02/03/2013 - 09:43

Asaib Ahl al-Haq và ảnh hưởng của Iran tại Iraq thời hậu Mỹ

Qais al-Khazali – một lãnh đạo cấp cao của Asaib Ahl al-Haq. Ảnh: AFP 

Trong động thái được tờ Bưu điện Washington nhận định có thể gia tăng ảnh hưởng của Iran tại Iraq thời hậu Mỹ, các nhóm chiến binh người Shiite vốn được Tehran hậu thuẫn được cho là đang nỗ lực cơ cấu lại tổ chức hướng đến vai trò chính trị, hòng lấp đầy khoảng trống quyền lực Mỹ ở Iraq với qui mô có thể vượt khỏi biên giới nước này trong tương lai.

Những tháng gần đây, nhóm chiến binh Hồi giáo có tên Liên minh vì Công lý (Asaib Ahl al-Haq) đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện của họ trên khắp đất nước Iraq thông qua các hoạt động tuyên truyền, trong đó tung hô vai trò của tổ chức là nguyên nhân chính "buộc quân đội Mỹ phải rút quân".

Sau khi được thành lập vào năm 2006, Asaib Ahl al-Haq đã thực hiện hơn 6.000 cuộc tấn công với các hình thức đánh bom, sử dụng súng cối và tên lửa để chống lại các cơ sở thiết bị của lực lượng Mỹ, bao gồm cả đại sứ quán của nước này tại Thủ đô Baghdad. Asaib Ahl al-Haq cũng từng lên tiếng chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc Peter Moore, một nhà đầu tư người Anh và ra tay sát hại 4 vệ sĩ đi cùng vào năm 2007. Vị này đã được trả tự do sau khi quân đội Mỹ đồng ý phóng thích Qais al-Khazali và hàng trăm thành viên Asaib Ahl al-Haq - một "thành tựu lớn" như lời Khazali nói trong cuộc phỏng vấn hồi tháng trước với mạng lưới truyền hình Alsumaria.

Mặc dù báo cáo cho thấy không có lính Mỹ thương vong trong các vụ tấn công nhưng sau những thất bại do al-Qaeda gây ra tại Iraq năm 2008, các quan chức Mỹ đã xác định Asaib Ahl al-Haq là mối đe dọa lớn nhất. Đến cuối năm 2011, tổ chức này bắt đầu "khẳng định tên tuổi" trở lại khi Asaib Ahl al-Haq lần đầu tiên tuyên bố sẽ bước chân vào vũ đài chính trị sau khi Mỹ rút quân về nước. Theo lời giáo sĩ trẻ Mithaq Sheikh al-Humairi thì "Asaib Ahl al-Haq được thành lập với nhiệm vụ chống lại sự chiếm đóng của Mỹ trong phong trào kháng chiến Hồi giáo, nhưng hiện tại, chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới, đó là làm cho mọi người nhận thức về Asaib Ahl al-Haq".

Theo đó, những thành viên lãnh đạo của Asaib Ahl al-Haq vốn là những nhân vật lưu vong trở về từ Iran đã áp dụng chiến lược tương tự đồng minh thân cận tại Liban- Phong trào hồi giáo Hezbollh, bao gồm thiết lập một chuỗi văn phòng chính trị, thúc đẩy các chương trình dịch vụ xã hội trợ giúp góa phụ, trẻ em mồ côi bên cạnh việc xây dựng mạng lưới trường học tôn giáo. Để thắt chặt thêm mối quan hệ chặt chẽ với Phong trào Hồi giáo Hezbollah, Asaib Ahl al-Haq năm ngoái còn mở một văn phòng ở Beirut. Không chỉ vậy, tổ chức này bị nghi vấn đã cử các tình nguyện viên đến chiến đấu tại Syrie trên danh nghĩa Tổng thống Syrie Bashar al-Assad, phần nào cho thấy tham vọng vươn ra khỏi Iraq của Asaib Ahl al-Haq.

Lướt qua một trong những văn phòng của nhóm ở các khu phố Kadhimiyah tại Thủ đô Baghdad, người ta có thể nhận thấy chân dung của Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei và nhà sáng lập nước Cộng hòa Hồi giáo Ayatollah Ruhollah Khomeini trên các bức tường bên cạnh giáo sĩ cấp tiến lãnh đạo các tay súng dòng Shiite Qais al-Khazali. Theo các quan chức Mỹ, Iran thời điểm ban đầu đã giúp đỡ và hỗ trợ cho nhóm nhằm mục đích thiết lập lực lượng thay thế trung thành và đáng tin cậy so với giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr và lực lượng dân quân tự vệ Mahdi. Vào lúc đó, các quan chức miêu tả Asaib Ahl al-Haq như đại diện cho nỗ lực của Iran để tạo ra một phiên bản Hezbollah tại Iraq.

Trong báo cáo tháng 12, Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ đã nhận định việc Asaib Ahl al-Haq nâng cao vai trò chính trị cũng đồng nghĩa tăng cường ảnh hưởng chính trị - tôn giáo cùng nhiều thế lực đại diện cho Iran tại Iraq và khu vực do mối quan hệ thân thiết giữa hai bên. Theo tác giả Sam Wyer, rất khó để tách các nguyện vọng chính trị của Asaib Ahl al-Haq từ tham vọng khu vực của Iran. Ngoài Cộng hòa Hồi giáo, Asaib Ahl al-Haq còn có đồng minh mạnh mẽ trong chính phủ là Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki- một nhà lãnh đạo người Shiite. Mặc dù các nhân vật thân cận của ông al-Maliki và Asaib Ahl al-Haq đều phủ nhận có bất kỳ mối quan hệ chính thức nào, nhưng cả 2 đều bày tỏ sự thân thiện cũng như khả năng về một thỏa thuận bầu cử. Bởi khi gia nhập chính trị, tổ chức này có khả năng trở thành đối trọng với ảnh hưởng của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr, nhân vật đối lập từng ủng hộ nhưng sau lại kêu gọi Thủ tướng al-Maliki từ chức.

Song, liệu Asaib Ahl al-Haq có thể xây dựng một cơ sở hỗ trợ quan trọng trong lĩnh vực chính trị vốn phức tạp của Iraq hay không vẫn còn là một nghi vấn. Nhà lập pháp Sami al-Askari, thành viên quốc hội Iraq từng chịu trách nhiệm đàm phán với Mỹ để phóng thích Khazali và có mối quan hệ gần gũi với Asaib Ahl al-Haq, dự đoán lực lượng này dù có thể giành được 2 hoặc 3 ghế nhưng không đủ để đảm bảo một vị trí chắc chắn trong chính phủ.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết