05/07/2020 - 10:30

Bài toán khó cho tăng trưởng kinh tế 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm GRDP của TP Cần Thơ ước tăng 1,43% so cùng kỳ; mức tăng thấp nhất trong 6 tháng đầu năm của 10 năm gần đây. Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại, nông nghiệp tăng nhẹ, dịch vụ giảm mạnh, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Điều này kéo theo khả năng thu ngân sách nhà nước năm nay khó đạt kế hoạch đề ra. Từ nay đến cuối năm là thách thức lớn trong thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội của thành phố.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Southvina, Khu Công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ.

►Nhiều thách thức

Ông Nguyễn Thực Hiện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT) thành phố, cho biết: Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế-xã hội của thành phố. Sản xuất công nghiệp tăng chậm; kim ngạch xuất nhập khẩu, doanh thu dịch vụ, du lịch đều giảm so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư ngoài ngân sách cũng giảm mạnh, đầu tư trong nước chỉ có 1 dự án và đầu tư nước ngoài 3 dự án. Trong 6 tháng, cấp mới đăng ký kinh doanh cho 660 DN, vốn đăng ký 3.500 tỉ đồng, giảm 10,7% về số lượng và 49,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Có thể nói, chất lượng dòng vốn đầu tư vào thành phố chưa cao, chưa thu hút được DN, tập đoàn lớn đầu tư. Thêm vào đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp, chỉ đạt hơn 20% cũng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thành phố hiện có 8.562 DN và 1.925 chi nhánh đóng trên địa bàn. Theo Sở KH&ÐT, khảo sát về ảnh hưởng của dịch COVID-19 có tới 73,72% DN bị ảnh hưởng; hộ kinh doanh cá thể 77.700 hộ có tới 47,23% tạm ngưng hoạt động và 52,7% bị giảm doanh thu. Phần lớn DN gặp khó khăn do hàng hóa sản xuất bán không được, thị trường thu hẹp, nguồn thu không đủ bù đắp chi phí. DN còn gặp khó về vốn, thiếu nguồn nguyên liệu cho sản xuất… Còn theo lãnh đạo Sở Công Thương thành phố, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng chỉ tăng 1,83% so với cùng kỳ. DN sụt giảm thị trường tiêu thụ hàng hóa, nên hoàn thành mục tiêu năm 2020 là rất khó khăn. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, DN xuất khẩu không được, kéo theo giá cả nông sản xuống mức thấp và kéo dài, cụ thể là giá cá tra giảm ở mức thấp, người nuôi và DN đều thua lỗ. Công nhân thất nghiệp do nhà máy tạm ngừng hoạt động, giãn việc và phải quay về nông thôn cũng tạo áp lực cho nông thôn...

►Cần giải pháp căn cơ

Bên cạnh sản xuất kinh doanh của DN khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng là thách thức cho bài toán tăng trưởng kinh tế năm 2020 của thành phố. Trong 6 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn xây dựng cơ bản của thành phố mới đạt 20,48% kế hoạch (tương đương 1.650 tỉ đồng); trong đó cấp thành phố giải ngân 800 tỉ đồng, đạt 18,96% và cấp quận, huyện giải ngân 560 tỉ đồng, đạt 28,3% kế hoạch vốn. 

Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA thành phố, cho biết: Năm 2020, Ban được giao 1.786 tỉ đồng; trong đó, 1.340 tỉ đồng là vốn vay, còn lại là vốn đối ứng. Ðến nay, đã giải ngân 217 tỉ đồng, đạt 12%; trong đó, vốn vay đã giải ngân 127 tỉ đồng đạt 9,5%; vốn đối ứng giải ngân 89,9 tỉ đồng/445 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 20%. Khó khăn chung là ảnh hưởng của dịch COVID-19 và Nghị định 68 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, nên trong quá trình tổ chức, lập dự toán, thiết kế dự án cũng bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, một số dự án có chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng so với thời điểm lập dự án; giá đền bù tăng gấp 3 lần so với dự toán ban đầu…   

Vừa qua, tại cuộc họp Ban Chấp hành Ðảng bộ TP Cần Thơ mở rộng, Bí thư Thành ủy Trần Quốc Trung cho rằng: Thành phố đang thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Tác động dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đối với phát triển kinh tế của thành phố, nhưng giải ngân vốn đầu tư công chậm không thể đổ thừa hết cho dịch bệnh, mà các sở, ngành, địa phương phải tập trung phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Có kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm đối với những chủ đầu tư, dự án cố tình kéo dài. Các ngành chức năng cũng phải ngồi lại để cân đối các nguồn thu, khai thác các nguồn thu để phấn đấu thu ngân sách đạt từ 90% trở lên. Và phải nắm sát tình hình để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

Theo lãnh đạo Cục Thuế thành phố, ngành Thuế đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để thực hiện khoanh nợ, xóa nợ với số tiền khoảng 720 tỉ đồng; trong đó 4.217 DN với số khoanh nợ là 679 tỉ đồng, hộ kinh doanh 10.495 hộ, khoảng 41 tỉ đồng khoanh nợ. Tính đến ngày 30-6-2020, thành phố có 1.640 lượt nộp đơn xin gia hạn nộp thuế 179 tỉ đồng; trong đó DN là 789 đơn vị số tiền 178 tỉ đồng và hộ kinh doanh 651 hộ khoảng 1 tỉ đồng. 

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, trên địa bàn có 31 chi nhánh ngân hàng thương mại và 1 Quỹ tín dụng nhân dân đã phát sinh cho vay, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với dư nợ bị ảnh hưởng 10.952 tỉ đồng. Các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay với số dư nợ khoảng 3.352 tỉ đồng cho 1.174 khách hàng; doanh số cho vay mới là 12.423 tỉ đồng cho 3.405 khách hàng. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Chi nhánh đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bởi dịch COVID-19, đảm bảo dòng vốn ra thị trường để nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời hỗ trợ DN và nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Giám đốc Sở KH&ÐT, khẳng định: Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm. Phấn đấu đến cuối năm, các khu tái định cư ở các quận, huyện thực hiện giải ngân hết nguồn vốn đầu tư và cũng để giải quyết chính sách tái định cư cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, đồng thời khuyến khích DN mở rộng thị trường nội địa. Sở tiếp tục đồng hành cùng DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai các chủ trương, thủ tục đầu tư để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết