27/02/2008 - 23:08

Hai ngày sau khi giá xăng, dầu tăng

"Bão giá" đang mạnh dần lên

Sau 2 ngày tăng giá xăng dầu, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tại TP Cần Thơ cũng đã tăng giá theo. Một số hàng hóa, dịch vụ còn chưa tăng giá cũng đã rục rịch tăng trong những ngày tới...

* Chạy đua với giá xăng dầu

Xăng dầu tăng giá kéo theo chi phí sản xuất, cước vận chuyển tăng dẫn đến giá thành sản phẩm tăng. Theo các tiểu thương, giá hầu hết các mặt hàng của thị trường sau Tết không có dấu hiệu giảm, mà thậm chí còn điều chỉnh tăng cao, đặc biệt là ở mặt hàng thực phẩm công nghệ như: giá dầu ăn tăng bình quân 2.000 đồng/lít; giá bột giặt Omo tăng 10.000/bịch (3kg); bia Tiger, Heineken tăng 10.000-30.000 đồng/thùng... Giờ đây, khi phải cộng thêm chi phí của giá xăng dầu, các tiểu thương và người tiêu dùng lo ngại sẽ phải đối mặt với “cơn bão” giá vào thời gian tới.

Một loại sản phẩm phải chịu tác động trực tiếp của nguồn nguyên liệu đó là sản phẩm nhựa. Trước khi xăng dầu trong nước tăng giá, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã phải “gồng mình” sản xuất bởi giá hạt nhựa nhập khẩu tăng cao. Đây là mặt hàng gia dụng có sự điều chỉnh giá sớm nhất khi giá xăng dầu tăng. Ngày 26-2-2008, một ngày sau khi xăng dầu trong nước tăng giá, các công ty sản xuất, kinh doanh nhựa như: Đại Đồng Tiến, Duy Tân, Chợ Lớn, Xuân Thanh... đều gởi thông báo tăng giá bán với mức tăng từ 3-50% trên sản phẩm.

Do chi  phí  đánh bắt tăng cao, nên giá các loại hải sản được dự đoán sẽ tăng mạnh trong vài ngày tới.
Ảnh: KHÁNH NAM 

Tại các siêu thị, thông thường giá tăng chậm hơn so với các kênh phân phối tại các khu chợ, bởi theo hợp đồng mua bán, nhà sản xuất phải báo trước từ 15-30 ngày nếu có điều chỉnh giá. Tuy nhiên, theo các siêu thị, với mức giá dầu tăng cao như hiện nay, chắc chắn trong những ngày tới nhà sản xuất và cung cấp sẽ gửi thông báo tăng giá.

Qua khảo sát, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như: cá biển, rau quả tại nhiều khu chợ, chỉ một số ít tăng giá nhẹ còn hầu hết giá vẫn chưa có nhiều biến động. Theo bà Chu, chủ vựa kinh doanh rau củ tại Nhà lồng 3 - Trung tâm Thương mại Cái Khế: “Chắc do tình trạng ế ẩm của thời điểm kinh doanh sau Tết, hàng hóa lưu thông không nhiều nên nhà xe vẫn chưa tăng giá vận chuyển. Tuy nhiên, thời gian tới chắc chắn giá vận chuyển sẽ tăng. Lúc đó, giá hàng phải chịu tác động mạnh của giá vận chuyển”.

Không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả những người kinh doanh cũng lo ngại mặt hàng cá biển trong tới đây sẽ tăng giá, do sau khi giá dầu tăng làm chi phí đánh bắt và vận chuyển đã tăng lên. Tuy nhiên, đến nay, sau khi tăng 2.000-3.000 đồng/kg vào thời điểm sau Tết, hầu hết giá các loại cá biển đều bình ổn với giá trung bình: mực ống loại I giá 55.000 – 65.000 đồng/kg, cá lù đù ống từ 28.000 - 32.000 đồng/kg, cá thu từ 60.000 – 70.000 đồng/kg... Cán bộ Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm 2 thuộc Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ cho rằng phải sau vài ngày nữa (24, 25 âm lịch) khi tàu đánh bắt chịu mức giá dầu mới trở về thì giá cá biển mới có sự điều chỉnh. Khi đó, chắc giá hàng hải sản sẽ ở mức cao và tình trạng tăng giá sẽ tiếp tục bởi nguồn hàng ít đi khi có nhiều tàu đánh bắt ngưng ra khơi vì không chịu nổi chi phí.

Giá gạo cũng đang được xem là “điểm nóng” tại các khu chợ, khi một ngày phải chịu 3 mức giá. Chị Thanh Trúc, chủ tiệm gạo Tấn Phước, Nhà lồng 3 - Trung tâm Thương mại Cái Khế, cho biết: “Cận Tết, giá các loại gạo đã tăng 1.000-1.500 đồng/kg. Từ khi giá xăng dầu tăng, cước vận chuyển gạo từ nhà máy về cũng tăng khoảng 10.000 đồng/tấn. Hiện nay, tôi chỉ vận chuyển tận nơi khi khách hàng mua từ 20kg trở lên, bởi giá xe ôm giờ cũng đã tăng. Giá dầu tăng cao, giá công chà gạo tại nhà máy cũng sẽ tăng và giá gạo sẽ tiếp tục bị đẩy lên”.

Vật liệu xây dựng là mặt hàng tăng tức thì theo giá xăng dầu. Hiện nay, nhiều loại vật xây dựng được vận chuyển bằng xe tải và xe ben, nên giá dầu tăng cao đã làm cho chi phí vận chuyển tăng mạnh và giá mặt hàng này giao đến khách hàng cũng tăng theo. Từ ngày 26-2-2008, tại nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng ở nội ô thành phố, giá cát, đá đã tăng khoảng 15.000-20.000 đồng/m3 so với ngày 25-2, đá 1x2 lên ở mức 210.000 đồng/m3, đá 4x6: 195.000 đồng/m3, cát xây tô 80.000 đồng/m3... Trong khi đó, các loại xi măng, gạch xây dựng, sắt... chưa tăng giá. Nhưng theo nhiều cửa hàng, các loại vật liệu này cũng sẽ tăng giá trong vài ngày tới.

Ông Lê Hoàng Vũ, chủ cửa hàng VLXD Vũ, đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Ninh Kiều, cho biết: “Chi phí vận chuyển tăng nên giá vật liệu xây dựng cũng phải tăng. Nhiều khách hàng cũng chấp nhận vì họ hiểu giá tăng là do xăng dầu tăng. Nhưng giá tăng cửa hàng sẽ khó bán hơn...”.

* Dịch vụ vận tải có mức giá mới...

Ngày 25-2, giá xăng tăng 1.500 đồng/lít, giá dầu tăng 3.700 đồng/lít (tăng hơn 36% so với trước). Do hầu hết các phương tiện của các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa đều chạy bằng dầu, nên đã ảnh hưởng nghiệm trọng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Ông Nguyễn Công Đỉnh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Vận tải Sài Gòn tại TP Cần Thơ, cho biết: “Công ty hoạt động trên 4 tuyến đường là: Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ-Cà Mau, Cần Thơ-Bạc Liêu và Cần Thơ-Rạch Giá. Trung bình mỗi ngày công ty có khoảng 300 lượt xe xuất bến (gồm chuyến đi và về), mỗi lượt xe “ngốn” khoảng 35 lít dầu (tính cả tuyến đường gần và xa). Khi giá dầu vừa tăng thêm 3.700 đồng/lít, tính ra mỗi ngày công ty phải tốn thêm gần 40 triệu đồng do chi phí dầu đội lên. Công ty đã có chủ trương tăng giá vé. Sau khi cân nhắc tăng ở mức nào cho hợp lý, công ty sẽ đăng ký với Cục Thuế, Sở Tài chính các địa phương để áp dụng tăng. Nhưng việc tăng giá vé cũng chỉ giảm bớt phần nào gánh nặng sau khi giá xăng dầu tăng, chứ khó lòng bù đắp hoàn toàn. Trong tình hình cạnh tranh gay gắt hiện nay, nếu tăng giá vé cao quá sẽ mất khách...”.

Sau 2 ngày giá xăng dầu tăng, giá vé xe khách tại Bến xe khách Cần Thơ vẫn bình ổn. Nhưng mức giá vé xe khách chắc chắn sẽ có biến động tăng trong thời gian tới, khi nhiều doanh nghiệp hoàn tất quá trình đăng ký tăng giá vé với các cơ quan nhà nước.

Từ năm 2005 đến nay, giá vé xe buýt không tăng, trong khi xăng dầu đã có 5 lần tăng giá. Vì vậy, giá vé xe buýt hiện đã không còn phù hợp với thực tế giá xăng dầu (năm 2005 giá dầu chỉ ở mức 7.500 đồng/lít nhưng nay đã lên đến 13.900 đồng/lít). Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Xí nghiệp Vận tải hành khách công cộng (Công ty Công trình đô thị Cần Thơ), cho biết: “Đến lần tăng giá xăng dầu mới đây, xe buýt hoạt động đã đến mức thua lỗ nghiêm trọng. Xí nghiệp đã kiến nghị với Sở Giao thông Công chính, Sở Tài chính, UBND thành phố cho phép tăng giá vé xe buýt. Hiện nay, nhiều xe liên doanh đề nghị xí nghiệp áp dụng giá vé xe buýt tăng, nếu cứ hoạt động trong tình hình thua lỗ nhiều xe liên doanh xin rút ra khỏi hoạt động xe buýt”.

Đợt tăng giá xăng dầu lần này các doanh nghiệp vận tải kinh doanh dịch vụ taxi dễ thở hơn so với loại hình dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định. Do hầu hết xe taxi đều chạy bằng xăng, trong khi giá xăng tăng ở mức thấp hơn so với dầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải kinh doanh dịch vụ taxi cũng đã tính đến chuyện tăng giá cước. Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Du lịch xanh (Green Taxi), cho biết: “Công ty chuẩn bị điều chỉnh tăng giá taxi và dự kiến mức giá mới sẽ sớm được áp dụng trong vài ngày tới. Chủ trương của công ty là tăng giá dịch vụ taxi ở mức giá hợp lý, dựa vào tình hình thực tế khách hàng và tình hình giá xăng tăng...”.

Trong khi dịch vụ vận tải hành khách chưa tăng giá ngay sau giá xăng dầu tăng, thì dịch vụ vận tải hàng hóa đã có mức giá mới trước. Nhiều chủ xe tải vận chuyển hàng hóa thuê cho biết: Vận chuyển hàng hóa thuê thường chủ xe thỏa thuận giá với khách hàng. Sau khi dầu tăng giá, nếu thỏa thuận được với khách hàng ở mức giá hợp lý mới thực hiện chuyên chở.

Rõ ràng, những dự báo về “cơn bão giá” khi giá xăng dầu vừa tăng đã trở thành hiện thực.

ANH KHOA-KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết