Việc ban hành, thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” là dấu ấn lớn, thể hiện tư duy và quyết tâm chính trị của Đảng trong tiến hành công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Sau 5 năm (2016-2021) triển khai thực hiện, bên cạnh kết quả và chuyển động mạnh mẽ, có tính đột phá trong thực tiễn, tổ chức đảng các cấp còn đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Báo Quân đội nhân dân đã tiến hành khảo sát, trao đổi thông tin đa chiều với gần 20 Đảng bộ địa phương trực thuộc Trung ương và nhiều lãnh đạo, cơ quan chức năng thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước để thực hiện loạt bài này. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc!
Từ khi bắt đầu đổi mới đến trước Đại hội lần thứ XII của Đảng, vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên liên tục được Đảng ta cảnh báo. Thế nhưng dư luận vẫn băn khoăn không biết rõ hình hài của “một bộ phận không nhỏ” nằm ở đâu, làm thế nào để “chỉ mặt điểm tên” bộ phận ấy? Và NQTƯ 4, khóa XII được ban hành với việc xác định 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” được ví như một "chiếc gương soi chiếu" giúp nhìn rõ hơn về “một bộ phận không nhỏ” ấy.
Rõ hình hài “một bộ phận không nhỏ”
Việc cảnh báo về tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở đội ngũ cán bộ, đảng viên được Đảng ta thẳng thắn nhận diện từ rất sớm. Từ Đại hội VI đến Đại hội X, Trung ương đã chỉ ra với không ít biểu hiện tiêu cực ở cán bộ, như: Lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền; giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, tha hóa về phẩm chất đạo đức... Thế nhưng, những biểu hiện này chưa được xướng tên một cách hệ thống.
Đến Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, NQTƯ 4, khóa XII là sự tiếp nối những thách thức đã đặt ra từ rất nhiều đại hội, hội nghị Trung ương trước đây, nhưng có sự phát triển đột phá là xác định rõ những biểu hiện suy thoái. Điều này cho thấy, đây là nguy cơ đeo đẳng suốt tiến trình xây dựng, phát triển của Đảng, là vấn đề sống còn, buộc Đảng phải thường xuyên tu sửa, chỉnh đốn. Cái mới là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách hệ thống 27 biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là căn cứ quan trọng để Đảng ta tiến hành một cuộc tầm soát, chẩn đoán những yếu kém, khuyết tật; làm cơ sở đánh giá đúng cán bộ, giúp thanh lọc đội ngũ, chỉnh đốn lại tổ chức ở quy mô lớn, từ Trung ương tới cơ sở. Chính sự ra đời của NQTƯ 4, khóa XII giúp việc nhận diện các biểu hiện tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không còn là vấn đề hóc búa như trước, mà cơ bản đã rõ hình hài cả về mặt định dạng, định hình, định lượng, cả diện mạo lẫn bản chất của “giặc nội xâm” đặc biệt nguy hại này!
Thường trực Thành ủy Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên làm việc với lực lượng quân đội và công an về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Ảnh: PHẠM KIÊN.
Còn nhớ, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rơi nước mắt, nghẹn ngào khi thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về "một số khuyết điểm lớn" cả hiện tại lẫn ở các nhiệm kỳ trước. Đến Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, việc thẳng thắn chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái là minh chứng sinh động cho cách nhìn toàn diện hơn hẳn của Đảng ta. Cũng từ đây, “một bộ phận không nhỏ” lần lượt bị lôi ra ánh sáng.
Thực tiễn đã chứng minh, không chỉ ở Trung ương, mà từ đảng bộ cấp tỉnh, thành phố đến cơ sở, việc thực hiện NQTƯ 4, khóa XII được tiến hành nghiêm túc, quyết liệt, bài bản, hệ thống; nhất là việc nhận diện, đấu tranh, loại trừ “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đã trở thành việc làm thường xuyên, quyết tâm chính trị của cả hệ thống. "Chiếc gương soi chiếu" những khuyết tật được các đảng bộ vận dụng triệt để, góp phần làm trong sạch đội ngũ, vững mạnh tổ chức. Đơn cử như ở Cao Bằng, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã cụ thể hóa 27 biểu hiện thành 82 dấu hiệu dễ nhận biết để các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thuận lợi trong việc soi chiếu, nhận diện; chỉ đạo chặt chẽ việc tầm soát và xác định rõ những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Trong 5 năm, Ban Thường vụ tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm đối với 18 tập thể, 33 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành và tương đương, yêu cầu 4 đơn vị báo cáo kết quả khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong kỳ kiểm điểm. Các cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận có biểu hiện suy thoái về tư tưởng đối với 1 đồng chí; có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống là 182 đồng chí; có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là 3 đồng chí. Trong xử lý, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thi hành kỷ luật hai đảng viên bằng hình thức khiển trách và cảnh cáo; Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 15 đảng viên, trong đó có 9 đảng viên vi phạm phải xử lý kỷ luật.
Thực hiện NQTƯ 4, khóa XII, hầu hết các cấp ủy cụ thể hóa 27 biểu hiện được Trung ương chỉ rõ thành các biểu hiện cụ thể để dễ nhận diện ở thực tiễn cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn cụ thể hóa thành 135 biểu hiện cụ thể suy thoái và phổ biến, triển khai thực hiện trong toàn đảng bộ. Tỉnh ủy Trà Vinh vận dụng thành 82 nội dung biểu hiện nhỏ để các tập thể và cá nhân dễ đánh giá, nhận diện; đồng thời phân tích, làm rõ từng nội dung biểu hiện suy thoái để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên. Tỉnh ủy Vĩnh Long cụ thể hóa 27 biểu hiện thông qua 2 phiếu tự đánh giá: Phiếu 1 gồm 12 biểu hiện nhưng chưa nghiêm trọng và 63 biểu hiện suy thoái; phiếu 2 chia ra 13 dấu hiệu vi phạm nhưng chưa nghiêm trọng và 29 dấu hiệu vi phạm. Tỉnh ủy Hậu Giang cụ thể hóa thành 71 dấu hiệu nhận biết với 3 mức độ khác nhau là không suy thoái, có lúc hay thường xuyên...
Qua 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở 27 biểu hiện suy thoái đã giúp ban thường vụ, cấp ủy các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên phát hiện, đấu tranh loại trừ và ngăn ngừa vi phạm. Trong 5 năm, Đảng thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng và nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Việc xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm đã tạo được niềm tin vững chắc trong nhân dân. Sự hoài nghi về “một bộ phận không nhỏ” được làm sáng tỏ, là cơ sở vững chắc để toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục quét sạch chủ nghĩa cá nhân, làm trong sạch đội ngũ, vững mạnh tổ chức.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp kiểm tra hơn 264.000 tổ chức đảng và hơn 1,1 triệu đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với hơn 15.900 tổ chức đảng và hơn 47.700 đảng viên. Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên.
Chẩn đoán đúng để có phác đồ chuẩn
Bài học từ câu chuyện của ông Nguyễn Xuân Anh ở TP Đà Nẵng 4 năm trước là một trong những dẫn chứng điển hình của biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ở thời điểm Nguyễn Xuân Anh là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong dư luận người dân thành phố xuất hiện tâm tư cho rằng, thành phố thời điểm ấy không còn được sự hào sảng, thân thiện như trước đây; nội bộ lãnh đạo biểu hiện nghi kỵ, mất đoàn kết, khiến nhân dân bất an, thiếu tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo thành phố. Người dân đặt câu hỏi cho việc chỉ trong khoảng thời gian ngắn, mặc dù chưa thể hiện tài năng, chưa có dấu ấn gì rõ rệt ở những vị trí công tác mà ông Nguyễn Xuân Anh đảm nhận, nhưng lại liên tục được cất nhắc, đặt vào vị trí quan trọng, vị trí sau cao hơn vị trí trước. Khi ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật cách chức, dư luận bày tỏ sự đồng tình cao với Trung ương, bởi một cán bộ cấp cao, thuộc tầng lớp "hậu duệ", tuổi đời còn trẻ, đã sa vào cám dỗ vật chất, nhận nhà, nhận xe của doanh nghiệp; khai khống bằng cấp, tác động vào cơ chế chính sách có lợi cho một nhóm người. Quả thực, nếu Trung ương không rốt ráo vào cuộc, nghiêm túc xem xét để kịp xử lý kỷ luật thì hậu quả thật khôn lường!
Năm 2016, dư luận xôn xao việc ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng xe cá nhân Lexus trị giá hơn 5 tỷ đồng có gắn biển xanh sai quy định. “Bắt bệnh” từ biểu hiện suy thoái đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra, phát hiện nhiều sai phạm khác của ông Thanh. Cũng từ vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, các cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều sai phạm trong công tác bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng cán bộ của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ. Ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương bị cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016, xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Kết quả từ việc chẩn đoán đúng “căn bệnh” suy thoái để chữa trị dứt điểm, xử lý đến tận cùng những sai phạm, nhất là cán bộ cấp cao, được dư luận hoan nghênh là minh chứng sinh động cho tính đúng đắn, kịp thời từ những chủ trương, giải pháp quyết liệt mà NQTƯ 4, khóa XII vạch định. Từ ánh sáng của nghị quyết, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cụ thể hóa ở cấp mình bằng kế hoạch, chương trình hành động sát thực tiễn cơ sở, đặc biệt trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, tự phê bình và phê bình; từ đó tạo bước chuyển biến đột phá mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Có thể thấy, qua 5 năm thực hiện NQTƯ 4, khóa XII đã có tác động mạnh mẽ làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và mỗi cá nhân phụ trách trong công tác xây dựng Đảng; tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, lề lối tác phong làm việc, sâu sát cơ sở, nói đi đôi với làm, gương mẫu thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng và chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mỗi đảng viên, cấp ủy viên, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng.
Theo đánh giá của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả NQTƯ 4, khóa XII. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm. Các ban Đảng, trực tiếp là Ban Tổ chức Trung ương làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn quán triệt, triển khai, sớm đưa NQTƯ 4, khóa XII vào cuộc sống. Các cấp ủy, tổ chức đảng dành thời gian thỏa đáng để kiểm điểm ở cấp mình, trực tiếp dự, chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý; coi trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên đạt kết quả khá toàn diện.
TẤN TUÂN - HOÀNG TIẾN - BÁ HIÊN - HỒNG THẠNH (Báo Quân đội Nhân dân)