19/07/2011 - 21:40

ASEAN tiến tới "Cộng đồng ASEAN hướng ngoại, hòa bình, ổn định, thịnh vượng, vì nhân dân và dân chủ vào năm 2015"

Các nhà lãnh đạo cấp cao và ngoại giao ASEAN chụp hình lưu niệm ngày 19-7. Ảnh: AP

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44) với chủ đề “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng toàn cầu của các quốc gia” đã diễn ra trong ngày 19-7 tại Bali, Indonesia. Trong một ngày làm việc của Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thảo luận thực chất, hiệu quả và nhất trí về nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc tăng cường tính kết nối, hợp tác, đoàn kết, nâng cao năng lực của ASEAN, hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng ngoại, hòa bình, ổn định, thịnh vượng, vì nhân dân và dân chủ vào năm 2015; thúc đẩy hợp tác ASEAN với các Đối tác nhằm tăng cường đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực cũng như trên thế giới.

Nhằm nâng cao nhận thức về ASEAN và tiến trình xây dựng Cộng đồng để từ đó tạo dựng ý thức Cộng đồng, các Bộ trưởng nhất trí là các nước ASEAN sẽ cùng treo cờ ASEAN bên cạnh quốc kỳ tại tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao của mình bắt đầu từ “Ngày ASEAN” 8-8-2011.

Các Bộ trưởng nhất trí đẩy nhanh tiến trình hội nhập ASEAN trên cơ sở thúc đẩy hiệu quả việc xây dựng ba trụ cột, bao gồm Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC); dành ưu tiên cho các vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nước, nhất là nước sạch; gia tăng hơn nữa năng lực tận dụng cơ hội, đối phó hiệu quả với các thách thức khu vực và toàn cầu, trong đó giải quyết bất đồng giữa các nước thành viên ASEAN theo tinh thần của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC), giải quyết hòa bình tranh chấp giữa các nước thành viên với các nước ngoài ASEAN thông qua đối thoại và đàm phán.

Bàn về hợp tác với các Đối tác và cấu trúc khu vực đang định hình, các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần tiếp tục chủ động, tích cực thúc đẩy xây dựng cấu trúc khu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm và dựa trên các tiến trình, cơ chế hợp tác khu vực hiện có như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+... nhằm đóng góp hiệu quả hơn cho hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực.

Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bày tỏ quan ngại về những vụ việc phức tạp gần đây trên Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy một môi trường hòa bình, thân thiện và hài hòa trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực; nhấn mạnh DOC là cam kết tập thể quan trọng giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc để đảm bảo giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực, phù hợp với UNCLOS; kêu gọi tất cả các bên tôn trọng tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông theo quy định của các nguyên tắc được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Các Bộ trưởng đã thảo luận về việc hoàn thiện các hướng dẫn thực thi DOC để hai bên có thể bước sang giai đoạn mới, đó là xác định các nội dung cơ bản của Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Nhấn mạnh việc triển khai quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN 18 (tháng 5-2011), các Bộ trưởng nhất trí giao các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN khởi động tham vấn trong ASEAN về xây dựng COC và báo cáo kết quả vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 19 cuối năm nay; hoan nghênh dự thảo mới của SOM ASEAN về Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và hy vọng ASEAN-Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận và hoàn tất Quy tắc này nhân dịp họp SOM hai bên vào hôm nay (20-7); mong muốn hoàn thiện nội dung COC trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN 19 và các hội nghị cấp cao liên quan dựa trên động lực kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc trong năm nay. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi cơ chế theo dõi thứ hai về những gì đang diễn ra ở Biển Đông, chẳng hạn như hội thảo thường xuyên về quản lý xung đột tiềm năng tại Biển Đông do Indonesia tổ chức, có thể khuyến khích hợp tác, củng cố lòng tin và hiểu biết lẫn nhau giữa các bên liên quan.

Chia sẻ bài viết