 |
Một số nhân vật bị cáo buộc đảo chính ở Bahrein. Ảnh: AFP |
Quốc vương Bahrein Hamad bin Asa al-Khalifa ngày 5-9 đã gởi thông điệp quốc gia thông báo phá vỡ một âm mưu khủng bố, gây hấn chính trị và lật đổ thể chế, đồng thời cho biết chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát các “diễn đàn tôn giáo”, nơi mà những giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite và các thế lực khác đang tìm cách thách thức hệ thống cầm quyền của người Sunni. “Chúng tôi hy vọng và mong rằng mọi người dân sẽ kiên định bảo vệ đất nước khỏi sự xung đột chính trị và cái ác trước nguy cơ bạo lực và khủng bố dưới mọi hình thức”, ông al-Khalifa kêu gọi.
Theo các nhà quan sát, tuyên bố của Quốc vương Bahrein nhằm vào mạng lưới có tổ chức đang âm mưu tiến hành chiến dịch lật đổ chính quyền vừa bị cơ quan công tố nước này phá vỡ. Cơ quan công tố Bahrein cho biết họ đang tiến hành các thủ tục xét xử 23 nhà hoạt động người Hồi giáo Shiite tội thành lập một mạng lưới khủng bố nhằm phá hoại an ninh, gây tình hình căng thẳng trước cuộc bầu cử ngày 23-10 và tìm cách lật đổ chính phủ vương quốc vùng Vịnh này. Hầu hết trong số 23 người bị bắt giữ là các nhân vật chủ chốt của nhóm đối lập Haq - Phong trào tự do dân chủ. Các đối tượng này bị buộc tội tổ chức những cuộc họp bí mật ở trong nước và nước ngoài để tìm cách “thay đổi chế độ chính trị thông qua những biện pháp bất hợp pháp”.
Đối tượng tình nghi chính là thủ lĩnh Phong trào Haq, Abduljalil al-Singace bị bắt ngày 14-8. Nhân vật này bị buộc tội điều hành một mạng lưới bất hợp pháp và chỉ huy các nhóm phá hoại liên lạc với các tổ chức nước ngoài và cung cấp thông tin sai lệch về vương quốc Bahrein. 7 nhân vật đối lập khác cũng bị cáo buộc tương tự, trong đó có Mohammed Saeed, thành viên của Trung tâm nhân quyền Bahrein. Mohammed Saeed còn bị buộc tội nhận tài trợ của nước ngoài để thực hiện những mục đích bất hợp pháp.
Người Hồi giáo Shiite chiếm đa số tại Bahrein, song vương quốc vùng Vịnh này do hoàng tộc người Sunni cai trị. Năm 2002, chính phủ Bahrein đã tiến hành cải cách hiến pháp, theo đó thực hiện chế độ quân chủ lập hiến tại vương quốc này, nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn trong suốt những năm 1990 do sự bất mãn của người Shiite. Nhóm Haq luôn phản đối cải cách hiến pháp này. Nhóm này đã tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội năm 2006 và đang có ý định tẩy chay cuộc bầu cử trong tháng 10 tới.
Lãnh đạo nhóm Hag cho rằng chính phủ Bahrein đã ngụy tạo cáo buộc trên nhằm trấn áp phái đối lập trước cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 23-10 tới. Hiện nay, phe đối lập đang giữ 17/40 ghế trong quốc hội Bahrein. Ở quốc đảo Vùng Vịnh nhỏ bé (nhỏ hơn thành phố New York của Mỹ) với khoảng 530.000 thần dân này, người Shiite chiếm gần 70%. Từ lâu, họ hay than phiền bị phân biệt đối xử trong vấn đề xin việc làm tại các cơ quan nhà nước, sở hữu nhà ở và không thể nắm giữ vị trí quan trọng trong lực lượng an ninh quốc gia. Người Shiite cũng không tán đồng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Bahrein, nên họ đã gia tăng áp lực chống chính phủ khi hồi tháng 5-2010, hải quân Mỹ thông báo nâng gấp đôi sức mạnh của Hạm đội 5 đóng tại Thủ đô Manama. Đây là đơn vị tác chiến chủ lực thuộc Bộ chỉ huy Trung tâm của Hải quân Mỹ với nhiệm vụ kiểm soát Ấn Độ Dương và Vùng Vịnh. Một số nhà quan sát cho rằng Bahrein nắm vai trò quan trọng trong chiến lược chống Iran của Mỹ. Washington lo ngại nếu người Shiite lên nắm quyền thì Manama có thể cải thiện quan hệ với Tehran. Tuy nhiên, lãnh đạo nhóm Hag tại Bahrein đã phủ nhận mối quan hệ giữa họ với Iran.
KIẾN HÒA (Theo AP, AFP và Reuters)