Tiếng lòng của Bạc Liêu sẽ còn vang mãi!". Tài liệu sưu tầm, ký âm của bà Út không chỉ quý báu mà còn khiến nhiều người làm văn hóa "giật mình" vì có lúc đã quên đi công tác sưu tầm bảo quản dân ca, dân nhạc. Nói về dân ca Nam bộ hiện nay, chỉ có loạt công trình sưu tầm, ký âm dân ca một số tỉnh thành Nam bộ như: Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre… do vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và Lê Giang cùng cộng sự thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ XX. Đến nay, vẫn chưa có công trình nào đáng chú ý về dân ca Nam bộ. Vì vậy, để việc bảo tồn, phát huy dân ca có hiệu quả cần thiết tổ chức các đợt sưu tầm, ký âm dân ca theo địa phương, vùng miền.

Để dân ca sống mãi, cần có môi trường nuôi dưỡng và phát triển lành mạnh, đúng chất. Người sưu tầm, ký âm phải đi thực địa, điền dã, sâu sát với đời sống nông thôn - nơi đã sản sinh những câu hò, điệu lý chứ không phải bắt nghệ nhân áo vàng áo đỏ lên sân khấu hát hay vào phòng thu đầy kỹ thuật hát - nói như cách nói của Giáo sư Trần Văn Khê đó là loại "bảo tồn tiêu cực". Cách giữ gìn dân ca tốt nhất vẫn là đem dân ca về lại hiện thực cuộc sống, về với đồng ruộng, sông ngòi để dân ca thực hiện đúng chức năng xã hội mà lịch sử đã gửi gắm. Mở lớp dạy hát dân ca cho giới trẻ, mang dân ca sinh hoạt tại các nhà văn hóa cơ sở, tổ chức nhiều CLB hát dân ca cũng là những việc làm cần triển khai sâu rộng trong nhân dân.

Nhạc sĩ, NSƯT Nhất Sinh - người có hàng chục ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam bộ cho rằng dân ca là giai điệu mẹ, kho tàng bất tận cho cảm hứng sáng tạo trong âm nhạc. Nhiều thế hệ nhạc sĩ đã mang các làn điệu dân ca vào những ca khúc kinh điển như: điệu "Lý Con chim manh manh" vào ca khúc "Anh Ba Hưng" (Trần Kiết Tường), điệu vè "Bậu lỡ thời" trong ca khúc "Bài ca may áo" (Xuân Hồng), "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" (Trần Kiết Tường) với điệu hò miền Đông và hò Trà Vinh, "Kiên Giang mình đẹp lắm" (Lư Nhất Vũ) theo điệu "Lý Chèo đưa cá Ông"…Việc chắt lọc tinh hoa, mang giai điệu ngọt ngào của dân ca vào ca khúc hiện đại nhưng mang đậm bản sắc văn hóa để phục vụ thời đại mới, con người mới là việc các nhạc sĩ đáng lưu tâm.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết