04/12/2019 - 10:43

Ao ước của những người tí hon! 

"Người trồng khoai chỉ mong có nhà máy chế biến công suất lớn tại đây, công nghệ ngon lành. Tự nhiên người mua hàng chính ngạch đi Trung Quốc sẽ nói chuyện đàng hoàng" - ông Tua - Giám đốc  HTX khoai lang Thành Đông, huyện Bình Tân, ao ước...

Công nghệ "cứu cánh" nông trại nhỏ

TS Phan Thị Thanh Quế, người trực tiếp hỗ trợ cơ sở Năm Hiếu ổn định quy trình chế biến, thủ tục, bao bì, nhãn mác. Còn ông Năm lo sửa lại vườn sau đợt triều cường. Nguyên liệu chế biến phải lấy từ vườn của anh em ở bên Long An về.

Một đại lý ở Long An và một số khách hàng quen ở các sở ban ngành, Viện trường, nhưng nước trái cây "Năm Hiếu" cũng đã xuất hiện ở đám tiệc, teabreak, cửa hàng. Ông Phạm Văn Hiếu, 76 tuổi, cười hiền nói "cũng bất ngờ khi người mua ủng hộ nhà vườn".

Phân loại khoai tại một cơ sở thu mua ở Bình Tân.

Sau khi nhận được chứng nhận "sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp cho 2 sản phẩm "nước thanh long ruột đỏ" và "nước mãng cầu xiêm" (cách nay 1 tháng), ông Năm tiếp tục làm thủ tục cho sản phẩm "nước xoài". Hiện nay, cứ 1-2 tuần ông cho máy chạy một lần, tổng nguyên liệu khoàng 5-10 tấn.

Bộ môn Cơ khí, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) lắp dây chuyền sản xuất với công suất thiết kế 500 chai/ngày để ông Năm làm theo đơn đặt hàng của các nhà phân phối. Thiết bị có lợi thế dùng cho nhiều loại trái cây. Nhà xưởng 30m2, vốn khoảng 300 triệu đồng. Việc đầu tư khả thi đối với những nông trại có quy mô 5-10ha muốn chế biến trái cây để thoát cảnh khê đọng, theo ông Năm.

Có máy móc, có nguyên liệu tại vườn nhà và của anh em, ông Năm đang ấp ủ ý định chế biến nước từ trái ổi, bưởi,… nhưng chưa làm vì bán 1 chai nước 12.000 đồng, chi phí bao bì, nhãn mác, chai lọ ngốn hơn 4.000 đồng, không có lời để tích lũy tái đầu tư.

Vài tháng trước, có mấy đoàn khách tham quan, ông Năm chỉ hết ngón nghề. Sau đó, HTX xoài ba màu ở An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang bắt đầu nhận chuyển giao công nghệ từ Trường ĐHCT, công suất 800 chai/ngày, thử mẻ đầu tiên, kết quả như ý.

Ông Năm kể hoàn cảnh ra đời của cái xưởng tí hon ở ấp Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ này. Số là, sau khi đoạt giải Bông lúa vàng về "Kỹ thuật xử lý mai nở không rụng" của Bộ NN&PTNT năm 1997 với sản phẩm "Mai không rụng" từ Auxin và các nguyên tố đa, vi lượng, (10gr/gói, giá 120.000 đồng), ông Năm nghĩ đến việc trồng và cho thanh long ruột đỏ ra hoa theo ý muốn. Một dịp tình cờ đi Hội chợ quốc tế nông nghiệp Cần Thơ, thấy 10 hom thanh long ruột đỏ bán với giá 35.000 đồng/hom. Từ những hom thanh long mua ở Hội chợ, ông Năm đã nhân ra 200 gốc thanh long ruột đỏ, sử dụng chế phẩm này sai trái hơn vườn ở chung quanh. Bây giờ, không chỉ người trồng mai mà người trồng bông giấy cũng đã quen dùng chế phẩm này. Ông có tâm nguyện tập hợp những người trồng mai, hoa kiểng, cây ăn trái… chuyển giao kỹ thuật và dần dần hình thành tổ hợp tác, HTX.

"Công lớn thuộc về PGS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT) và TS Trần Viết Mỹ, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM, đã tới tận nhà động viên vợ chồng tui", ông Năm nói tiếp: "Năm 2011, hơn 3ha vườn tạp (bưởi, cam sành, bòn bon…) bị vỡ đê, sập hết cây. Thanh long vẫn sống, chăm sóc tốt, 8 tháng sau ra trái. Nhờ xử lý bệnh cho cây bằng chế phẩm sinh học (treo bột tỏi) và long não, trái chín xẻ ra mặt cắt ráo hoảnh, độ ngọt tự nhiên, vỏ mỏng. Khi thu hoạch rộ, tui ước gì mình có thể chế biến thành nước trái cây chứ bán hàng thô, thua sút hoài".

Liên kết thanh long vườn nhà và người thân trên 3,7ha và nhờ các thầy, cô ở Viện- trường, ông Năm đã chế biến nước xoài, mãng cầu, thanh long từ quy mô nhỏ. TS Phan Thị Thanh Quế, chuyên nghiên cứu chế biến trái cây nói rằng nếu công nghệ mở ra con đường mới cho nông trại thì đó là mong muốn từ hồi cô còn là nghiên cứu sinh ở Bỉ.

Liệu cơm gắp mắm

Chị Đào Lê Bảo Châu, Cơ sở nấm Phong Nhã, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp tìm kiếm mẫu máy sấy, máy đóng gói hợp với quy mô nhỏ và túi tiền, chừng 20-30 triệu đồng trở xuống, nhưng không thấy. Châu đã chủ động được quy trình nhân giống, sản xuất phôi nấm và muốn chế biến, đóng hàng có nhãn hiệu để có đầu ra bền vững chứ nếu chỉ cung ứng mỗi ngày 50kg nấm tươi thì tương lai đi về đâu? Thường thì trại thu hoạch nấm 2 lần mỗi ngày, vào sáng sớm và chiều tối. Bảo Châu chỉ cần chế biến 5-10kg nấm mỗi ngày khi nguyên liệu rất dồi dào. Thực ra, giá bán 50g bán lẻ 40.000 đồng, siêu thị đặt hàng vì thấy quy trình chặt chẽ, nhưng chiết khấu 25-30% đúng là cơ hội, bản thân nó cũng là thách thức nên Châu chưa quyết định đưa hàng vào siêu thị.

Khởi nghiệp từ 2-3 năm nay, Bảo Châu đầu tư máy sấy để làm ra 2 sản phẩm là nấm bào ngư rim và kim chi nấm bào ngư. Ông xã lặn lội lên Sài Gòn để tìm thợ cơ khí làm theo Model " tự chế", tốn phí chừng 25-30 triệu đồng. Nhưng mọi thứ chỉ là tạm, cô vẫn tìm kiếm công nghệ dễ ứng dụng, giá vừa phải để làm sản phẩm có giá trị hơn.

Máy cắt lát khoai, máy phun trộn để tẩm ướp snack, máy sấy quay ly tâm, máy đóng gói… loại nhỏ, không quá phức tạp có thể mua ở TP Hồ Chí Minh. Anh Đỗ Văn Mừng, cơ sở khoai lang cắt lát 8 Mập, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng lắp máy và vận hành xưởng nhỏ công suất tối đa 2.000 bịch/ngày. "Chưa xài hết công suất máy do quy mô thị trường chưa lớn (mỗi ngày khoảng 700 - 1.000 bịch, sử dụng gần 300- 500kg khoai tươi). Giá bán lẻ 18.000-20.000 đồng/bịch 100g, nhiều người còn nói mắc nên vợ chồng Mừng phải mang hàng đi nhiều, giới thiệu khô cổ họng để bán được hàng và chuẩn bị hàng Tết. "Không bán được hàng thì không thể giúp gì cho người trồng khoai", Mừng nói.

Toàn bộ quy trình làm ra snack khoai lang chưa thể tự động hóa, chưa thể khép kín như những dây chuyền từng nhìn thấy ở nước ngoài. Anh đã đi để nhìn thấy nhưng giá mà các nhà chế tạo máy trong nước cũng nhìn thấy và hiểu được nhu cầu của những cơ sở nhỏ như Mừng.

Suy nghĩ địa phương - hành động toàn cầu

"Đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ là ước mơ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, may mắn lắm mới thành hiện thực", ông Nguyễn Phụng Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bà Giáo Khỏe 55555, Châu Đốc, tỉnh An Giang, nói về sự ra đời của bột mắm sấy khô cách đây 2 năm. Hiện nay, mặt hàng này được nhiều Việt kiều đặt hàng để Tết về là có hàng.

Tổng vốn đầu tư 4-5 tỉ đồng, công suất 50 tấn/năm, bằng công nghệ sấy nhiệt độ thấp, nhờ sử dụng thiết bị trong nước nên chi phí mua máy móc rẻ hơn 50-60% so với máy nhập khẩu. Ông Hoàng sử dụng năng lượng mặt trời nên chi phí giá thành hạ, phù hợp với mục tiêu của công ty là sản phẩm chất lượng "hảo hạng" nhưng giữ giá bán vừa túi tiền người tiêu dùng.

Mỗi năm, công ty này chế biến và bán ra thị trường trên 200 tấn mắm các loại, trong đó 60% xuất khẩu đi Mỹ, Úc, châu Âu, Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan, 40% tiêu thụ nội địa. Chỉ riêng mùa hành hương Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, lượng hàng bán ra cao hơn lúc bình thường trên 40% sản lượng. Bột mắm sấy là một trong những loại hàng được ưa chuộng, đó là sự bất ngờ từ đơn  đặt hàng của Nhật, Thái Lan và cuối cùng từ công nghệ của Nhật Bản, ông đã làm ra mặt hàng này; Kế đó là cách làm nước mắm cô đặc có hàm lượng đạm cao, giữ được hương vị tự nhiên - chuyên đóng hàng xuất khẩu.

Theo ông Hoàng, 3 khó khăn lớn nhất hiện nay là:1/Nguyên liệu cá ngày càng hiếm, nguồn cá sạch thay thế chưa có nhiều; 2/Chưa có đủ vốn để đầu tư nguồn điện ba pha (vài trăm triệu đồng); 3/Nhân lực chuyên marketing, kỹ thuật chế biến hàng theo ý tưởng mới và đặc biệt am hiểu về công nghệ phát huy dinh dưỡng từ mắm, rất cần nhưng tìm không ra.

Đối với ông Ngô Văn Tua, Giám đốc HTX khoai lang Thành Đông, huyện Bình Tân, công nghệ chế biến khoai lang thành bột, thành món gì đó để tránh cảnh bán hàng thô là mơ ước cả đời người. HTX có 12 thành viên, trồng 12ha khoai lang tím Nhật, giảm 5-6ha. Trước đây, được hỗ trợ chi phí làm chứng nhận GlobalGAP nhưng sau đó HTX không có tiền tái chứng nhận nên bỏ luôn. Hiện nay, HTX làm lại quy trình an toàn sinh học diệt tuyến trùng, bọ hà nhưng diện tích không bao nhiêu. Muốn nhân rộng thì nông dân nói đã chuyển qua trồng mít rồi.

Gia đình ông có 2ha cũng đã chuyển qua trồng mít Thái 1ha- cây đã 8 tháng tuổi. Chỉ còn 1ha trồng khoai tím Nhật, theo tiêu chuẩn VietGAP. Nếu bây giờ có người lập nhà máy, có công nghệ tốt thì nguyên liệu đủ chuẩn chỉ là ruộng khoai nhỏ lẻ.

Lâu nay, quy mô nhỏ lẻ không đủ chuẩn nên khó cơ giới hóa khâu xới; tưới tiêu không phù hợp. Cũng có người làm dịch vụ vận chuyển thu hoạch khoai bằng máy, nhưng chẳng có công nghệ gì làm thay đổi thực trạng. Thành viên HTX cũng có công ty chế biến mua khoai nhỏ, số lượng 2-3 tấn để làm thử ở Bình Minh, giá chỉ cao hơn bên ngoài vài trăm đồng một ký. Nếu có doanh nghiệp chế biến công suất lớn tại vùng nguyên liệu thì nông dân mừng. Ông Tua nói: "Năm nay, năng suất khoai 20-22 tấn/ha, giá bán 420.000-450.000 đồng/tạ khoai loại 1, nông dân có lãi nhưng không có gì là bền vững. Tháng rồi, đoàn Nhật tới HTX xem mẫu. Nghe nói Trung Quốc sẽ cho người vô kiểm tra để chuẩn bị mua theo chính ngạch, nhưng vấn đề là giá như thế nào!".

Giá bán các loại khoai khác ở Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long: Bí đường xanh 120.000 đồng/tạ; Khoai trắng 350.000 đồng/tạ; Khoai sữa 120.000đồng/tạ. Khoai tím Nhật có giá hơn các loại khác, nhưng cũng chỉ 380.000 đồng/tạ (60kg), rủi ro vẫn còn cao do vùng khoai này bán số lượng lớn với  Trung Quốc nhưng đó là thị trường lắm chiêu trò.

"Người trồng khoai chỉ mong có nhà máy chế biến công suất lớn tại đây, công nghệ ngon lành. Tự nhiên người mua hàng chính ngạch đi Trung Quốc sẽ nói chuyện đàng hoàng", ông Tua ao ước.

Bài, ảnh: CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết