13/04/2021 - 08:57

Áp dụng kỹ thuật cao cứu sống bệnh nhân phình động mạch chủ ngực 

“Những trường hợp phình động mạch chủ ngực ở vị trí đặc biệt, các bác sĩ không thể điều trị bằng can thiệp đặt Sstent graft hoặc phẫu thuật mà đòi hỏi áp dụng kỹ thuật phức tạp hơn”. Ðó là chia sẻ của Ths. BS Trần Phước Hòa, Trưởng Ðơn vị Tim mạch, Bệnh viện (BV) Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, sau nhiều ca cấp cứu thành công, nhờ ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị phình động mạch chủ ngực.

 BS Trần Phước Hòa thăm khám sức khỏe người bệnh trước khi xuất viện. Ảnh BV cung cấp.

Mới đây, ông T.V.B (65 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) được đưa đến BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng mệt, đau đầu. Qua thăm khám và kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị phình động mạch chủ ngực kích thước lớn, đoạn sát gốc động mạch dưới đòn bên trái. Ðây là vị trí không thể can thiệp đặt stent do tại đoạn phình có các mạch máu nuôi não (bao gồm động mạch thân cánh tay - đầu, động mạch cảnh chung trái và động mạch dưới đòn trái). Sau khi hội chẩn với các chuyên gia, ê-kíp bác sĩ sử dụng kỹ thuật Hybrid, kết hợp giữa phẫu thuật chuyển vị trí các mạch máu cổ và can thiệp đặt Stent graft tại đoạn phình của động mạch. Một mạch máu nhân tạo được cắm vào động mạch chủ lên, dẫn máu đến 3 động mạch nuôi não vùng cổ (chuyển vị trí toàn bộ mạch máu), sau đó đặt Stent graft vào đoạn phình của động mạch chủ ngực.

Theo Ths. BS CKII Trần Phước Hòa - Trưởng Ðơn vị Tim mạch, đây là trường hợp điều trị phức tạp, ứng dụng kỹ thuật Hybrid kết hợp giữa can thiệp và phẫu thuật. Suốt quá trình phẫu thuật chuyển vị trí hoàn toàn 3 nhánh mạch máu nuôi não phải duy trì huyết động tối ưu, đảm bảo độ mê và theo dõi tưới máu não liên tục cung cấp máu đầy đủ cho não bệnh nhân. Kỹ thuật Hybrid đòi hỏi phải có các thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, phối hợp nhịp nhàng và dịch vụ chăm sóc hậu phẫu chuyên nghiệp. Hybrid phối hợp được ưu điểm của phẫu thuật và can thiệp nội mạch, cho phép phẫu thuật viên xử lý được các thương tổn khó, phức tạp của mạch máu đôi khi không thể thực hiện được nếu phẫu thuật hoặc can thiệp truyền thống. Thời gian qua, nhiều bệnh nhân phình động mạch chủ ngực ở vị trí đặc biệt đã được cứu sống nhờ phương pháp này.

BS Hòa cho biết thêm, phình động mạch chủ không còn là bệnh lý hiếm gặp, với số lượng nhập viện ngày càng tăng. Thông thường, phình động mạch chủ ít có triệu chứng hoặc chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hay khi chụp X-quang ngực thường quy. Ngoài ra, một số trường hợp có triệu chứng không điển hình như: Ðau đột ngột vùng trước ngực hoặc sau lưng, cảm giác đau mơ hồ, thấy đau ở vùng cổ và hàm dưới, hoặc đau giữa hai xương bả vai, đau vai trái, hay đau lưng. Khi bị phình tách động mạch chủ ngực thì cơn đau xuất hiện đột ngột như xé vùng trước ngực hoặc sau lưng. Khi phình động mạch chủ ngực với mức độ lớn có thể gây chèn ép các cấu trúc xung quanh hoặc các tạng lân cận, dẫn đến khàn tiếng, khó thở, khó nuốt, bị phù. Ðể phát hiện kịp thời và điều trị sớm cũng như hạn chế nguy cơ của phình động mạch chủ ngực, người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt đối với người trên 50 tuổi, kiểm soát huyết áp ổn định, không hút thuốc lá, thường xuyên tập thể dục.

MINH THƠ

Chia sẻ bài viết