NGUYỄN NGỌC TUYẾT
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
(Ca dao)
Chủ nhật rảnh rỗi, chị ngồi soạn lại tủ quần áo của cả nhà. Mới nhớ lâu lắm rồi chị chưa động tới mấy cái tủ này. Trong cái tủ đứng lớn là quần áo của hai vợ chồng. Cái tủ là món đồ cả hai anh chị cùng nhau đi sắm ngay từ những ngày chuẩn bị đám cưới, nó cùng tuổi với cái giường sắt lớn trong phòng chị. Cũng lâu lắm rồi, chiếc giường thênh thang chỉ còn mình chị. Chồng chị đã ra ngủ trên bộ đi-văng phòng khách bởi “Anh hay ngáy, sợ phiền em”!
Chị lấy tất cả quần áo của anh trong hai ngăn tủ trên ra, xếp ngay ngắn lại, sắp theo từng loại: Những chiếc quần còn mới, mấy cái áo sơ-mi anh thường mặc đi làm chưa ủi, quần lót, áo thun, pyjama mặc trong nhà... Kiểm tra lại mới thấy có mấy cái áo mới nhưng đứt nút hoặc tuột đường chỉ nên anh xếp xó đó, không mặc nữa. Ừ mà mình tệ thiệt ! Vợ gì mà áo chồng đứt nút sứt chỉ cũng không đơm lại được, bởi có biết đâu mà khâu lại. Từ hồi nhà có máy giặt đúng là chị được giải phóng khỏi công việc nhà rất nhiều, nhưng sao vẫn không thấy rảnh rỗi chút nào, cứ chạy theo công việc ở trường, rồi chuyện học hành của mấy đứa nhỏ... Trước đây giặt đồ bằng tay, chị phát hiện ngay chiếc áo nào sứt chỉ ở nách, ở vai, áo nào đứt nút, quần nào hư dây kéo và chị có thể tranh thủ những phút nghỉ ngơi để sửa cho chồng cho con. Giờ thì...
Chị cẩn thận lựa mấy cái áo sứt đường chỉ hoặc đứt nút để riêng một bên, rồi xếp đồ vào tủ thật ngăn nắp. Cái tủ nhiều ngăn của hai đứa con ở phòng bên cũng xô bồ áo sống, nhất là ngăn tủ của bé Thi, đứa con gái lớn. Quen miệng kêu bé chứ nó còn bé bỏng gì, tốt nghiệp đại học năm ngoái, đã vào công ty làm việc rồi. Thằng Huy em nó cũng chẳng mấy chốc ra trường, cao to dình dàng hơn cả ba nó. Vậy mà đứa nào đứa nấy cứ tâm hơ tâm hất, không để mắt tới là mọi thứ cứ “lộn tùng phèo”... Bảo sao chị có thể thong dong, thoải mái cho được!
Đem mấy cái áo của chồng ra phòng ngoài, chị ngồi khâu lại mấy đường chỉ sứt, kết lại mấy cái nút áo. Chị chậm rãi may từng mũi, từng mũi chỉ bởi cái máy may cũ của chị đã cho đứa cháu học may từ lâu. Nhà yên ắng lạ. Hai đứa nhỏ chắc đã đi chơi với bạn như mọi khi, còn chồng chị, dĩ nhiên là cũng ta bà đâu đó, có thể từ quán cà phê sáng kéo đến quán nhậu quen nào rồi. Mà độ nhậu thì có bao giờ thiếu với kẻ thích nhậu đâu nào. Lâu nay chị cũng “thích nghi” với những cơn say triền miên của anh rồi, đến độ chai lì không cảm giác gì nữa. Vả lại chị cũng chẳng có thì giờ để quay quắt, vật vã như thời gian đầu. Sự buông thùa của ông chồng bất đắc chí làm cho gánh nặng oằn vai, việc học hành của con cái, cuộc sống mỗi ngày của gia đình dường như đã tước bỏ cái quyền được rên rỉ, thở than. Như lúc này đây, ngồi một mình trong căn nhà tĩnh lặng tột cùng, chị lại thấy dễ chịu, lại cảm nhận một chút man mác bâng khuâng... Từng mũi may, từng đường chỉ hiện ra dưới đôi tay đã lóng cóng, vụng về lâu lắm không cầm đến cây kim sao cứ gợn lên trong lòng nhiều điều tưởng đã quên lãng từ lâu. Hình như cùng với đường kim mũi chỉ, người đàn bà đảm đang thuở nào đã trở lại. Nghe như có tiếng nói ấm áp bên tai:
- Em ơi, tối nay ủi giùm anh cái áo nghe, mai anh đi họp.
- Em ơi, soạn quần áo bé Huy đủ chưa, thiếu đồ vào nhà trẻ cô la đó!
- Em ơi, thắt cravate cho anh đi, đến giờ đi đám cưới rồi.
Và nghe như có tiếng cười khúc khích hay giòn tan đâu đó trong ngôi nhà, tiếng cười giờ đã lặn sâu vào từng mảng vách tường, thi thoảng chỉ còn vọng lại chút âm hưởng của tiếng thở dài rất nhẹ, rất nhẹ... như một cơn gió thoảng qua.
Một mũi kim chợt đâm vào đầu ngón tay, đau nhói, đau đến nỗi nước mắt ứa ra. Sợi chỉ đâm xuống vải một mũi chỉ xéo xẹo, đường may ngoằn ngoèo. Chị vẫn mím môi, tiếp tục may, tiếp tục kết chặt đường chỉ sứt trên vai áo, dù biết chiếc áo chị công kỹ vá lại hôm nay có thể bị xếp xó mãi mãi trong tủ áo của chồng. Ừ, những chiếc áo sứt đường chỉ, những chiếc áo đứt nút đều có thể may lại, kết lại mấy hồi, có khó khăn gì đâu. Giá mà những sứt mẻ của cuộc sống vợ chồng cũng vá lại được! Giá mà những tao chỉ kết thành kỷ niệm, thành hạnh phúc một thời xuân sắc cũng kết dính lại được như từng chiếc nút áo kia! Giá mà...
* * *
Suốt buổi chiều, chị mệt phờ vì theo chân cô bạn đi khắp nơi. Lâu lâu về nước một lần, cô bạn cũ cứ hay kéo chị đi như vậy.
- Xa quê, nhớ đủ thứ hết, mi không hiểu được đâu!
Lần này chẳng hiểu sao cô bạn lại kéo chị vào chùa. Năm sáu kiểng chùa, nơi nào cô nàng cũng thắp nhang khấn vái rất thành kính và không quên bỏ tiền vào thùng “Cúng dường Tam Bảo”.
- Bộ bên kia làm gì tội lỗi lắm sao mà...?
- Bậy nè, cúng chùa cho được phước không đúng sao? Mà mi thấy không, đằng chùa B.T lúc nãy, mấy đứa nhỏ côi cút thật tội nghiệp, thật dễ thương phải không? Còn bên nhà an dưỡng nữa, mấy ông cụ áo quần mòn rách hết trơn. Phải có Mạnh Thường Quân giúp những người cơ nhỡ đó chứ.
Nhìn cô bạn vẫn xông xáo, vẫn năng động chẳng khác gì cô gái trẻ ba mươi mấy năm trước. Quả tình, lâu lắm chị mới vừa mệt, vừa vui như vậy. Vui giống cô bé chạy nhanh như gió vòng quanh sân trường để về đến mức, thở hào hễn trong vòng tay bạn bè. Bao nhiêu năm, từ khi hai đứa con trưởng thành không cần sự chăm bẵm của mẹ nữa, từ khi chồng chị sa đà vào rượu chè chị đã quen đi về lủi thủi một mình, lấy công việc làm vui, cố vùi nén những cảm xúc trong lòng. Vậy mà đi cùng cô bạn cũ, những cảnh tượng nghe thấy khiến chị không ngăn được xúc động, bàng hoàng. Cuộc sống thật khắc nghiệt làm sao! Một em bé mới hai tháng tuổi bị bỏ trước tam quan chùa, một cụ bà hoi hóp bị gia đình chở đến vứt đó để các sư lo hậu sự rồi cầu siêu luôn thể, và trong dưỡng trí viện lẫn sau vườn cây rậm rạp kia là những đôi mắt đau đáu hướng ra cửa ngóng đợi một hình bóng thân quen, dù có khi chẳng còn ai để ngóng đợi, là mấy đứa trẻ mặt mày sáng rỡ khi có khách đến thăm... Hóa ra, nếu không có cô bạn cũ thì ngoài năm mươi tuổi, chị vẫn như nàng công chúa ngủ trong rừng, khu rừng tối tăm, tơ nhện giăng bít lối nhốt chị vào trong tâm cảnh của chính mình, thỏa mãn với chút kiêu ngạo của kẻ “Đạt đạo” bình tĩnh, ung dung trong cuộc đời !
* * *
Tiễn cô bạn cũ ra xe lên thành phố Hồ Chí Minh để kịp bay tối nay, chị trở lại nhà. Tự dưng căn nhà nghe trống vắng lạ lùng. Mấy hôm tất bật với cô bạn vậy mà vui, nghe như trẻ lại. Nghĩ đến tối nay bạn mình cũng ngồi một mình trên máy bay, rời quê hương về nơi xa tắp mà rưng rưng. Chắc bạn buồn còn hơn mình. Chỉ mong những thỏa thuê vui nhộn trong mấy ngày ngắn ngủi đầy ý nghĩa vừa qua đủ để bạn khuây khỏa cho đến lần trở về sau, như lời cô gởi lại lúc bước lên xe:
- Mi đừng lo! Mọi thứ ta đã bỏ vào quỹ tiết kiệm trong trái tim rồi, sao ta phải buồn. Nhớ đợi nghe nhỏ, giữ gìn sức khỏe đó, sẽ mau gặp lại mà!
Ừ, đúng là quỹ tiết kiệm của nó nằm trong trái tim thật. Nghe vừa buồn cười lại vừa muốn khóc òa. Mình “lây” tính đa cảm của nó rồi sao? Hay thật đó!
Hôm nay lại là một buổi sáng Chủ nhật. Nhà vắng tanh như thường lệ. Phòng khách lặng như tờ, nhưng được thu dọn sạch sẽ hơn. Chị mỉm cười: “Suýt nữa mình quên, hôm qua là ngày 8-3 mà!”.
Trên chiếc bàn nhỏ trong phòng khách, một cành hoa hồng vàng cắm trong bình hoa dường như cũng mỉm cười cùng chị. Chẳng biết thằng con trai mình năm nay bắt chước ai mà cũng tặng hoa cho mẹ. Hôm trước nó nói:
- Con biết mẹ thích nhất bông hồng vàng, phải không mẹ?
Ừ, mà sao lúc đó mình chỉ nói một câu cảm ơn nhạt nhẽo thôi, mình phải hỏi han nó đôi điều chứ. Chẳng hạn “con đã tặng hoa cho bạn nào chưa?”, còn con gái nữa, trong mấy bó hoa nó ôm về, bó hoa nào sẽ được nó cắm vào bình trên bàn làm việc?...
Chị lắc đầu, đem mớ quần áo vừa soạn trong phòng ra, cặm cụi kết từng nút áo, may lại từng đường chỉ sứt rồi đưa lên ngắm nghía từng cái từng cái thật cẩn thận, ánh mắt dịu dàng, trìu mến thoáng chút nghĩ ngợi. Chị biết mình đang hướng tới nơi nào, bởi những bộ quần áo trong tay chị hôm nay sẽ không còn bị xếp xó trong tủ. Chúng sẽ được đón nhận bằng nụ cười vui, bằng ánh mắt ấm áp... Bởi tình người làm sao “sứt chỉ” cho được phải không? Ở đâu đó, chị đã thấy và hiểu ra như thế!
Chị ngồi đó, trong ngôi nhà im vắng, giữa buổi sáng ngày Chủ nhật, miệt mài may may, vá vá, kết lại từng chỗ tuột đường chỉ, từng chiếc nút đứt, đôi tay nhẹ nhàng thoăn thoắt. Chồng quần áo trước mặt chị càng lúc càng cao dần. Và hình như theo những cái áo cái quần vừa được sửa sang lại, niềm thanh thản đã trở lại trong tâm hồn. Hình như có một cánh cửa vừa mở ra đâu đó trong lòng chị, mở vào quá khứ, đưa chị trở về một thời êm ái cũ, về những ngày quấn quýt vợ chồng và ríu rít tiếng cười vui trẻ thơ. Ừ, những ngày nhọc nhằn thiếu thốn ấy sao mà vui, mà làm việc suốt ngày vẫn tươi tỉnh thế kia. Có lẽ vì chỉ cần về đến nhà, mở toang cửa là niềm vui cũng ùa đến, là những câu chuyện vỡ òa, là nỗi lo chia sẻ cùng nhau nên trước mắt đất trời vẫn thênh thang rộng mở với bao ước mơ hy vọng ở ngày mai...
Chị ngồi đó, chiếc áo đang kết nút trên tay, nghĩ miên man, nghĩ đến mắt nhíu lại, gục xuống bàn lúc nào không hay. Lâu lắm rồi giấc ngủ mới đến với chị nhẹ nhàng, tự nhiên đến vậy.
Khi chị tỉnh giấc, trời đã xế trưa. Nhìn lên bàn, lạ chưa, không phải một mà có đến ba bông hồng vàng trong bình hoa. Chị dụi mắt, đúng là ba bông hoa thật. Lại có tấm thiệp nhỏ nằm cạnh. Mở thiệp ra, trước mắt chị là dòng chữ: “Gởi lời chúc đẹp nhất cho ngày 8-3 và lời xin lỗi muộn màng của anh”. Bên dưới là chữ ký vô cùng quen thuộc với chị.
Áp tấm thiệp vào mặt, mùi thơm thoảng nhẹ qua mũi, chị mỉm cười. Hóa ra anh vẫn chưa quên!
Trên chiếc bàn nhỏ, trong bình hoa, ba cánh hoa hồng vẫn nhìn chị, rực vàng...