19/10/2010 - 14:24

Báo động đỏ về khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu

Sự đa dạng sinh học đóng vai trò sống còn đối với tương lai đời sống của nhân loại và các loài động thực vật. Ảnh: CNN

Hôm qua (18-10), các đại biểu đến từ 193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tề tựu về thành phố Nagoya (Nhật Bản) khai mạc Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về Công ước Đa dạng sinh học. Hội nghị kéo dài trong 2 tuần này được đánh giá có vai trò cực kỳ quan trọng đối với tương lai của thế giới động thực vật và tương lai đời sống của nhân loại. Mục tiêu của hội nghị là phải tìm ra và thống nhất các giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng trong thế giới tự nhiên mà Liên Hiệp Quốc cảnh báo đang ở mức báo động đỏ.

Trước khi bàn kế hoạch chiến lược gồm 20 điểm nhằm thực thi toàn cầu trong vòng thập niên tới, trước tiên hội nghị sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Vì sao các nước không đạt được mục tiêu hạn chế xu hướng suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH) vào năm 2010 như đã cam kết hồi năm 2002?”. Các nhà khoa học và chính phủ các nước đều đồng ý rằng hiện nay các hệ sinh thái của Trái đất đang lâm nguy. Joche Flasbarch, Cục trưởng Cục Môi trường liên bang Đức đồng thời là chủ tịch sắp mãn nhiệm của Ban thư ký Công ước ĐDSH cho rằng thậm chí thế giới đã thất bại trong việc làm chậm quá trình suy giảm ĐDSH. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Ryu Matsumoto, người sắp tiếp quản chức chủ tịch Ban thư ký Công ước ĐDSH, cảnh báo thế giới tự nhiên sắp rơi vào ngưỡng mà tình trạng suy giảm ĐDSH không thể đảo ngược được. Nếu không có giải pháp ngăn chặn và khắc phục kịp thời, ông Matsumoto dự báo cuộc khủng hoảng ĐDSH sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2020.

Hiện nay, nhiều loài đang tuyệt chủng với tốc độ gấp 100-1.000 lần so với chu kỳ tự nhiên, môi trường sống của các loài không ngừng bị thu hẹp trong khi con người không ngừng khai thác tài nguyên đất, nước và rừng để phục vụ đời sống. Báo cáo Triển vọng ĐDSH toàn cầu thứ 3 được Liên Hiệp Quốc công bố hồi tháng 5-2010 cảnh báo môi trường sống tự nhiên của các loài (ao hồ, sông ngòi, đầm lầy, băng ở đại dương, rặng san hô...) đang suy giảm ở mức báo động – giảm trung bình 1/3 so với cách đây 35 năm. Tương tự là tình trạng sụt giảm đa dạng nguồn gien của các loài.

Báo cáo chỉ rõ không một quốc gia nào đạt được các mục tiêu mà Hội nghị thượng đỉnh về Phát triển bền vững năm 2002 ở Johannesburg (Nam Phi) đặt ra “nhằm hạn chế đáng kể tốc độ suy giảm ĐDSH hiện nay ở cấp toàn cầu, khu vực và quốc gia vào năm 2010 như một biện pháp nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo và làm lợi cho mọi sự sống trên Trái đất”. Hồi đầu tháng, Quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) công bố báo cáo về chỉ số Hành tinh sống cũng nêu rõ “nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên của nhân loại đã tăng gấp đôi kể từ năm 1966, và con người đang sử dụng nguồn tài nguyên tương đương mức cung ứng của 1,5 Trái đất để phục vụ các hoạt động hằng ngày.

“Kể từ thập niên 1960, nhân loại đã tăng gấp đôi mức tiêu thụ thực phẩm và nước sinh hoạt, trong khi kể từ năm 2002 đến nay, hầu hết các giải pháp nhằm cải thiện sức khỏe của thế giới tự nhiên lại không được chú trọng. Trong khi đó, dân số thế giới đã tăng gấp đôi, nền kinh tế toàn cầu đã phát triển gấp 6 lần. Đến năm 2050 ước tính sẽ có 9,2 tỉ người trên hành tinh”, đại biểu Jonathan Baillie – giám đốc phụ trách các chương trình bảo tồn thuộc Hiệp hội Động vật Luân Đôn, đối tác của WWF – cho biết. WWF cảnh báo đến năm 2030 phải có đến 2 Trái đất mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu về tài nguyên để đảm bảo các mặt cuộc sống của nhân loại.

Thực trạng suy giảm đa dạng sinh học hiện đã ảnh hưởng sự thịnh vượng của nhân loại, các chuyên gia kinh tế cảnh báo. Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy thực trạng suy giảm ĐDSH và các hệ sinh thái đang làm thế giới tổn thất 2.000-5.000 tỉ đồng mỗi năm.

LONG CHÂU (Theo BBC, CNN)

Trong bức tranh xám xịt về đa dạng sinh học toàn cầu cũng loe lói được một vài điểm sáng nhỏ. Đó là diện tích rừng ở châu Âu và Trung Quốc đang gia tăng trở lại trong khi tình trạng chặt phá rừng ở Brazil đang có chiều hướng giảm. Ước tính khoảng 12% diện tích đất tự nhiên trên thế giới đang được bảo vệ.


Chia sẻ bài viết