17/02/2011 - 08:34

Làn sóng biểu tình lan rộng khắp thế giới A-rập

Bahrein trở thành tâm điểm mới

Người biểu tình tại Quảng trường Pearl ở Thủ đô Manama. Ảnh: AP

Quốc gia nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược quan trọng ở vùng Vịnh Persic – Bahrein đang phải hứng chịu cơn địa chấn của làn sóng biểu tình nổi dậy làm rung chuyển thế giới A-rập. Chiều 15-2, hàng ngàn người đã tiến đến trung tâm Quảng trường Pearl tại Thủ đô Manama bắt đầu cuộc biểu tình chống chính phủ Bahrein.

Từ lời kêu gọi tổ chức “Ngày thịnh nộ” được loan truyền trên Internet, chỉ trong vòng 24 giờ, một đoàn người biểu tình rầm rộ đã hình thành tại Manama. Họ vẫy cờ, dựng lều trại và chiếm giữ khu vực vòng xoay bên dưới tòa tháp biểu tượng của Bahrein tại trung tâm thủ đô. Đám đông tập trung ngày càng lớn (hơn 10.000 người) và cũng như ở Tunisie và Ai Cập, sự nhượng bộ “nhỏ giọt” từ chính phủ chỉ làm tăng thêm cơn thịnh nộ của người biểu tình. Họ đe dọa sẽ chiếm giữ Quảng trường Pearl lâu dài kiểu như ở Ai Cập cho đến khi nào các yêu cầu của họ được đáp ứng. Trong hai ngày 14 và 15-2, ít nhất 2 thanh niên thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát.

Bahrein được biết đến là nơi đặt căn cứ Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ ở vùng Vịnh Persic. Nhà lãnh đạo của Bahrein – Quốc vương Hamad bin Isa al-Khalifa là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố và ngăn chặn ảnh hưởng của Iran ở khu vực. Tuy nhiên, chính trường Bahrein lâu nay luôn bị xem là rối rắm. Quốc vương Khalifa và giới cầm quyền là người Hồi giáo dòng Sunni, trong khi đa số dân Bahrein (khoảng 70% trong số 500.000 dân) là người Hồi giáo dòng Shiite. Trong 15 năm qua, người Shiite chưa bao giờ chiếm đa số ở quốc hội sau các cuộc bầu cử ở nước này. Người Shiite cho rằng họ bị phân biệt đối xử mọi thứ từ việc làm, nhà ở tới học hành.

Vì vậy, những đòi hỏi của người biểu tình không có gì mới. Họ yêu cầu phóng thích tù nhân chính trị, thiết lập quốc hội tiêu biểu và có thực quyền hơn, sửa đổi Hiến pháp... Người biểu tình còn đòi sa thải Thủ tướng Khalifa bin Salman al-Khalifa, chú của Quốc vương Khalifa, vì đã điều hành chính phủ quá lâu, tới 40 năm.

Trong bài phát biểu hiếm hoi về đất nước, Quốc vương Khalifa cho rằng ông lấy làm tiếc về việc 2 thanh niên thiệt mạng do đụng độ với cảnh sát và kêu gọi điều tra vụ này. Tuy nhiên, phát biểu của ông không thuyết phục được người biểu tình. Mohammed al-Maskati, người đứng đầu Trung tâm thanh niên Bahrein về Nhân quyền, cho biết thủ lĩnh các cuộc biểu tình này đều là thanh niên, họ không liên quan tới bất kỳ đảng phái nào và sẽ gây sức ép cho tới khi chính phủ nhượng bộ.

Còn quá sớm để nói về kết quả cuộc biểu tình của dân chúng Bahrein. Nhưng ngày 15-2, 18 nghị sĩ của Hiệp hội Thỏa ước Dân tộc Hồi giáo, đảng đối lập chính ở Bahrein, tuyên bố rút khỏi quốc hội 40 ghế của nước này, gây thêm sức ép lên chính quyền Manama.

N. MINH
(Theo NYT, WSJ, AFP)

Chia sẻ bài viết